Bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ: Đòn giáng mạnh vào đảng cầm quyền

09/06/2015 09:33

(Baonghean) - Theo kết quả kiểm hơn 99% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/6 vừa qua, đúng như dự đoán của giới phân tích nhưng lại đi ngược lại kỳ vọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Tayyip Erdogan, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền dù giành được tỷ lệ phiếu cao nhất nhưng đã mất thế đa số tại Quốc hội. Kết quả này là đòn giáng mạnh vào cương lĩnh của đảng cầm quyền đã tồn tại 13 năm qua, cũng như tham vọng giành thêm quyền lực mà Tổng thống Erdogan đang ấp ủ,

Lần đầu tiên sau 13 năm cầm quyền, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã không thể giành đủ số ghế quá bán trong Quốc hội. Theo kết quả kiểm hơn 99% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/6, dự kiến với 258 ghế giành được - tương đương 41% số phiếu ủng hộ, ông Erdogan sẽ không thể đứng ra thành lập một Chính phủ một đảng như những lần trước đây. Không chỉ vậy, số phiếu bầu cho đảng này năm nay đã giảm tới 10% so với kỳ bầu cử trước vào năm 2011. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd đã lần đầu tiên giành được kết quả ngoạn mục là 25% số phiếu bầu, vượt qua cửa ải 10% số phiếu cần thiết để giành quyền đại diện như một đảng đối lập tại Quốc hội.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn: AP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn: Internet

Thực ra theo giới phân tích, việc Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) có thể giành được nhiều phiếu ủng hộ như vậy đã nằm trong kế hoạch được thực hiện từ trước đó. Nhằm chống lại các chính sách bị cho là sai lầm của Tổng thống Erdogan thời gian qua, các đảng phái đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách liên kết, dồn phiếu ủng hộ cho Đảng Dân chủ Nhân dân nên đã làm giảm sự ủng hộ của cử tri đối với Đảng Công lý và Phát triển. Một loạt vấn đề như chính sách độc đoán, bao che tham nhũng hay sự lãng phí trong xây dựng dinh tổng thống đã được các đảng đối lập tập trung chĩa mũi dùi vào Tổng thống Erdogan.

Không chỉ các vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại của ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển cầm quyền thời gian qua cũng bị chỉ trích nặng nề. Theo đó, chính quyền Erdogan bị cho là theo đuổi một chính sách giáo phái trong khu vực, khi ủng hộ dòng hồi giáo Sunni ở Iraq và Yemen; đồng thời làm xấu đi quan hệ với Iran và Syria. Cùng với việc thể hiện thái độ thù địch với Tổng thống Ai Cập Al-Sisi, ông Erdogan được cho là đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời các đối tác và đồng minh phương Tây truyền thống cũng như cả khu vực và thế giới.

Với các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, thực ra trong mấy năm trở lại đây, sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền Tổng thống Erdogan cũng đã giảm đi nhanh chóng. Đặc biệt như thời điểm năm ngoái với vụ bê bối tham những bị phanh phui dính líu nhiều quan chức cấp cao trong đó có cả con trai ông Erdogan khi ông còn là Thủ tướng. Không chỉ vậy, kinh tế trên đà đi xuống cũng là lý do khiến người dân không còn đặt nhiều lòng tin vào chính phủ như trước. Như vậy, kết quả sơ bộ được công bố đã cho thấy rõ phản ứng của người dân đối với chiến lược của đảng cầm quyền cũng như bản thân Tổng thống Erdogan. Cũng có thể hiểu, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức từ chối kế hoạch sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Erdogan, nhằm chuyển đổi từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống với quyền lực tập trung hầu hết vào tay người đứng đầu nhà nước.

Kết quả bầu cử lần này cũng cho thấy, không những không thể thực hiện được kế hoạch giành 2/3 trong tổng số 550 ghế của quốc hội, Đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan thậm chí còn phải chuẩn bị phải thành lập một chính phủ liên hiệp lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, hoặc thành lập một chính phủ thiểu số tạm thời và hướng tới bầu cử trước thời hạn. Vào lúc này, có lẽ Tổng thống Tayyip Erdogan sau 13 năm cầm quyền hơn lúc nào hết cần nhìn lại toàn bộ chính sách điều hành đất nước, vốn đã không được cả người dân và các phe phái ủng hộ. Và nếu không muốn con đường chính trị chông gai trước mắt không chồng chất thêm nhiều khó khăn, thì sự cẩn trọng và điều chỉnh hài hòa các chính sách đối nội, đối ngoại là vô cùng cần thiết. Lúc đó, không những vị trí của Tổng thống Erdogan được giữ vững mà hình ảnh và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực mới có thể được khôi phục trở lại.

Phương Hoa

Mới nhất

x
Bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ: Đòn giáng mạnh vào đảng cầm quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO