Bất ổn Venezuela: Phép thử cho Tổng thống Maduro

24/02/2014 08:48

(Baonghean) - Đất nước Mỹ Latinh Venezuela đang chứng kiến những cuộc biểu tình chưa từng có do phe đối lập và sinh viên thực hiện nhằm chống Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất mà Tổng thống N.Maduro phải đối mặt kể từ khi đắc cử, sau khi người tiền nhiệm Hugo Chavez qua đời vào năm ngoái. Sự bất ổn chính trị hiện nay không chỉ là một thách thức lớn mà còn là một “phép thử” đối với Tổng thống Maduro, trên con đường thực hiện mục tiêu “dân chủ và tiến bộ xã hội” cho đất nước Venezuela.

Biểu tình Venezuela leo thang thành bạo lực .
Biểu tình Venezuela leo thang thành bạo lực .

Sau gần nửa tháng chìm trong hỗn loạn của các cuộc biểu tình chống chính phủ, những tưởng tình hình chính trị đất nước Venezuela đã yên ổn khi thủ lĩnh phe đối lập Leopoldo Lopez – người đứng đầu các cuộc biểu tình ra đầu thú. Chính Tổng thống Maduro cách đây ba ngày cũng khẳng định những kế hoạch gây rối của các nhóm phátxít âm mưu gây bạo loạn, phá hoại đất nước đã bị đẩy lùi và hòa bình đã được lập lại. Thế nhưng, bất ổn đã trở lại khi hôm qua (22/2) hàng trăm sinh viên và người biểu tình vẫn tiếp tục đổ xuống các con đường ở thủ đô Caracas để gây sức ép buộc Tổng thống Maduro từ chức. Đáng nói hơn là các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng và đã leo thang thành bạo lực khiến gần 10 người thiệt mạng và hơn chục người khác bị thương. Những người biểu tình cho rằng, chính phủ của Tổng thống Maduro không đủ khả năng kiềm chế lạm phát, tội phạm tràn lan và thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản. Còn Tổng thống Maduro thì cho rằng, các cuộc biểu tình chỉ là một cái cớ trong âm mưu đảo chính mà theo ông gọi là của “những kẻ thù địch trong và ngoài nước” tương tự những gì diễn ra vào năm 2002. Khi đó, Tổng thống Hugo Chavez đã phải đối mặt với âm mưu đảo chính nhưng nhanh chóng ông đã lấy lại được vị thế bằng uy tín và tài điều hành của mình. Bối cảnh hiện nay chưa nghiêm trọng như cách đây 12 năm nhưng những gì diễn ra tại Venezuela những ngày này cho thấy Tổng thống Maduro đang đứng trước thách thức không hề nhỏ và là một “phép thử” đối với chính phủ 10 tháng tuổi của ông.

Thực tế, chưa đầy 1 năm sau khi Tổng thống H.Chavez qua đời, quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt nguy cơ suy sụp kinh tế. Lạm phát tăng vọt và ở mức 56,2% trong năm 2013, đồng nội tệ Bolivar mất giá chóng mặt trên thị trường "chợ đen" và dự trữ ngoại hối lao dốc. Ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát đạt nhất của Venezuela, cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Vì thế, dẫu là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia, ngành dầu lửa Venezuela cũng không thể tạo được doanh thu đủ để trang trải các chương trình trợ giá của Chính phủ. Venezuela dường như đã sử dụng hết công cụ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Dự trữ ngoại hối của quốc gia Nam Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 8 năm. Theo chuyên gia Juan Pablo Fuentes thuộc Công ty phân tích Moody's Analytics, dự trữ ngoại hối của Venezuela tính đến giữa tháng 9/2013 chỉ còn 22 tỷ USD, giảm 26% so với thời điểm cuối năm 2012, ở mức thấp nhất trong 8 năm. Ngoài ra, Trung Quốc, nguồn cung vốn chủ yếu cho Venezuela, đã siết "hầu bao" sau khi những khoản vay nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác dầu lửa không mang lại kết quả.

Cần phải nhắc lại rằng, trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của mình, cố Tổng thống Hugo Chavez có những nỗ lực to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo và cải thiện sinh kế của người dân. Tỷ lệ nghèo đói cùng cực của Venezuela giảm xuống còn 6% trong năm 2012 và nước này xếp hạng thứ 71 trên tổng số 187 quốc gia về chỉ số phát triển con người trên thế giới. Đạt được những thành tựu này là nhờ chính sách sử dụng lợi nhuận từ dầu mỏ để cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, khi sản lượng dầu mỏ dần bị thu hẹp, Venezuela cần phải có những cải cách nhằm phát triển kinh tế thay thế nguồn năng lượng này. Đây rõ ràng là những việc mà chính phủ đương nhiệm phải gánh vác. Một nền kinh tế vững chắc sẽ giúp chính phủ của Tổng thống Maduro không bị lung lay trước những kế hoạch “phá hoại” hay “đảo chính”. Chính quyền của Tổng thống Maduro từng cho rằng, phe đối lập liên tục thực hiện nhiều vụ phá hoại các cơ sở sản xuất, các nhà máy điện ở nhiều địa phương; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các kế hoạch đầu cơ hàng hóa, gây rối loạn thị trường, để từ đó cáo buộc chính phủ yếu kém trong công tác điều hành, cũng như không có khả năng cải thiện được tình hình phức tạp của đất nước.

Thêm vào đó, tỷ lệ tội phạm giết người ở Venezuela hiện đứng thứ ba trên thế giới. Có tới 79% dân chúng Venezuela lo lắng cho sự an toàn cá nhân và khách du lịch nước ngoài không dám đi ra ngoài vào ban đêm. Các nhà phân tích cho rằng nếu tình hình không được cải thiện đáng kể trong ngắn hạn, phe đối lập có thể bắt đầu một cuộc trưng cầu dân ý theo quy định của hiến pháp để “hạ bệ” Tổng thống Maduro khi ông hoàn thành một nửa nhiệm kỳ 6 năm của mình.

Cam kết tiếp tục con đường của cố Tổng thống Chavez với các chương trình xã hội vì người nghèo trong chiến dịch vận động tranh cử đã giúp ông Maduro đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, với thực trạng kinh tế mà quốc gia dầu mỏ này đang phải đối mặt thì rõ ràng những hứa hẹn giải quyết tình trạng mất an ninh, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ là những thách thức không nhỏ với Tổng thống đương nhiệm Maduro. Và rõ ràng những việc mà chính phủ của Tổng thống Maduro cần làm ngay lúc này là đẩy lùi làn sóng biểu tình trong những ngày qua, tạo môi trường chính trị ổn định. Điều này không chỉ giúp Tổng thống Maduro “ghi điểm” trong mắt người dân từng ủng hộ ông mà còn là cơ hội lớn để ông có thể triển khai một cách triệt để hơn Kế hoạch Tổ quốc, chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2013-2019 mà cố Tổng thống Chavez để lại và đã được Quốc hội Venezuela thông qua.

Thanh Huyền

Mới nhất
x
Bất ổn Venezuela: Phép thử cho Tổng thống Maduro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO