Biển trời Bạch Long Vĩ

23/06/2010 11:33

(Baonghean) - Đoàn công tác của Hải quân vùng I và đại diện một số cơ quan trung ương, phóng viên báo chí ra thăm Bạch Long Vĩ, đảo anh hùng. Một phía tiền duyên Tổ quốc đang đón chờ chúng tôi trong nắng xanh và gió biển Đông.

Sau hơn 10 tiếng đồng hồ cắt sóng xuyên đêm, con tàu HQ 635 của Vùng A Hải Quân đưa chúng tôi đến với đảo Bạch Long Vĩ. Âu cảng Bạch Long Vĩ như 2 chiếc càng cua khổng lồ đen thẫm giang ra đón chúng tôi giữa san sát những đốm đèn lấp loáng, ngái ngủ của ngư dân. Trên cầu cảng, đã thấy ẩn hiện màu đồng phục xanh sẫm của những người lính hải quân và thanh niên xung phong…Tôi chợt bồi hồi nhớ về một thuở, Bạch Long Vĩ là đảo lửa, đảo thép, là chiến hạm không thể đánh chìm. Quân và dân Bạch Long Vĩ kiên cường đã bắn rơi 25 máy bay của giặc Mỹ, là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, xứng đáng là hòn đảo tiền đồn của Tổ quốc trên Vịnh Bắc Bộ, lòng lại chợt dào lên giai điệu của bài hát "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", gợi biết bao kỷ niệm một thời bi tráng...

Bạch Long Vĩ - Tảng ngực chắn sóng biển Đông


Một góc Đảo nhìn từ trạm hải đăng. Ảnh: Trần Hải


Đảo Bạch Long Vĩ nằm ở phía Đông Nam, cách thành phố Hải Phòng 133km. Huyền thoại xưa kể rằng, xưa có một con rồng trắng từ trên trời bay xuống và lưu lại ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Phần đầu và phần thân rồng thuộc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, còn đuôi rồng chính là đảo Bạch Long Vĩ. Nhưng khi ấy và đến mãi tận sau này, Bạch Long Vĩ vẫn là một hòn đảo hoang vu, chỉ có xương rồng và cát trắng, dường như hoàn toàn cách biệt với đất liền. Bạch Long Vĩ ngoài cái tên Đuôi Rồng Trắng, trước đây còn có tên là đảo Vô Thuỷ (có nghĩa là không có nước). Sau này, có thời kỳ gọi là Phù Thuỷ Châu (có nghĩa là hòn ngọc nổi trên mặt nước), đến nay vẫn còn di tích làng Thuỷ Châu trên đảo.

Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Đảo có toạ độ địa lý (20o07'35'' và 20 o08'36'' vỹ độ Bắc; 107o42'20'' - 107o44'15'' kinh độ Đông.. Do vị trí giữa Vịnh (cách Hòn Dấu - Hải Phòng 110 km, cách đảo Hạ Mai 70 km, cách mũi Ta Chiao - Hải Nam 130 km), đảo có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh, có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của nước ta ở Vịnh Bắc Bộ.


Hải đăng và tháp truyền hình Bạch Long Vĩ. Ảnh: T.H


Trong những năm chiến tranh ác liệt, đặc biệt từ sau ngày 5/8/1964, đảo Bạch Long Vĩ trở thành một trong những mục tiêu quan trọng đánh phá của đế quốc Mỹ. Chúng đã từng tuyên bố "San phẳng đảo BLV giữa vịnh Bắc Bộ" với hàng ngàn lượt chiếc máy bay và tàu chiến, quần nát hòn đảo chỉ hơn 2,3 km2 này. Hàng trăm tấn bom đạn đã rải xuống, mỗi m2 bề mặt đảo phải chịu tới 3 quả bom và hàng chục quả đạn pháo. Nhưng với lời thề "Còn người, còn đảo", chỉ với súng trường, tiểu liên và súng máy PK 12,7mm của CBCS đội 152 và dân quân tự vệ, 25 máy bay hiện đại của Mỹ đã bị bắn tan xác ngay trên bầu trời của đảo. Ngày 31/12/1973, tiểu đoàn 152 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng LLVTND". Đảo còn được nhận lời thăm hỏi của Chủ tịch Phidel Castro cùng nhân dân CuBa anh em, tấm Huy chương của Hội đồng Hòa bình thế giới và cả những kỷ vật của Bác Hồ kính yêu. Đây là những nguồn động viên, khích lệ để quân và dân đảo Bạch Long Vĩ vững vàng, kiên cường nơi đầu sóng.

Bình yên phố đảo


Một góc phố đảo. Ảnh: T.H


Rời khỏi tàu HQ 635, bước lên âu cảng, công trình mới xây có sức chứa 500 tàu thuyền, Đảo đã đón chúng tôi bằng những dáng nét yên bình của một thị trấn nhỏ. Miên man khắp các bãi cạn là xương rồng, loài cây gắn liền với đảo. Mùa nào, xương rồng đảo cũng nở hoa. Giữa cỗi cằn gió biển và sương mặn, mỗi đốm hoa vàng của loài cây khắc khổ này như một đốm niềm tin, bình yên mà vững chãi.

Trên những con đường bê tông uốn lượn quanh đảo, những ngôi nhà mới đã mọc lên, có khá nhiều biệt thự kiểu cách, các công sở khang trang nằm giữa vườn phi lao, cây ăn trái. Mấy dãy phố chợ có đầy đủ cá, mực tươi, rau quả. Hai bên đường, san sát các hiệu ăn, cắt tóc, bưu điện, karaoke văng vẳng tiếng nhạc. Mấy chú chó bình thản nhìn khách xa. Một nét đất liền giữa lòng phố đảo.


Một ngôi biệt thự trên đảo. Ảnh: T.H


Chị Nguyễn Thị Lê, quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) vừa thoăn thoắt xếp đặt lại mớ rau mới từ đất liền gửi ra cho cửa hàng rau, cá của chị, vừa trò chuyện. Vợ chồng chị ra đảo đã 5 năm, hiện có 2 con, cháu đầu 11 tuổi. Mỗi tháng, có khoảng 3-4 chuyến tàu ra đảo, hàng hóa của chị cũng gửi theo tàu. "Vợ chồng tôi xác định ở đảo lâu dài, con cái vợ chồng đã quen ở đảo mất rồi. Với lại, buôn bán ở đây cũng tạm được" - chị Lê tâm sự.

Đầu đường bêtông, mấy người phụ nữ vạn chài tranh thủ mang tôm cá mới đánh bắt đêm qua lên phố đảo bán sớm cho tươi. Xô bào ngư đặt nép mình dưới bụi trúc đào tránh nắng, chờ người trả giá. Ốc lón với hải sâm trước từng là sản vật của Bạch Long Vĩ, giờ đã hiếm gặp vì một dạo thả nổi, dân chài tận thu ghê quá.


Khu nhà của liên đội TNXP Bạch Long Vĩ. Ảnh: T.H


Ở Bạch Long Vĩ, ngoài mầu áo hải quân, bộ đội, BĐBP, gần như ở đâu chúng tôi cũng gặp sắc xanh cỏ úa của trang phục TNXP, bởi họ là lực lượng nòng cốt xung kích trên đảo. TNXP tham gia xây dựng Công viên Tuổi trẻ Sông Hồng, xây dựng Công viên Văn hóa trung tâm, xây dựng Bệnh viện đa khoa, xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc để Bạch Long Vĩ có diện mạo như ngày hôm nay. TNXP tham gia trồng rừng lấy màu xanh cho đảo...

Vẫn còn đấy dấu ấn bạn bè quốc tế với khu rừng Hội hữu nghị Chữ thập đỏ Bạch Long Vĩ Việt Nam - Kitakanto Nhật Bản. Hàng ngàn cây rừng, hàng tấn rau xanh, thực phẩm tăng gia sản xuất đều thấm đẫm mồ hôi của các nam, nữ TNXP. 18 năm có mặt trên đảo, TNXP đã trở thành một phần không thể thiếu cùng với sóng gió và sự khắc nghiệt của vùng biên đảo này. 57 đội viên, thêm 3 chỉ huy của Liên đội TNXP mỗi người một tính, hoàn cảnh tuy có khác nhau, nhưng đều chung một lý tưởng ra đi vì ngày mai lập nghiệp, không quản ngại gian khổ.


Hàng lên Đảo. Ảnh: T.H


Hiện tại, TNXP đã có đến 35 hộ gia đình, trong đó, đã có chừng 15 mái ấm là của các cô TNXP và những chàng lính trẻ. Tại một góc Công viên Văn hóa trung tâm, một nhóm các đội viên đang cẫn mẫn cắt tỉa từng luống hàng rào cây xanh trong khuôn viên đẹp như một mảnh vườn biệt thự. Đội viên Vũ Thị Ngọc Bích, năm nay 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của tuổi thanh xuân, đẹp như khuôn mặt tươi tắn đượm mấy giọt mồ hôi nghiêng nghiêng dưới vành mũ tai bèo. Bích quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng), đã ra cùng đảo 4 năm nay. "Lúc đầu, bố mẹ em can dữ lắm, nghĩ thân gái biển xa, nhưng em cứ quyết tham gia TNXP, với lại có cô chú em ở ngoài này...!" Bích tủm tỉm. "Thế còn chuyện người yêu?". Cô đội viên trẻ lại đỏ mặt "Em đã trót yêu đảo trước mất rồi, nên hiện chưa nghĩ đến chuyện đó đâu".


Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội trưởng TNXP Bạch Long Vỹ. Ảnh: T.H


Thành phần dân cư của đảo khá đa dạng: hộ gia đình; thanh niên xung phong; cán bộ công chức, viên chức khối phòng ban huyện; Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; Trạm khí tượng thuỷ văn; đơn vị Bảo đảm hàng hải, Bưu điện và một số doanh nghiệp. Ngoài ra, còn lượng lớn dân vãng lai từ các tầu cá neo đậu quanh đảo (có lúc tới 800 chiếc) và nhiều tầu thu mua và dịch vụ thuỷ sản đến đây kinh doanh buôn bán, có lúc tới 120 tầu thuyền.

Trên đảo đã hình thành 4 cụm dân cư sống tập trung ở phía tây nam và đông nam đảo, sau khu cảng và neo đậu tầu thuyền. Dân trên đảo hầu hết là người lớn ở tuổi lao động và là nam giới, gồm 3 nhóm nghề chính: nghề ngư, khai thác thuỷ sản và dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt .


Mưu sinh trong âu cảng Bạch Long Vĩ. Ảnh: T.H


Ngư nghiệp ở đảo chủ yếu là lặn bào ngư và đánh cá ven bờ, ngoài ra còn bắt hải sâm. Trước năm 1988, cá song, cá mú có thể bắt bằng các hình thức câu, đánh lưới khoảng 40 - 50 tấn, bào ngư khai thác khoảng 30 - 40 tấn tươi mỗi năm. Nghề lặn bắt bào ngư vào vụ từ tháng 1 đến tháng 8.

Hẹn gặp lại, đảo xa


Lính đảo BLV với báo Nghệ An. Ảnh: T.H


Trên đường ra cầu cảng để trở lại với tàu HQ 935, chuẩn bị tạm biệt Bạch Long Vĩ, chúng tôi lại gặp những đám xương rồng trổ hoa vàng trên các mỏm cát. Cờ Tổ quốc trước nhà dân đang phấp phới, điểm những nét son giữa xanh màu cây, màu đảo, màu trời. Tiễn chúng tôi ra tận âu tàu, đại úy Đặng Công Thành nói: “Có dịp mời mọi người ra đảo ăn tết cùng với TNXP và bộ đội nơi đây. Tết ở Bạch Long Vĩ này có nhiều điều vui mà ở đất liền không có đâu…”.


Bịn rịn chia tay, hẹn ngày gặp lại. Ảnh: T.H


Bây giờ, Bạch Long Vĩ đã thực sự trở dậy sau đợt càn quét dữ dội của cơn bão số 10 (cuối năm 2009). Quanh đảo đã không còn dấu tích của những ngày chống chọi với bão. Cột truyền hình bị đánh gãy đã được lắp đặt lại. Cột điện gió - biểu tượng của Bạch Long Vĩ bị đánh sập cũng đã được phục hồi. Những mái nhà của các công sở bị tốc mái, gốc cây phi lao ngã ngổn ngang khắp đảo sau cơn bão giờ chỉ còn trong ký ức của những người dân đảo trẻ. Tiếng trẻ học bài đã lại vang vang nơi ngôi trường tiểu học-mẫu giáo 2 tầng khang trang. Và tàu bè lại yên bình trở về nằm trong âu tàu Bạch Long Vỹ, chuẩn bị cho những ngày đi biển cá đầy khoang.

Trần Hải

Mới nhất

x
Biển trời Bạch Long Vĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO