Bế tắc đầu ra cho vận động viên

14/10/2013 20:22

(Baonghean) - Nói đến thể thao là nói đến thành tích và không phải vận động viên (VĐV) ở bộ môn nào cũng giữ mãi được đỉnh cao thành tích của mình. Đến một thời điểm nào đó, khi thể lực xuống dốc và tuổi đời cao thì việc giã từ sự nghiệp VĐV đỉnh cao là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sau khi giải nghệ không phải VĐV nào cũng có thể tìm ra cho mình hướng đi phù hợp để thành công... Đầu ra cho VĐV sau giải nghệ đang đang bế tắc.

Để đào tạo được một vận động viên thành tích cao cần một quá trình rất dài. Vì thế, thường khi 7, 8 tuổi VĐV đã phải vào sống tập trung ở các trung tâm huấn luyện và dành phần lớn thời gian cho luyện tập và các giải đấu. Trong khi đó, thời kỳ thi đấu đỉnh cao của một VĐV thường ngắn ngủi. Thông thường, chỉ trừ những môn không nặng về thể lực như bắn súng, cờ vua… thì tuổi thi đấu của một VĐV có thể kéo dài từ 40 - 50 tuổi. Còn lại ở các môn thể thao khác như vật, whusu, võ, đá cầu, cầu mây... chỉ ngoài 25 tuổi là VĐV hết nghiệp đấu. Giải nghệ khi còn quá trẻ, khi mà ở lứa tuổi này những người ở các lĩnh vực khác mới bắt đầu hoàn thành việc học và bắt đầu đi làm, các VĐV đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm việc làm khác để duy trì cuộc sống.

Con đường được nhiều VĐV lựa chọn là học lấy bằng HLV để tiếp tục theo đuổi thể thao với cương vị người thầy và có một số người đã gặt hái được thành công. Tiêu biểu là VĐV Nguyễn Văn Huệ - người từng giành HCV giải Wushu toàn quốc năm 1998, sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV đã học lấy bằng HLV tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) và đã có công đào tạo nên những VĐV trọng điểm quốc gia như Nguyễn Văn Tài (giành HCB thế giới)… Hiện nay anh là Trưởng phòng đào tạo, Trưởng bộ môn võ thuật – Trung tâm Đào tạo, huấn luyện TDTT tỉnh.

Cùng lứa với Nguyễn Văn Huệ còn có Bùi Duy Vinh (HCV giải võ cổ truyền năm 1996) hiện đang làm HLV môn Võ cổ truyền, Boxing (Trung tâm Đào tạo huấn luyện TDTT tỉnh), Phó Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh, từng dẫn dắt đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh giành nhiều huy chương tại các giải đấu quốc gia. Ngoài ra còn có thể kể đến cặp vợ chồng Trịnh Thị Mùi – Trần Trọng Cường ở môn pencak silat, những người rất thành công trên cương vị HLV khi đã đào tạo nên những VĐV thành danh như Trương Văn Mão, Nguyễn Văn Hào…

HLV Trần Trọng Cường (trái, môn pencak silat) - một trong số ít những VĐV thành công trên cương vị mới sau khi giải nghệ
HLV Trần Trọng Cường (trái, môn pencak silat) - một trong số ít những VĐV thành công trên cương vị mới sau khi giải nghệ

Tuy nhiên, số VĐV theo học các trường ĐH, CĐ chuyên ngành thể thao để có bằng cấp chuyên môn không nhiều. Ở Trung tâm Đào tạo, huấn luyện TDTT, hiện chỉ có 32/300 vận động viên đang theo học ở các trường đại học. Ông Nguyễn Như Tam, Giám đốc trung tâm cho biết: "Những VĐV được tạo điều kiện đi học thường là những VĐV có thành tích cao, nhằm "tạo nguồn" HLV cho trung tâm". Tuy nhiên, cũng theo ông, số VĐV này sau khi tốt nghiệp, giải nghệ có được về trung tâm hay không thì “chưa khẳng định được bởi hiện nay chỉ tiêu tỉnh cho có hạn. Còn để "nuôi" theo dạng hợp đồng thì trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh phí”.

Hiện tại Trung tâm Đào tạo huấn luyện TDTT tỉnh hiện vẫn đang còn gần 10 trường hợp HLV đang làm việc theo diện hợp đồng dù trước đó họ đều là những VĐV đạt nhiều thành tích cao và đã có bằng đại học. HLV Hồ Minh Thuận của đội cầu mây là một trong số đó. Nói về thành tích của Thuận ở cả trên cương vị VĐV và HLV thì nhiều người "nể" bởi dù là VĐV nữ nhưng Thuận đã đạt nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các giải Vô địch quốc gia, Cúp các câu lạc bộ mạnh và vô địch trẻ môn cầu mây toàn quốc.

Cũng từ năm 2007, khi về làm HLV cho đội tuyển cầu mây tỉnh, Thuận đã đào tạo được nhiều lứa học trò đạt thành tích cao như em Định Thị Thuý Hằng, Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Thuý Hà - Huy chương Bạc SEA Games, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng vô địch thế giới... Thuận cũng đã có 15 năm gắn bó với Trung tâm Đào tạo, huấn luyện TDTT, từ khi còn là một VĐV đến nay đã là một HLV kỳ cựu.

Mặc dù cống hiến rất nhiều cho thể thao tỉnh nhà, đã có bằng đại học và đang học cao học nhưng hiện nay sau gần 7 năm làm HLV, Thuận vẫn đang làm việc theo diện hợp đồng với mức lương khởi điểm ở hệ số 2,34, bảo hiểm tự đóng. Trừ đi tất cả các khoản chi phí, hiện mỗi tháng thu nhập của Thuận là 1.300.000 đồng. Trò chuyện với chúng tôi, Thuận ngán ngẩm: “Mức lương này của em chỉ bằng 1/4 so với học trò. Nhiều lúc em nghĩ, mình là HLV mà còn "bèo bọt" thế này thì nhìn vào em, học trò còn gì mà phấn đấu".

Để nuôi con nhỏ và trang trải việc học, Thuận phải đi dạy thêm thể dục thể hình ở trung tâm thể dục thể thao thành phố. Nhưng Thuận còn may mắn so với nhiều VĐV thành tích cao khác. Trường hợp của Bùi Công Tuyến, từng giành nhiều HCV tại các giải võ cổ truyền toàn quốc nhưng nay phải làm bảo vệ tại một doanh nghiệp nhà nước; Kha Hoài An, từng giành HCV giải boxing toàn quốc, nay đang là tài xế xe khách…

Trong một lần trò chuyện, khi được hỏi điều gì anh thấy hài lòng nhất khi theo nghiệp cầu thủ, Tôn Anh Hoà - HLV trưởng Đội tuyển đá cầu tỉnh đã trả lời: “Hạnh phúc nhất không phải là khi đứng trên bục chiến thắng, giành huy chương mà vì giờ mình cũng đã được vào biên chế, là người nhà nước và có thu nhập ổn định...”. Câu trả lời rất thật đó, nhưng phản ánh đúng mơ ước giản dị của các VĐV hiện nay, đó là có công việc ổn định sau khi giải nghệ.

Đối với nhiều bộ môn thể thao thành tích cao, khi huấn luyện các VĐV chuyên nghiệp để thi đấu, giành thành tích về cho một đơn vị nào đó, các HLV thường chỉ chú tâm đến việc làm thế nào để VĐV đó đạt được phong độ cao nhất khi thi đấu. Thiết nghĩ, trước những yêu cầu mới trong cuộc sống hiện tại, việc một VĐV được trang bị những kiến thức văn hóa, khoa học về thể thao và nhiều lĩnh vực khác cũng rất cần thiết bởi nó không chỉ giúp các VĐV tự tin hơn khi giao tiếp với cộng đồng, mà còn giúp họ dễ dàng thích nghi với môi trường mới sau khi giải nghệ. Trung tâm Đào tạo, huấn luyện TDTT cũng như bản thân mỗi VĐV cần ý thức được điều này.

Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với những VĐV từng giành nhiều thành tích cho thể thao tỉnh nhà sau khi họ giải nghệ, để tạo động lực cho những thế hệ VĐV sau này. Ví như có cơ chế phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành thể thao, tạo điều kiện cho các VĐV trong thi tuyển; ưu tiên tuyển chọn các VĐV có bằng cấp thể thao vào làm giáo viên thể dục ở các trường học…

Minh Quân – Mỹ Hà

Mới nhất
x
Bế tắc đầu ra cho vận động viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO