Biên giới Việt - Trung được đưa vào đề thi Địa lý THPT Quốc gia
(Baonghean.vn)- Vấn đề biên giới Việt - Trung, vấn đề chủ quyền biển đảo tiếp tục "nóng" trên đề thi Địa lý. Sau 180 phút làm bài, nhiều thí sinh tự tin cho biết, đề không khó.
Địa lý là môn thi tự chọn. Bên cạnh các em có nguyện vọng xét điểm vào đại học những ngành khối C thì còn có một số em khác cũng lựa chọn môn thi này để xét điểm tốt nghiệp. Chính vì vậy, tại các điểm thi ở cụm thi Vinh, số lượng thí sinh giảm hẳn so với những ngày trước.
Các điểm thi hôm nay vắng hơn những ngày trước vì nhiều em không chọn môn Địa lý để thi. |
10h30 phút, tại điểm thi Trường Đại học Điện lực, cơ sở Nghệ An ở xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, một số nữ thí sinh bước ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi. Tâm trạng thoải mái, thí sinh tên Lan vừa trao đổi với mẹ vừa cho biết, đề Địa lý không khó. Lan tự tin được từ 7 điểm trở lên.
Nữ thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường Đại học Điện lực. |
Nội dung đề Địa lý năm nay có nội dung đáng chú ý là vấn đề biên giới Việt - Trung với câu hỏi: Dựa vào trang 4 - 5 và trang 30 của Atlats Địa lý Việt Nam xác định những tỉnh của Việt Nam có đường biên giới đất liền chung với Trung Quốc. "Đây là câu hỏi dễ, nhiều thí sinh không cần nhìn vào bản đồ trong Atlats cũng có thể nói được 7 tỉnh gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên", một thí sinh đến từ Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương cho biết.
Thí sinh trao đổi với người nhà về nội dung làm bài thi môn Địa lý. |
Em Lương Văn Hợi, trường THPT Quỳ Hợp cho biết, đề thi khá dễ, câu 1,2 là câu lý thuyết sát với chương trình sách giáo khoa, phù hợp với trình độ của các em thí sinh có học lực trung bình chỉ có nguyện vọng xét tuyển tốt nghiệp. Phần thực hành yêu cầu thí sinh phát huy khả năng vẽ biểu đồ, phần này đã chiến đến 3 điểm. Đây được coi là phần “gỡ” điểm cho các thí sinh. Ở phần thực hành vẽ biểu đồ em hoàn thành tốt vì đã học thành thạo các dạng biểu đồ, cách xác định dạng biểu đồ qua bảng số liệu. Em làm xong bài sớm và khá hài lòng với kết quả, em tự chấm chắc cũng đạt 7 -8 điểm”.
Các thí sinh và phụ huynh vui mừng vì đề thi Địa lý không khó. |
Thế nhưng theo nhiều thí sinh, đề Địa lý năm nay có câu 4 được coi là câu “chốt” nhằm phân loại thí sinh. Ở ý hai của câu này nêu: “Chứng minh rằng nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển. Giải thích tại sao việc khai thác tài nguyên biển - đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước”. Theo thí sinh Đặng Thị Lệ - Trường THPT Nam Đàn 2, điểm thú vị nhất của đề thi Địa lý năm nay nằm ở câu hỏi này. Với chủ đề dạng đề mở, khá hay và ít nặng về kiến thức trong sách giáo khoa bởi thế tại hứng thú cho thí sinh thể hiện những hiểu biết và quan điểm ý kiến cá nhân của mình về biển đảo quê hương” .
Nhiều thí sinh cho biết, chỉ cần những kiến thức rất cơ bản và dựa vào Atlats cũng có thể có được 5 điểm để đậu tốt nghiệp. |
Ở môn thi Địa lý nhiều thí sinh có thuận lợi được mang Atlats vào phòng thi, Em Hoàng Thị Ánh – Trường PTTH Diễn Châu 2 chia sẻ “ Em theo khối D chọn môn Địa lý để xét tốt nghiệp. Em thấy khá thoải mái khi làm bài có sự hỗ trợ của Atlats vì nếu biết “ đọc” Atlats sẽ chắc chắn có được 2 điểm ở câu thí số 2. Hoàn thành bài thí tốt khiến em cảm thấy khá tự tin chuẩn bị tinh thần tốt hơn nữa cho môn thi tiếp theo vào buổi chiều ngày hôm nay.
Nhận xét về đề thi Địa lý, cô giáo Nguyễn Thị Yến, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, đề thi này đáp ứng được các tiêu chí như khoa học, thực tế, mang tính thời sự nhưng cũng có tính phân hóa cao. Đề thi phù hợp với cả hai đối tượng thí sinh. Cái hay của đề thi nằm ở câu 4, không chỉ nói về biển đảo mà còn yêu cầu đánh giá giá trị của biển đảo, giúp học sinh ý thức hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Minh Nguyệt