Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại gừng

01/11/2011 18:52

(Baonghean) - Gừng là loài cây thân thảo, dễ trồng, có thể trồng được nơi đất nghèo dinh dưỡng, dưới tán cây. Nếu thâm canh tốt có thể cho năng suất từ 40 - 80 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Tuy nhiên, trong sản xuất ngoài các yếu tố ảnh hưởng như giống, thời vụ, đất đai... cho đến kỹ thuật trồng thì cây gừng còn chịu ảnh hưởng rất lớn của sâu bệnh, làm giảm năng suất và chất lượng củ, Để trồng gừng mang lại hiệu quả, bà con cần lưu ý các biện pháp phòng trừ sâu bệnh:

Sâu hại gừng: Trên cây gừng, thường gặp một số loài dế dũi, bọ dừa nâu, rầy trắng lớn, rầy xanh, châu chấu lưng vàng, châu chấu mía, rệp sáp bọ trĩ,...( ít gây hại). Để phòng trừ các loai sâu này cần dọn vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất trước khi trồng bằng basudin, purazan, khi sâu xuất hiện trên gừng, phun thuốc Actara 1g, bassa 90 ml 50ND, Ôttatox 100ml 50EC (phun theo khuyến cáo)

Sâu đục thân thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, đục vào bên trong ăn phần non, nếu phát triển mạnh sẽ làm giảm năng suất gừng trồng. Đối với loại sâu này dùng thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như Basudin, Regent,... chú ý nên phun khi bướm sâu đục thân xuất hiện thì phòng trừ đạt hiệu quả cao.

Bệnh hại cây gừng: Thường gặp một số bệnh như cháy lá, bệnh thối củ do nấm, bệnh thối củ do vi rút. Triệu chứng, trên phiến lá đầu tiên xuất hiện những đốm màu xanh tái, sau đó lớn dần đường kính 3-5mm, giữa đốm có màu nâu xám, xung quanh viền nâu đậm, nhiều vết bệnh liên kết với nhau tạo thành mảng chảy lớn trên lá. Vết bệnh có thể xuất hiện ở đỉnh hoặc mép lá, tạo thành mảng cháy lan rộng vào trong phiến lá. Bệnh nặng có thể làm cho phần lớn lá cháy xơ xác, củ nhỏ và ít củ.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn toàn bộ tàn dư sau thu hoạch đưa ra khỏi vườn, xử lý đất trước khi trồng, trồng mật độ vừa phải, bón phân đạm, lân, kali cân đối. Khi bệnh xuất hiện cắt bỏ sớm những lá bị bệnh đưa ra khỏi vườn, dùng các loại thuốc kassai, trizole, Carbenzim, bennoomyl, phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

Bệnh thối củ: Triệu chứng: Đầu tiên vết bệnh xuất hiện ở bẹ lá ở gốc cây gần mặt đất, là những đốm màu nâu xám, rộng khoảng 3-5 cm có hình dạng nhất định, sau đó lan rộng ra, xung quanh có viền nâu đen, lá bị bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc làm thối một phần củ, vết thối xơ hơi xốp, bệnh nặng có thể làm chết cây và thối củ hoàn toàn.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruông, thu dọn toàn tàn dư vụ trước đưa ra khỏi vườn, xử lý đất trước khi trồng, khi trồng lên luống cao để thoát nước, bón phân hữu cơ hoai mục, trồng mật độ vừa phải, bón phân đạm, lân, kali cân đối, khi bệnh xuất hiện phun thuốc Validacin, Anvin, Monceren, cabenzim.


Phan Thị Dung

Mới nhất
x
Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại gừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO