Bế tắc các dự án đầu tư xi măng
(Baonghean) - Với trữ lượng hơn 4 tỷ m3 đá vôi, trên 1 tỷ tấn đất sét và hàng trăm triệu tấn phụ gia Bazan, CaoSilich, quặng sắt…, tỉnh ta có lợi thế để trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước, nhưng một thực tế đáng buồn là, có nhiều dự án lớn đầu tư vào ngành này đang gặp khó khăn về quy hoạch và nguồn vốn đầu tư...
Cách đây không lâu, với việc tiến hành đầu tư hàng loạt các dự án xi măng có quy mô lớn như: Xi măng Đô Lương; Sài Gòn - Tân Kỳ, Tân Thắng ( Quỳnh Lưu) Hợi Sơn ( Anh Sơn)… với hy vọng để trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của các nước, nhưng sau một thời gian thực hiện, nay kết quả là… không như mong muốn!
Dự án xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (Công suất giai đoạn 1 là 910.000 tấn/năm) sau một thời gian dài tiến độ không “nhúc nhích”, nên đã bị rút giấy phép đầu tư. Rồi xi măng Hợp Sơn (Anh Sơn) chủ đầu tư xin tạm dừng dự án vì thiếu vốn… Dự án đầu tư xi măng lớn là Tân Thắng (Quỳnh Lưu) khởi công từ năm 2010, đến nay chỉ mới giải phóng được mặt bằng và lựa chọn được nhà thầu chính. Hiện chủ đầu tư đang làm thủ tục cấp mỏ nhưng lại vướng, vì các mỏ đá vôi Răng Cưa, Kim Giao, núi Lem và mỏ sét Đá Bạc tại huyện Quỳnh Lưu phục vụ dự án xi măng Tân Thắng đang chờ được điều chỉnh từ “Quy hoạch thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới” chuyển sang “Quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng đến năm 2020” và vấn đề này phải được Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án Nhà máy Xi măng Đô Lương khởi công từ năm 2005, đã được đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2005 - 2008 và dự kiến đưa vào vận hành năm 2014 ( tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030). Nhưng sau gần 9 năm triển khai, đến nay dự án chỉ mới xây dựng xong khu Văn phòng làm việc tại nhà máy . Dự án này đã 3 lần “sang tên đổi chủ”. Sau Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) tiếp nhận làm chủ đầu tư, rồi lại xin rút lui và nay được chuyển giao sang Tập đoàn Xi măng The Vissai tiếp nhận dự án.
Dự án Xi măng Đô Lương thực hiện từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chỉ là… phối cảnh!
Việc chuyển đổi này hiện cũng đang vướng mắc về công nghệ. Trước đây, do lập dự án sản xuất xi măng sử dụng công nghệ Trung Quốc (công suất 900.000 tấn/năm), nhưng hiện nay công nghệ này đã lạc hậu và nhà đầu tư mới là Tập đoàn Xi măng The Vissai đề nghị cho điều chỉnh công suất lên 2 triệu tấn/năm, sử dụng công nghệ của châu Âu. Vấn đề này cũng phải chờ ý kiến của Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ.
Trong số những dự án đầu tư xi măng tại tỉnh ta, thì dự án dây chuyền 2 xi măng Hoàng Mai có phần khả quan hơn, nhưng lại vẫn vướng mắc vì quy hoạch (đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng chuyển vị trí đặt dây chuyền 2 lên xã Tân Thắng – Quỳnh Lưu), trong đó có khó khăn về đề án thăm dò, quy hoạch vùng mỏ nguyên liệu Bắc Thắng và đền bù GPMB...
Trong giai đoạn hiện nay, trên thị trường xi măng Việt Nam đang xẩy ra tình trạng cung vượt cầu, nên các dự án xi măng không nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ chưa bổ sung vào quy hoạch và phải dãn tiến độ đầu tư. Như vậy, thấy rằng các dự án lớn của ngành xi măng ở tỉnh ta đang trong thế “khó” và mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước đang xa hơn.
Hoàng Vĩnh