"Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh..."

11/11/2011 17:20

(Baonghean) - Năm 2000, được sự khích lệ và giúp đỡ của một số "Mạnh Thường Quân", Chi hội Văn nghệ Yên Thành biên tập và xuất bản cuốn sách "Thơ Yên Thành", tập hợp sáng tác chọn lọc của hơn 40 tác giả thơ quê Lúa trong Thế kỷ XX. Điều mừng là tập thơ đã quy tụ hầu hết các tác giả thơ quê Yên Thành hoặc gắn bó máu thịt với mảnh đất Yên Thành, từ người có mặt trong phong trào Thơ Mới như thi sỹ Phan Khắc Khoan, đến thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Trần Hữu Thung, Phan Xuân Hạt, Huy Huyền, Quang Huy, Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Khắc Thạch, Phan Văn Từ, Ngô Đức Tiến, Phan Sinh Viên...

Một điều khá bất ngờ và thú vị là có 2 làng của huyện, mỗi làng có đến 3 người làm thơ (và được đưa vào Tuyển tập), ấy là làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành và làng Liên Trì, xã Liên Thành. Riêng làng Liên Trì, các tác giả Phan Văn Từ, Đặng Hồng Thiệp, Nguyễn Thế Kỷ, mỗi người có một giọng điệu riêng, một dấu ấn riêng.

Giọng thơ Phan Văn Từ vừa đôn hậu vừa mới lạ, có những bài thơ khi xuất hiện đã chiếm lĩnh tình cảm, con tim của hàng triệu con người để kết thành "Nhịp cầu nối những bờ vui". Đặng Hồng Thiệp làm thơ khá sớm nhưng chỉ in thơ khi đã rời chức vụ Chánh văn phòng UBND tỉnh để nghỉ hưu.

Bài viết này, tôi muốn nói nhiều hơn về Nguyễn Thế Kỷ, người luôn gọi tôi bằng chú (vì tôi có nhiều năm sống, công tác với thân sinh của anh). Thơ Kỷ trẻ trung, mộc mạc, trong trẻo, ý nhị, làm thơ mà không nghĩ mình là người thơ. Có lẽ chính vì vậy, thơ anh vừa có nhiều giãi bày, vừa hàm chứa những rung động sâu xa, lắng đọng về quê hương, đất nước. Dẫu sống xa quê, nhưng làng Liên Trì luôn đi về trong tâm tưởng: "Mấy dãy ao làng sen còn thơm mãi/ Hoa gạo rơi xao xác sân đình"; nhiều khi đau đáu khôn nguôi: "Quê ạ, ta như người mắc lỗi/ Giữa ồn ào phố thị bon chen/ Xót mẹ yếu đồng sâu sấp ngả/ Thương máu cha nhuộm mấy chiến trường".

Ngày còn là sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thế Kỷ có những câu thơ thật dí dỏm mà sâu lắng: "...Vậy mà Người ấy-trường bên/ Yêu thơ đến nỗi suýt quên đường về/ Vậy mà chú Bạn, chú Nghề/ Loa trường dọa khéo: cho về địa phương/ Là vì mấy cặp uyên ương/ Đôi khi lỡ đứng cạnh đường hôn nhau...". Có lúc ngỡ ngàng giữa Chợ tình Khau Vai miền sơn cước Hà Giang, vẫn "Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/ Vẹn nguyên tình đầu dang dở/ Gom nhặt cả điều lầm lỡ/ Thành men kỷ niệm chiều nay". Sống nơi trời Tây xa ngái mà khôn nguôi: "Bài hát Đôi bờ ai còn nhớ, quên/ Ca-chiu-sa, hàng Thùy dương đứng đợi/ Như em ấy, sông quê ngày xa ngái/ Thầm trôi"... Cả cánh hoa lục bình tưởng vô tình trên bến Ninh Kiều, Cần Thơ cũng nhắc nhở anh nhớ về một thời máu lửa, về những mất mát quá đỗi lớn lao của người thiếu phụ: "Màu hoa tím đỏ như màu máu/ Như ngọn đèn chong mấy lỡ làng".



Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.

Nét riêng của thơ Nguyễn Thế Kỷ là từ những điều bình dị, từ rung động chân thành, sâu kín để nói những điều lớn lao về đất nước, quê hương, đặc biệt là thân phận con người.

Những bài thơ được tuyển trong tuyển tập "Thơ Yên Thành" xuất hiện trước và trong thời gian Nguyễn Thế Kỷ làm phóng viên rồi làm Phó Giám đốc phụ trách nội dung của Đài PTTH Nghệ An, Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Với anh em trong nhóm văn nghệ Sông Dinh (Yên Thành), mọi người luôn có tình cảm thân quý với cậu học trò giỏi Văn nổi tiếng một thời của ngôi trường cấp ba dưới chân rú Gám: "Năm ấy chuyến tàu ra xứ Bắc/ Mắt nhòa núi Gám phía sau lưng/ Sóng lúa mặn mòi lời mẹ hát/ Đi đâu cũng Rộc, Vẹo, Yên Thành". Thời còn là phóng viên trẻ mới ra trường, anh cùng đồng nghiệp và cánh cán bộ tuyên huấn, văn hóa, văn nghệ chúng tôi lặn lội khắp đồng đất quê hương Yên Thành ghi lại những thước phim thời sự chân thực, sống động. Khuất lấp sau lũy tre làng, sau dâu bể của đời sống, vùng quê bình dị ấy đã sinh thành, dưỡng dục bao anh hùng hào kiệt, bao nhà khoa bảng mà Nguyễn Thế Kỷ từng kính trọng, yêu thương: "Thương cụ đồ xưa bút nghiên lận đận/ Đỗ trạng rồi còn lội ruộng vinh quy".

Còn nhớ thập niên tám mươi của thế kỷ trước, đất nước đang đói khổ, vật lộn, xác xơ với giá-lương-tiền, người dân vùng chiêm trũng Yên Thành càng khốn khó hơn. Vậy mà, anh em văn nghệ sỹ Diễn-Yên-Quỳnh như Trần Hữu Thung, Nguyễn Trung Phong, Phan Tường Hy, Nguyễn Xuân Phầu, Phan Văn Từ... vẫn thường chọn Yên Thành làm nơi gặp gỡ, chuyện trò và tìm cảm hứng sáng tác. Phần lớn các cuộc "trút túi thơ bầu rượu" đều diễn ra tại Hiệu ảnh của Nguyễn Công Hiên (ngay trước cổng trụ sở UBND huyện). Chuyện vui, chuyện buồn, giọt bùi, giọt đắng đều trải lòng, san sẻ với nhau. Những lúc như thế, Nguyễn Thế Kỷ thường ít tham gia, nhưng lại là người rất thông cảm và khích lệ các "đại trưởng cự".

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi: Những năm cuối đời, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Công Hiên bị bệnh hiểm nghèo, phải đi Hà Nội chữa trị. Thương người bạn tài hoa bạc mệnh, anh em văn nghệ kẻ ít người nhiều, gom góp tiền gạo để giúp Hiên, cả người vợ và ba đứa con thơ dại của Hiên. Nhưng rồi Hiên đau lâu ốm dài, cho mãi đến kỳ đi tia xạ lần cuối ở Viện K, bệnh viện trả về mà không còn tiền thanh toán viện phí. Bí quá, tôi về bàn với lãnh đạo xã Trung Thành - một xã điển hình về nhiều mặt của Yên Thành để quay bộ phim tư liệu về địa phương. Được xã đồng ý, tôi điện cho Nguyễn Thế Kỷ, ngày hôm sau, Nguyễn Thế Kỷ và anh em phóng viên lẽo đẽo máy móc về ngay. Chúng tôi về Trung Thành, vác máy đi khắp xã, đến những mô hình kinh tế, lên đập Bàu Trang, về trạm biến thế, vào những hộ làm kinh tế giỏi..., làm ròng rã 4 ngày đêm, cứ ngày đi quay, trưa chiều chỉ tương cà, mắm muối, tối về sửa kịch bản, lời bình. Đến lúc quay xong phim, chiếu bản quay nháp cho cán bộ chủ trì xã xem, xã bồi dưỡng cho mấy trăm đồng. Cả nhóm làm phim không ai lấy đồng nào, tất cả dành để giúp Nguyễn Công Hiên trả tiền viện phí. Xong việc, các phóng viên hối hả vác máy về Vinh, còn tôi cử anh Hạnh, cán bộ Tuyên giáo huyện ra ngay Viện K làm thủ tục để đón Hiên về còn kịp nhìn mặt bè bạn, vợ con và hít thở chút không khí quê nhà trước lúc vĩnh viễn đi xa.

Những kỷ niệm sâu nặng thuở hàn vi giữa Nguyễn Thế Kỷ và nhóm văn nghệ Sông Dinh cứ nhân lên theo năm tháng... Và sau này, mỗi thước phim, mỗi bài báo, mỗi bước trưởng thành của Kỷ, anh em văn nghệ quê nhà thêm mừng vui và thầm dõi theo. Phía sau trách nhiệm của một cán bộ quản lý báo chí, văn hóa, là một người bạn tốt, một hồn thơ tinh tế, một người sống có đạo lý, nhân văn, có trước có sau và ít khi nói về mình, làm gì cho riêng mình. Có lẽ nhờ những điều đó mà Nguyễn Thế Kỷ đã gặt hái được những thành công trong những thước phim về ông đồ xứ Nghệ, về chị em phụ nữ làng Lòi, về cuộc chiến chống cây thuốc phiện ở Kỳ Sơn, về những người anh hùng ở cầu, phà Bến Thủy, ở Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc....Tôi và có lẽ nhiều khán giả Đài Nghệ Tĩnh, Đài Nghệ An, Đài Truyền hình Việt Nam nhớ và thú vị khi xem những bộ phim tài liệu, phóng sự mà Nguyễn Thế Kỷ và đồng nghiệp làm, rất hay, rất riêng, giàu ngôn ngữ truyền hình, đặc biệt là lời bình của Nguyễn Thế Kỷ vẫn hàm chứa trong đó một hồn thơ khó lẫn. Đó là những nhịp cầu để Nguyễn Thế Kỷ, khi được điều động về làm Tổng Biên tập Báo Nghệ An, đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên ở đây đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đưa Báo Nghệ An trở thành tờ nhật báo thứ 7 của các địa phương trong cả nước, tạo bước đi mới, giọng điệu mới và thương hiệu đáng trân trọng của Báo Nghệ An.

Tết năm nay, trong một bài báo, tôi có trích dẫn hai câu thơ của Nguyễn Thế Kỷ "Xa ngái chi cũng mơ về rú Gám/Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh", ấy là lúc tôi nhớ đến Nguyễn Thế Kỷ, một người bạn, người em vong niên, một hồn thơ mộc mạc, gần gũi, một nhân cách sống và viết như con người quê lúa: "Đất quê mình nâng bước cha đi/ Để có con hôm nay trở lại/ Như sông suối về nơi biển ấy/ Lại góp mưa xanh mát mạch nguồn"...

Không biết giờ ở cương vị là người quản lý báo chí, văn hóa, văn nghệ tầm quốc gia, Nguyễn Thế Kỷ còn làm thơ nữa không? Tôi tin là con người nhân văn ấy, tâm hồn nhạy cảm ấy vẫn rung động trước "Gió trăng chứa một thuyền đầy/ Của kho vô tận biết ngày nào vơi" (Nguyễn Công Trứ). Trước nhân dân và đất nước, có điều chắc Nguyễn Thế Kỷ còn im hơi lặng tiếng (hình như chưa chịu in tập thơ nào), ấy cũng là điều mừng, đáng trân trọng.

Kẻ Gám, tháng 9/2011


Ngô Đức Tiến

Mới nhất
x
"Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO