Bi kịch tình phụ tử

06/12/2014 07:47

(Baonghean) - Đến bây giờ tôi mới hiểu ra, chính sự cổ hủ, gia trưởng của ông nội đã khiến bố tôi phải trải qua những tháng ngày hờn tủi. Và có lẽ, chính vì khao khát tình phụ tử mà bố luôn dành cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến như một sự bù đắp. Chẳng bao giờ bố đánh đòn chị em tôi cả. Có lẽ, bố giấu kín chuyện này cũng chỉ để chúng tôi vô tư đón nhận tình yêu thương từ ông nội...

(Baonghean) - Đến bây giờ tôi mới hiểu ra, chính sự cổ hủ, gia trưởng của ông nội đã khiến bố tôi phải trải qua những tháng ngày hờn tủi. Và có lẽ, chính vì khao khát tình phụ tử mà bố luôn dành cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến như một sự bù đắp. Chẳng bao giờ bố đánh đòn chị em tôi cả. Có lẽ, bố giấu kín chuyện này cũng chỉ để chúng tôi vô tư đón nhận tình yêu thương từ ông nội...

Sinh thời, ông nội có cái nốt nhỏ ở cuối tai, 7 người con thì 6 người có cái nốt y như của nội chỉ mỗi bố là không. Thế nên, ông mặc nhiên xem bố không phải con ruột của mình. Ông ghét bỏ bố và làm khổ bà nội. Mặc cho bố giống ông từ dáng đi, điệu cười, giọng nói… Bố tôi học giỏi có tiếng trong vùng. Thế nhưng nội tôi chẳng lấy đó làm tự hào, bởi thời ấy, người ta còn đang lo ngày ba bữa cơm, mấy ai nghĩ đến chuyện học hành của con cái, hơn nữa ông vốn chẳng xem bố là con. Lên lớp 6, ông nội bắt bố nghỉ học. Vậy là sáng sớm bố xách giỏ ra đồng mò cua, bắt ốc, nhưng lại vòng lên phía cổng trường để đi học. Bao giờ bố cũng trốn về trước để tranh thủ ra đồng bắt cua. Chuyện đến tai ông, bố được ăn một trận đòn nhừ tử. Bố bỏ học và bỏ nhà đi luôn từ đó. Bố lang thang khắp các vùng đất phía Nam, hết cuốc cỏ thuê cà phê ở Tây Nguyên đến làm phụ hồ cho các công trình xây dựng ở Đồng Nai… để kiếm sống. 5 năm liền bố không về quê cũng không một lá thư thăm hỏi. Ông nội chẳng mảy may quan tâm bố tôi sống chết thế nào, chỉ có bà nội đêm ngày thương nhớ. Ở nơi đất khách quê người, tình cờ, một lần, bố gặp người làng, hỏi thăm về gia đình, biết tin mẹ đang ốm nặng, bố đã tức tốc lên xe về quê. Nhờ học được nghề thợ xây, lại biết cách tính toán, bố tôi nhanh chóng trở thành thầu xây dựng ở quê. Thời điểm đó, bố đã có lưng vốn để có thể xây dựng cuộc sống gia đình, nhưng bà nội mắc bệnh hiểm nghèo nên bao nhiêu vốn liếng đội nón ra đi. Cưới vợ, bố tôi hoàn toàn tay trắng.

Minh họa: An Vinh
Minh họa: An Vinh

Lúc mới về làm dâu, mẹ tôi cũng lấy làm lạ khi thấy hễ trong nhà xảy ra chuyện gì là y như rằng ông nội lại đổ lên đầu bố. Tôi để ý thấy rất ít khi bố và ông ngồi nói chuyện với nhau quá 5 phút. Có chăng là những đợt ông to tiếng, cấm bố không được đặt chân vào nhà. Giận ông bao nhiêu, bố tôi thương bà nội bấy nhiêu. Vì bố không có cái nốt ở tai nên bà nội phải mang tiếng không chung thủy.

Vườn ông nội rất rộng. Các chú, các bác tôi được ông chia đất làm nhà ngay trong vườn, còn bố mẹ tôi phải tách ra xóm khác. Bố mẹ phải vay mượn khắp nơi, nhờ người chở đất, đắp vườn và dựng được túp nhà tranh bé xíu. Hình ảnh căn nhà tranh đó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức tuổi thơ tôi. Mỗi lần có mưa to gió lớn, tôi và mẹ phải sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Mẹ tôi sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, một mình bố bươn chải kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Thừa hưởng được gen thông minh từ bố, chị em tôi đều ngoan ngoãn, học giỏi. Có một điều lạ là anh, chị em con bác, con chú, con o của tôi đều có nốt nhỏ ở đuôi tai giống ông nội, còn chị em tôi chẳng đứa nào có. Thế nhưng ông nội lại thương và chiều tôi nhất. Mỗi lần tôi đi thi học sinh giỏi, ông chuẩn bị cho tôi rất chu đáo. Ông thường chở tôi gần chục cây số lên trung tâm huyện bằng xe đạp. Trên đường đi, ông kể cho tôi bao nhiêu chuyện, dặn dò tôi đủ thứ. Bố tôi thường đi làm xa, khi mẹ sinh em trai, bố chưa về kịp, ông nội quan tâm, lo lắng cho con dâu chẳng khác gì con đẻ. Có lẽ, cách sống khéo léo, biết kính trên nhường dưới của mẹ đã chiếm được tình cảm của ông. Được ông chiều chuộng, nên suốt ngày tôi quấn quýt lấy ông như cái đuôi mà không hề mảy may biết chuyện ông với bố có một khoảng cách xa như thế.

Một ngày đen đủi đến với đại gia đình tôi, ông nội bị tai nạn giao thông, phải truyền máu. Cả nhà hốt hoảng tập trung vào bệnh viện để thử máu, vậy mà chỉ duy nhất bố cùng nhóm máu A với ông. Ông nằm viện gần 1 tháng. Thời gian đó, bố mẹ tôi luôn ở bên cạnh ông, chăm sóc ông... Nhìn đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ của bố, tôi biết bố lo cho ông đến nhường nào. Thế nhưng ông không hề nói với bố nửa lời, có chăng là những câu trống không. Ông bình phục trở lại, vẫn yêu thương chị em tôi hết mực, nhưng chẳng bao giờ tôi nhìn thấy ông nói chuyện với bố, chỉ khác là ông ít khi to tiếng với bố hơn. Những lúc giỗ chạp, đại gia đình quây quần bên nhau, chỉ mỗi bố tôi là thường xuyên vắng mặt và trong ý nghĩ non nớt của mình, tôi chỉ nghĩ, bố đi làm về muộn, không kịp giờ ăn cỗ. Thời gian trôi đi, sức khỏe của ông yếu dần. Trước lúc lâm chung, con cháu tập trung đông đủ, ông chỉ nói với bố tôi một câu: “Con gắng lên”. Những giọt nước ở khóe mắt bố tôi cứ thế tuôn trào… Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bố khóc. Những giọt nước mắt mặn mòi không rơi xuống má mà tan vào những nếp nhăn. Bố không khóc thành tiếng, không hề gọi tên ông mà chỉ nắm lấy bàn tay ông lạnh ngắt.

Và có lẽ, nếu không có những lúc bố say rượu rồi nói trong vô thức thì chẳng bao giờ tôi biết được mâu thuẫn giữa ông nội và bố.

Nguyễn Lê (ghi)

Mới nhất
x
Bi kịch tình phụ tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO