Bầu cử ở Moldova - chậm bước "Tây tiến"

02/12/2014 07:17

(Baonghean) - Dù là một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Ukraine và Romania với số dân chỉ 3,6 triệu người, nhưng cuộc bầu cử Quốc hội ở Moldova cuối tuần qua đã trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế bởi sự tái hiện cuộc giằng co Đông - Tây như đã từng xảy ra với Ukraine. Và theo kết quả sơ bộ mới được công bố, ưu thế đang nghiêng về các đảng theo trường phái thân châu Âu. Tuy nhiên, cũng giống như Ukraine, con đường “Tây tiến” của Moldova cũng không hề dễ dàng khi các đảng thân Nga cũng giành được số phiếu khá cao để góp mặt trong liên minh cầm quyền.

Một người dân Moldova đi bỏ phiếu. Ảnh: Ap
Một người dân Moldova đi bỏ phiếu. Ảnh: Ap

Có 25 đảng phái chính trị tham gia bầu cử, song thực chất đây là cuộc đua giữa hai khối chính trị với một bên ủng hộ Nga và bên kia là phe thân châu Âu. Theo kết quả sơ bộ với hơn 85% số phiếu được kiểm, Liên minh các đảng hướng về châu Âu gồm Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Dân chủ và Đảng tự do có được 44,4% phiếu ủng hộ. Hai đảng thân Nga là Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản mới có được tổng cộng 39,5%. Tuy nhiên, xét về số phiếu mà từng đảng giành được thì Đảng Xã hội lại dẫn đầu cuộc bầu cử với 21,6% số phiếu. Theo dự báo của các chuyên gia, cục diện này khó có thể thay đổi sau khi kiểm xong toàn bộ số phiếu. Nghĩa là Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản thân Nga khó có thể giành đủ số ghế quá bán trong Quốc hội để thành lập liên minh. Vì vậy, liên minh cầm quyền trong tương lai của Moldova có thể sẽ bao gồm 3 đảng thân châu Âu và 1 trong 2 đảng chủ trương xích lại gần Nga. Xét theo đường lối của Đảng Cộng sản là thân Nga, nhưng cũng không phủ nhận hội nhập châu Âu thì khả năng đảng này có mặt trong liên minh là rất lớn.

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Moldova thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới bởi nó được xem như một “chiến trường” mới giữa châu Âu và Nga, nơi mà người ta chờ đợi liệu Nga có thể “cản bước Tây tiến” của quốc gia nhỏ bé này không phải bằng các biện pháp can dự như với Ukraine, mà bằng một kết quả chính thức của cuộc bầu cử hay không. Hiện tại, Moldova cũng đang bị chia rẽ về việc nên hướng theo Liên minh châu Âu hay hướng theo Nga, và hợp tác với hai đối tác này theo hình thức nào. Hiện cả Tổng thống cùng đảng cầm quyền và hai đảng liên minh đều có quan điểm thân châu Âu với mong muốn Moldova trở thành ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2017, sau đó trở thành thành viên đầy đủ vào năm 2020.

Những nền tảng cho mối quan hệ với châu Âu đã được liên minh cầm quyền hiện tại tiến hành khá bài bản: đó là tham gia khu vực Schengen hồi tháng 4 và ký hiệp ước hợp tác với Liên minh châu Âu hồi cuối tháng 6. Đến tháng 9, khu vực tự do thương mại với EU đã được thiết lập. Tuy nhiên, khác với Ukraine, phe thân Nga ở Moldova vẫn còn tiếng nói khá mạnh mẽ trên chính trường, không chỉ ở khu vực ly khai Tran – Dniester. Theo khảo sát ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử, phe thân Nga bám đuổi khá sát phe thân châu Âu về số phiếu ủng hộ. Xét về riêng từng đảng, hai đảng dẫn đầu lại là hai đảng Xã hội và Tự do Dân chủ có quan điểm trái ngược nhau trong chính sách đối ngoại, nhất là với Nga. Và điều đó phản ánh khá chính xác cục diện hiện tại ở Moldova, đó là cuộc giằng co cân sức giữa hai lực lượng hướng Đông và hướng Tây.

Sự tương quan lực lượng này một lần nữa được thể hiện trong kết quả kiểm phiếu sơ bộ mà Ủy ban bầu cử Moldova đã công bố. Phe thân châu Âu đã thắng thế, nhưng phe thân Nga cũng bám đuổi sít sao, và gần như chắc chắn sẽ có đại diện trong liên minh cầm quyền. Thế nhưng, với bóng tối của cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine, người ta đang lo ngại con đường nào là đúng đắn cho Moldova. Bởi nếu không có một chính sách đối ngoại đúng đắn, Moldova sẽ không thể hội nhập châu Âu mà không phải trả giá bằng sự bất ổn nội bộ – một sự thật đang hiện hữu ở đất nước láng giềng Ukraine. Mối nghi ngại này là có cơ sở khi hiện nay, dưới sự lãnh đạo của liên minh cầm quyền thân châu Âu, Moldova vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu. Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây, hơn 85% số người dân được hỏi không hài lòng với các chính sách về lương, hưu trí và việc làm. Đây là cơ hội để đảng nào theo đường lối thân Nga tham gia liên minh cầm quyền gia tăng tiếng nói của mình, đồng nghĩa với việc làm chậm lại quá trình hội nhập châu Âu.

Như vậy, hình ảnh của Moldova hiện giờ chính là hình ảnh của một Ukraine thu nhỏ. Với vị trí chiến lược của Moldova, Nga vẫn muốn duy trì sự có mặt quân sự tại Tran – Dniester và ngăn Moldova liên kết với phương Tây. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng luôn để mắt tới Moldova nhằm tránh làn sóng thân Nga lan sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các nước vùng Balkans. Với một Moldova quá nhỏ và chia rẽ trong đường lối đối ngoại, nhiều người đã dự báo một kịch bản không mấy khả quan với quốc gia này, đó là sẽ trở thành “chiến trường” mới cho cuộc tranh giành Đông – Tây, như nhận định của nhà phân tích Oazu Nantoi ở Moldova: “Đây không phải là cuộc cạnh tranh giữa các đảng mà là cuộc cạnh tranh nhằm xác định ai sẽ tác động đến Moldova từ bên ngoài. Moscow hay Brussels?”

Thúy Ngọc

Mới nhất

x
Bầu cử ở Moldova - chậm bước "Tây tiến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO