Bầu Kiên có quyền lực "vô hình" ở Ngân hàng ACB

22/05/2014 18:41

Chiều 22/5, phiên xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi để làm rõ hành vi “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo trong phiên xử chiều 22/5.
Các bị cáo trong phiên xử chiều 22/5.

Cố ý làm trái, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Về hành vi cố ý làm trái của các bị cáo, cơ quan công tố xác định, thực hiện chủ trương ngày 22/3/2010 của thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB (gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải) và Nguyễn Đức Kiên về việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải (Tổng giám đốc ACB) đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền gần 719 tỷ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm và Viettinbank Chi nhánh Nhà Bè và Viettinbank chi nhánh TP.HCM.

Toàn bộ số tiền ủy thác bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt.

Như vậy, hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào Viettinbank của các bị cáo là làm trái quy định tại điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và đã gây thiệt hại cho ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng.

Trong việc này, Lý Xuân Hải với tư cách là thành viên Thường trực HĐQT và là Tổng giám đốc ngân hàng ACB đã đề xuất và tham gia vào việc thống nhất đề ra các chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là trái quy định của pháp luật; trực tiếp chỉ đạo điều hành thực hiện ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Viettinbank gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng.

Lý Xuân Hải còn tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng ACB gần 688 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Đức Kiên, mặc dù bị cáo này không tham gia HĐQT ngân hàng ACB nhưng được HĐQT ngân hàng ACB bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB, được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và thường trực HĐQT ngân hàng ACB.

Như vậy, tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh trên cùng với đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB.

Nhận định này của Viện Kiểm sát đã làm rõ quyền lực của bầu Kiên tại ngân hàng ACB dù ông ta không giữ chức danh cao nhất.

Với vai trò đó, Nguyễn Đức Kiên đã thống nhất với Thường trực HĐQT ngân hàng ACB đề ra chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 719 tỷ đồng.

Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, ông Kiên đã chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện chủ trương mua cổ phiếu ngân hàng ACB trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng ACB số tiền hơn 688 tỷ đồng.

Cơ quan công tố xác định, hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại điều 165 của bộ Luật Hình sự.

Bầu Kiên có quyền lực “vô hình”

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn được cách ly khỏi phòng xử án để HĐXX thực hiện phần xét hỏi đối với bị cáo Lý Xuân Hải.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết, chủ trương cho phép ủy thác tiền gửi được Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thông qua vào tháng 3/2010. Tại thời điểm đó, Ngân hàng ACB có 11 thành viên nằm trong Hội đồng quản trị, thường trực gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và bản thân bị cáo Lý Xuân Hải.

“Mặc dù tôi là Tổng Giám đốc nhưng dưới quyền Hội đồng quản trị” – bị cáo Hải nói.

Bị cáo Trịnh Kim Quang:

Theo người này, HĐQT ngân hàng ACB mỗi tháng họp một lần. Việc triệu tập họp Hội đồng quản trị do ông Trần Xuân Giá phụ trách. Ngày 22/3/2010, Hội đồng quản trị họp bàn về cách ứng xử của Ngân hàng ACB trong việc thị trường đang có nhiều biến động.

Tinh thần chung là đồng thuận với việc, làm sao vượt qua được khó khăn trong lúc kinh tế suy thoái. Cuộc họp không đặt nặng về hiệu quả và tăng trưởng kinh doanh. Các thành viên trong Hội đồng quản trị chủ yếu nêu quan điểm, làm sao đảm bảo khả năng chi trả của Ngân hàng ACB, tránh rơi vào tình trạng giảm khả năng thanh khoản.

Sau khi tòa thẩm vấn xong bị cáo Lý Xuân Hải, đại diện Viện KSND yêu cầu bị cáo này khai rõ: “Việc để nhân viên đi ủy thác tiền gửi có trái với Luật tổ chức tín dụng không? Lý Xuân Hải đáp: Tại thời điểm đó, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực, tuy nhiên không có văn bản hướng dẫn. Theo đó, việc ủy thác tiền gửi vẫn áp dụng các văn bản cũ của Ngân hàng Nhà nước”.

Bị cáo Lý Xuân Hải phủ nhận việc chỉ đạo nhân viên đi gửi tiền với lãi suất cao hơn lãi suất trần và nói rằng đó là do ông Nguyễn Văn Hòa – Kế Toán trưởng Ngân hàng ACB. Bị cáo Hải cũng cho biết, chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền được diễn ra vào khoảng tháng 3/2010.

Đến lượt bị cáo Lê Vũ Kỳ trả lời thẩm vấn, HĐXX yêu cầu bị cáo này nói rõ người đề xuất việc ủy thác tiền gửi với lãi suất cao. Nhưng bị cáo này nói không nhớ. Theo bị cáo Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò quyết định mặc dù không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Nếu bầu Kiên và những người trong Hội đồng quản trị không thông qua thì không thể đề xuất hay chỉ đạo nhân viên đi gửi tiền với lãi suất cao.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trịnh Kim Quang, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, cho biết tại ngân hàng ACB, ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập) là hai người quyền lực nhất.

Nói về vai trò của bầu Kiên, bị cáo Quang thừa nhận, tại Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên có quyền lực “vô hình” và cho biết, người đề xuất tiền gửi là Lý Xuân Hải, bị cáo này không biết việc gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank.

Nói thêm về việc này, bị cáo Quang cho rằng, việc gửi tiền vượt trần (trên 14% thời điểm đó) không phải lỗi của Ngân hàng ACB mà lỗi của bên huy động (Ngân hàng Vietinbank).

Sau giờ nghỉ giải lao, HĐXX thẩm vấn bị cáo Huỳnh Quang Tuấn. Theo bị cáo Tuấn, ở ngân hàng ACB có một “tập quán” là HĐQT và Thường trực HĐQT ngoài thành viên chính thức thì thường xuyên có khách mời. Cuộc họp ngày 22/3/2010, Huỳnh Quang Tuấn cho biết chưa phải thành viên của HĐQT nhưng họp với tư cách khách mời. Ở những cuộc họp này, nếu được hỏi, khách mời có thể có ý kiến.

Nhớ lại phiên họp, bị cáo Tuấn cho biết, cuộc họp có nhiều nội dung, thời điểm này bị cáo Tuấn đang là Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm phụ trách khu vực phía Bắc.

Đối với Nghị quyết của HĐQT, bị cáo cho biết, đến khi khởi tố vụ án mới hình dung ra có “một Nghị quyết” như vậy.

HĐXX thẩm vấn bị cáo Phạm Trung Cang.

Theo bản cáo trạng lần 2 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ “bầu Kiên”- ông Phạm Trung Cang (SN 1954, tại Long An) – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB là một trong hai đồng phạm bổ sung. Ông Phạm Trung Cang bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hành vi của ông Phạm Trung Cang liên quan đến việc Ngân hàng ACB ủy thác tiền gửi vào Ngân hàng Vietinbank, gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Bị cáo Cang khai, có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010. Cuộc họp gồm có Hội đồng sáng lập, thường trực HĐQT… Cuộc họp bàn cách giải quyết số tiền đang dư trong ngân hàng (do nhiều người dân gửi tiền mà doanh nghiệp đang khó khăn mà không vay).

Theo bị cáo Cang, Lý Xuân Hải là người đưa ra sáng kiến gửi tiền vào các ngân hàng khác để tránh tình trạng thua lỗ vì cũng có tình trạng một số nhân viên ngân hàng khác sang gửi tiền vào Ngân hàng ACB. HĐQT thời điểm đó có 2 lo lắng: Nhân viên lấy tiền trốn mất, và lo lắng về pháp lý là có phù hợp không.

Thời điểm đó Lý Xuân Hải bảo đã tham khảo và cho biết không có gì sai. Hội đồng sáng lập đồng ý với sáng kiến của Lý Xuân Hải.

Trả lời HĐXX về vai trò của bầu Kiên trong việc ra Nghị quyết, bị cáo Cang cho biết, nếu bầu Kiên không đồng ý thì Nghị quyết HĐQT sẽ không thông qua được. Bị cáo Cang nhấn mạnh: “Vai trò của Hội đồng sáng lập rất lớn”.

Tại tòa, bị cáo Cang khai: 31/12/2010, có đơn từ nhiệm để sang làm việc cho ngân hàng khác và sau đó được chấp thuận, tuy nhiên vẫn có chân trong hội đồng tín dụng của Ngân hàng ACB.

Đối với việc ủy thác tiền gửi cho các nhân viên, bị cáo Cang nói: sau khi từ nhiệm, bị cáo không được báo cáo do không còn là thành viên trong HĐQT. Bị cáo Cang cũng khai, không có yêu cầu việc báo cáo và cũng không biết ngân hàng ACB có còn thực hiện ủy thác tiền gửi hay không.

Đối với việc tham gia ký văn bản Nghị quyết ngày 22/3/2010, bị cáo Cang cho biết thời điểm đó không sai, nhưng sau đó có Luật Tổ chức tín dụng mới, bị cáo nói “không biết có sai nữa không”.

Nếu việc thực hiện Nghị quyết này - nếu sai so với Luật Tổ chức tín dụng, bị cáo Cang vẫn quả quyết rằng, bị cáo vẫn không có trách nhiệm.

HĐXX tách riêng các bị cáo, tiếp tục thẩm vấn bầu Kiên.

Nói về vai trò của Hội đồng sáng lập, Kiên cho biết, là cơ quan tư vấn cho HĐQT trong điều hành Ngân hàng ACB.

Về cuộc họp thường trực HĐQT ngày 23/10/2010, Kiên cho biết, đó là cuộc họp giao ban và có mời các thành viên hội đồng sáng lập tham dự là ông Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên. Trong cuộc họp giao ban thường kỳ bàn nhiều nội dung về kế hoạch phát triển của ngân hàng ACB. Tại cuộc họp Lý Xuân Hải đề xuất việc ủy thác tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác.

Tại cuộc họp không thành viên nào thảo luận, ông Trần Xuân Giá yêu cầu các thành viên phát biểu ý kiến. Bị cáo Kiên không được đề xuất nêu ý kiến nhưng Kiên nói: “Nếu phát biểu tôi cũng đồng ý với đề xuất này”.

Nói về tài liệu của cơ quan điều tra về việc ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm lãi suất huy động, bị cáo Kiên không đồng ý. Kiên một lần nữa khẳng định, không được hỏi ý kiến, tuy nhiên nếu được hỏi thì vẫn sẽ đồng ý.

Nói về Nghị quyết HĐQT, Kiên nói rành mạch trong đó có việc HĐQT đồng ý với việc thông qua việc gửi tiền. Và ông Hòa – Kế toán trưởng của Ngân hàng ACB thời điểm đó thực hiện Nghị quyết.

Về việc Kiên có tác động trong việc ra Nghị quyết của HĐQT, Kiên bảo, Kiên không có vai trò gì trong ngân hàng ACB để có thể tác động đến việc ra nghị quyết. Kiên cũng phủ nhận việc Ngân hàng ACB gửi tiền sang các ngân hàng khác.

Về lời khai của các người khác, Kiên cho biết, không bình luận, lời khai của mọi người thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Họ đều là người làm việc lâu năm, có người tôi rất kính trọng, có người là nhân viên được đào tạo lên làm quản lý”, Kiên nói

Đến 17h10, Tòa nghỉ. Ngày mai, phiên xét xử tiếp tục diễn ra.

Theo VTC news/VOV

Mới nhất

x
Bầu Kiên có quyền lực "vô hình" ở Ngân hàng ACB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO