Bến Tre nối mạng Internet, phục vụ nông dân
Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đang nhân rộng chương trình trang bị máy tính nối mạng, phục vụ thông tin cho nông dân trồng lúa.
Trước mắt, 25/107 xã trồng lúa của tỉnh sẽ được triển khai. Mục tiêu của đề án là tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tốt hơn các tiến bộ về kỹ thuật canh tác, thông tin giá cả, tình hình dịch bệnh, diễn biến thời tiết liên quan đến cây lúa; trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do những diễn biến thất thường của thời tiết như nắng hạn, xâm nhập mặn...
Hai năm trước, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Việt Nam, Bến Tre triển khai thí điểm đề án này tại hai xã Tân Phong (Thạnh Phú) và Mỹ Chánh (Ba Tri). Đến cuối năm 2011, dự án tiếp tục được nhân rộng thêm ở 2 xã Phú Thuận (Bình Đại) và Bình Thành (Giồng Trôm). Đây đều là những xã có diện tích lúa dẫn đầu so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Bến Tre hiện có khoảng 30.000 ha đất lúa, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 76.000 ha, sản lượng năm 2011 hơn 360.000 tấn.
Tham gia đề án, 4 xã nêu trên được trang bị máy tính, phí thuê bao internet, máy in, giấy, mực in. Tại mỗi địa phương, Hội Nông dân cử 1 cán bộ thành thạo các kỹ năng truy cập thông tin, in thành tài liệu để cấp phát tại các buổi sinh hoạt chi hội ở ấp, xã. Nhờ đó, nông dân trồng lúa tại các xã này được tiếp cận đầy đủ và đồng đều những thông tin về kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến mới, giá cả lúa gạo và vật tư nông nghiệp, lịch thời vụ, thông tin về những giống lúa mới... Dự án đã tạo thêm được một kênh cung cấp thông tin chính thức, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của nông dân trồng lúa.
Ông Lê Văn Hương, nông dân xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú cho biết: Việc tiến hành gieo sạ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đồng loạt giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả phòng trừ sâu rầy. Một số bệnh phổ biến trên cây lúa như đạo ôn lá, sâu cuốn lá... cũng giảm đáng kể. Trước đây, nông dân thường tiếp cận những thông tin này qua các phương tiện truyền thông như báo, đài nhưng hiệu quả không cao bằng cách làm mới này.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn đáng kể liên quan đến kinh phí và trình độ nhân sự. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng máy tính, in ấn cho người quản lý trạm. Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: trước mắt, Hội sẽ triển khai đề án ở 25 xã trồng lúa trọng điểm của tỉnh trước khi tiếp tục xã hội hóa nguồn kinh phí và nhân rộng ra toàn bộ các xã còn lại.
Theo Tintuc