Bên lề chuyện 'gieo chữ' ở Mường Lống
(Baonghean) - Con đường vào Mường Lống giờ không hun hút, ngoằn nghèo như nhiều năm trước nữa, bởi đường vào xã đã được nhựa hóa. Thế nhưng, Mường Lống vẫn là vùng đất còn nhiều khó nhọc của huyện vùng cao Kỳ Sơn.
Mười lăm năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên Mường Lống, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã cảm nhận được rất rõ sự xa cách đó. Ở nơi “đất khách quê người”, không biết bao lần cô đã bật khóc. Cảm giác giống như một đứa bé đứng chân giữa vùng đất lạ mà xung quanh mọi thứ đều mờ ảo, mù mịt. Nỗi khát khao được trở về xuôi càng mạnh mẽ nhất là vào những đêm khuya, một mình trong dãy nhà tập thể xập xệ, xung quanh chỉ có tiếng gió rừng thổi hun hút và cái rét mùa đông tê tái như cứa vào từng thớ thịt…
Những ngày dài đó, điều lớn lao nhất để giữ chân các thầy giáo, cô giáo là bởi họ đọc được niềm khát khao được biết chữ, được đến trường của những cô bé, cậu bé người Mông. Hơn thế, ở nơi thiếu thốn, khó khăn này họ luôn nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của những người đồng nghiệp, của bà con dân bản.
Vợ chồng thầy Nguyễn Bá Cường - cô Nguyễn Thị Thu cùng các học trò ở Trường Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn). |
Với cô giáo Nguyễn Thị Thu, chính những kinh nghiệm có được trong những ngày mới đặt chân lên Mường Lống cũng là cái “duyên” để cô và thầy giáo Nguyễn Bá Cường gần nhau. Bản thân chị cũng bất ngờ vì mối quan hệ này, bởi thời gian đầu hai người chỉ biết nhau là người cùng quê, lại ít tuổi hơn nên thầy Cường vẫn gọi cô giáo Thu bằng “chị”, xưng “em”. Cơ hội gặp nhau cũng không nhiều, vì vừa mới nhận công tác, thầy Cường được điều vào dạy ở điểm trường lẻ bản Mò Nừng... Mỗi tháng hai người chỉ gặp nhau trong những lần về điểm trường trung tâm giao ban công tác.
Tình cảm bắt đầu được nhen nhóm đúng vào dịp 20/11 khi thầy Cường đưa học trò từ Mò Nừng vào bản chính để tham gia văn nghệ. Hôm ấy, tình cờ khi đứng sau cánh gà cô giáo Thu thấy được cảnh thầy Cường lo lắng cho học trò chỉ vì “có một cọng sắt nhỏ cắm vào tay”... Là phụ nữ, lúc ấy chị đơn giản nghĩ rằng: Với học trò, anh ấy còn thương như vậy. Sau này, với vợ, với con chắc anh ấy sẽ là người chu đáo.
Còn anh, biết chị, xưng là chị em, nhưng trong lòng vẫn luôn khâm phục một cô gái mạnh mẽ, chịu thương, chịu khó, một lòng với học trò. Một năm sau sự kiện đặc biệt ấy, hai người nên duyên vợ chồng dù phải chờ đến gần 3 năm sau cả hai mới chính thức được vào biên chế. Trong quãng thời gian đó, vì để tiết kiệm tiền, nên dù mang thai cô giáo Thu vẫn tình nguyện xin vào dạy ở bản Thà Lạng. Đơn giản bởi trong ấy, có chính sách “dân nuôi” nên sẽ đỡ một phần chi phí và giữ lại được khoản lương hợp đồng 500.000 đồng ít ỏi. Thầy giáo Cường thì dù lấy vợ, có con vẫn tiếp tục cắm bản. Hai vợ chồng mang tiếng cùng trường, ở gần nhau nhưng một tháng chỉ gặp nhau đôi ba lần.
Bản trung tâm của xã Mường Lống là nơi tập trung chính của ba ngôi trường tiểu học, mầm non và trung học cơ sở... Ngày trước, bản đa phần là bà con người dân tộc Mông. Từ hơn mười năm trở lại đây, bản có thêm những cư dân mới là những thầy giáo, cô giáo về đây cắm bản và mua đất, xây nhà “an cư lạc nghiệp”. Vợ chồng cô giáo Thu cũng thế. Thời mới lấy nhau hai vợ chồng ở tạm trong dãy nhà tập thể. Sau khi sinh cháu đầu, xác định sẽ lập nghiệp lâu dài, vợ chồng mua lại ngôi nhà cũ của một đồng nghiệp. Để gần gũi với bà con ở đây, gia đình cô không xây nhà theo kiểu mới mà dựng nhà gỗ lợp mái sa mu.
Hai đứa con của cô, cháu đầu năm nay học lớp 6, cháu thứ hai học lớp 2 cũng ở đây với bố mẹ, cùng học, cùng chơi, cùng lớn lên với những đứa trẻ trong vùng. Đến thăm gia đình cô giáo Thu, cô hào hứng kể về đàn gà đen hơn 100 con vừa gây giống, mà theo cô là “của để dành”, hai vợ chồng dành dụm để sau này cho con về xuôi học đại học.
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn). |
Cách nhà cô Thu không xa là ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng thầy giáo Nguyễn Văn Lĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lống và cô giáo Nguyễn Thị Hoa, hiện là giáo viên cấp II xã Huồi Tụ. Thầy Lĩnh chia sẻ nhiều về quãng thời gian hơn 20 năm cắm bản mà đã có không ít cơ hội thầy được về xuôi, nhưng cuộc sống với quá nhiều thăng trầm, bước ngoặt cứ níu chân thầy lại với vùng đất này.
Cũng ít ai biết rằng, cô Hoa chính là hạnh phúc thứ 2 của thầy. Người vợ trước, cũng là một giáo viên cùng quê, lấy nhau, đứa con đầu chưa kịp chào đời thì chị mất trên đường từ Mường Lống ra Mường Xén cấp cứu... Thầy Lĩnh sau đó quyết tâm ở lại với vùng đất bốn mùa gió sương này...
Nói về câu chuyện của những giáo viên cắm bản, các thầy, cô giáo ở đây cũng kể nhiều về chuyện tình của cô giáo Nguyễn Thị Loan và thầy giáo Lầu Bá Súa. Cả hai gặp và yêu nhau ở mái Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Ra trường, trong khi có rất nhiều cơ hội ở quê nhà, nhưng cô giáo Loan đã tự nguyện đăng ký lên Kỳ Sơn dạy học và làm dâu Mường Lống.
Đã gần 10 năm, quyết định từng khiến rất nhiều người phản đối chưa bao giờ làm hai vợ chồng hối hận. Tình yêu không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn là động lực để cả hai cùng cố gắng, phấn đấu. Giờ đây, sau nhiều năm gắn bó với vùng sâu, vùng xa, thầy giáo Lầu Bá Súa đã là Hiệu phó Trường DTNT THCS Kỳ Sơn, cô giáo Loan cũng là một trong những giáo viên được đánh giá cao về chuyên môn và là giáo viên dạy giỏi của tỉnh, của huyện.
Những ngày cắm bản ở vùng đất cổng trời Mường Lống còn là niềm vui khi ở đây, họ thấy được những người học trò của mình tiến bộ từng ngày, thấy được quê hương mới đổi thay theo năm tháng.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|