Bí mật về công nghệ hỗ trợ tuyển Đức vô địch World Cup 2014
HLV Joachim Low đã sử dụng một bộ thiết bị có tên "HLV thông minh" khi Đức lên ngôi trên đất Brazil. Một số CLB Ngoại hạng Anh giờ cũng sử dụng thiết bị này.
Low tung Mario Gotze vào sân thay người ở phút 88 trận chung kết World Cup 2014, gặp Argentina. Và tiền vệ tấn công này đã ghi bàn thắng duy nhất ở hiệp phụ, phút 113. Vậy việc quyết định của nhà cầm quân người Đức phát huy hiệu quả thực ra là một khoảnh khắc thiên tài, là do may mắn, hay nhờ sự trợ giúp từ thiết bị công nghệ nhỏ gọn mà các cầu thủ có thể mang theo người?
Theo những chuyên gia phân tích hoạt động của các cầu thủ ở đội tuyển Đức, chính các dữ liệu chuyên môn từ thiết bị thông minh có tên gọi “miCoach” đã tác động tới quyết định điều chỉnh nhân sự của HLV trưởng Joachim Low ở cuối thời gian đá chính trận chung kết.
Quyết định tung Gotze vào sân cuối hiệp hai được HLV Low đưa ra sau khi tham khảo số liệu của miCoach. Ảnh: Reuters. |
Darcy Norman, chuyên gia thể lực và vật lý trị liệu của Bayern và tuyển Đức, mới đây đã tiết lộ rằng tất cả cầu thủ Đức đã đeo thiết bị "miCoach" trong suốt các buổi tập trước và trong thời gian diễn ra World Cup trên đất Brazil. Những thông số về cầu thủ 22 tuổi Gotze, qua nhiều tuần tập luyện cũng như thi đấu, đã thuyết phục HLV Joachim Low khi ông thấy Đức cần ra đòn quyết định.
Nhịp tim, khoảng cách di chuyển, tốc độ, khả năng chạy nước rút, và độ bền của các cầu thủ Đức đã được ban huấn luyện cùng đội ngũ kỹ thuật xem xét kỹ lưỡng tới từng chi tiết trước khi bước vào trận chung kết trên sân Maracana.
Tới phút 88, khi tỷ số vẫn là 0-0 và thế trận rất chặt chẽ, HLV Low quay lại phía băng ghế dành cho các cầu thủ dự bị, xem xét các dữ liệu đã được cung cấp sẵn rồi lựa chọn cầu thủ vào thay là Gotze. Những con số thống kê về hoạt động của cầu thủ chạy cánh này cho thấy anh hiệu quả hơn các cầu thủ khác trong những tình huống năm đấu năm hoặc tương tự thế.
Đội ngũ kỹ thuật của tuyển Đức có nhiệm vụ thu thập các thông số cầu thủ qua thiết bị "miCoach", rồi phân tích và cung cấp những chỉ số cần thiết cho HLV trưởng, tùy theo từng tình huống có khả năng xảy ra trên sân.
Chuyên gia Norman giải thích thêm về tính hữu ích khi các đội thể thao chuyên nghiệp sử dụng công nghệ này: "Chúng ta cần xác định được số lượng các buổi tập đủ để thu thập được một số thông tin chuẩn về cầu thủ. Đó sẽ là cơ sở để các thành viên kỹ thuật cũng như HLV trao đổi kỹ hơn các trường hợp".
Bộ thiết bị miCoach, gồm một CPU thu thập dữ liệu từ áo và máy đo nhịp tim mà vận động viên mang theo người và máy tính bảng nhận lại dữ liệu do CPU phát ra. |
Nhiều CLB ở giải Ngoại hạng Anh hiện nay cũng đều sử dụng công nghệ hỗ trợ tương tự, do Prozone sản xuất. Các đội bóng bầu dục và nhiều môn thể thao đỉnh cao khác cũng cần tới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh để đo và theo dõi thông số hoạt động từng VĐV. Các thiết bị này có thể xác định được bất kỳ tiền đạo nào thiếu khả năng tỳ đè, bất kỳ hậu vệ nào kém khả năng không chiến, và bất kỳ tiền vệ nào chuyền bóng thiếu chính xác so với mong đợi.
Giám đốc sáng tạo sản phẩm của Adidas, Simon Drabble, phát biểu: “Công nghệ không phải là tất cả với thể thao. Mỗi trận đấu, mỗi cuộc chơi đều chứng kiến nỗ lực lao động hết mình của các VĐV, khát vọng của họ, thậm chí là cả nước mắt, mồ hôi và máu. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế là đã có một số ví dụ điển hình chứng tỏ rằng công nghệ có thể hỗ trợ những cá nhân tiêu biểu trở thành hàng đầu thế giới, thậm chí là số một”.
Thiết bị thông minh miCoach là gì?
Đó là những thiết bị nhỏ có thể đeo trên cơ thể để theo dõi các số liệu hoạt động quan trọng như khoảng cách, tốc độ và nhịp tim của những ai mang nó.
Đây được xem như một huấn luận viên cá nhân, có thể theo dõi chuyển động 360 độ của người sử dụng ở các môn thể thao như điền kinh, tennis, bóng đá… Thiết bị miCoach có thể được kết nối với các thiết bị khác như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân… để đọc dữ liệu về quá trình tập luyện.
Tuyển Đức áp dụng triệt để công nghệ hỗ trợ này khi lên ngôi vô địch trên đất Brazil. |
Các huấn luyện viên sẽ kiểm tra dữ liệu để phân tích đâu sẽ là điểm người chơi có thể hoặc cần phát triển mạnh, và đâu là điểm họ cần phải cải thiện.
Công nghệ của Prozone như thế nào?
Được phát triển từ năm 1995, Prozone là phần mềm theo dõi các cầu thủ thông qua biểu đồ phân tích về sự chuyển động của mỗi cá nhân trên sân.
Sử dụng 10 camera quanh sân, hệ thống này mô phỏng lại mọi thứ trên sân đấu theo những hình ảnh động hai chiều. Nó cung cấp các thông số theo thời gian thực, giúp phân tích sau trận đấu và hoạt động của đối thủ. Hiện giờ hầu hết các CLB của Ngoại hạng Anh đều sử dụng hệ thống tổng hợp và phân tích của hãng này.
Theo VNE