“Bình bầu hộ nghèo thì hồ hởi hơn bình bầu gia đình văn hóa”?

17/07/2013 19:36

(Baonghean.vn) - Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, sáng 17/7, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cao Đăng Vĩnh đã đăng đàn giải trình công tác quản lý Nhà nước về các di tích văn hoá, hoạt động lễ hội, xét công nhận các danh hiệu văn hóa còn bất cập…

Giải trình về các vấn đề này, ông Cao Đăng Vĩnh thừa nhận những bất cập liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đồng thời chia sẻ, Nghệ An là tỉnh có nhiều di tích với 1.395 điểm di tích, trong đó có 260 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh. Mặc dù quy định về trùng tu, tôn tạo di tích rất nghiêm ngặt, nhưng đội ngũ quản lý di tích còn nhiều yếu kém (chủ yếu phân cấp cho cấp xã, Sở chỉ quản lý 17 di tích trong toàn tỉnh); nguồn lực đầu tư cho công tác tôn tạo, trùng tu hạn chế, dẫn đến có nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng.

Tương tự, hoạt động lễ hội ở một số địa phương có biểu hiện thiếu lành mạnh, đặc biệt tình trạng ăn xin ở các lễ hội trở thành “vấn nạn”. Việc công nhận các danh hiệu văn hóa một số huyện chưa thực sự bám sát cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra thẩm định công nhận, công nhận lại, nên chất lượng các danh hiệu văn hóa sau khi đã được công nhận chưa cao.

Về điểm vui chơi cho trẻ em, hiện tại trên địa bàn tỉnh gần như không có điểm vui chơi cho trẻ em, chỉ có 9/20 huyện thành thị, xã có điểm vui chơi ở trung tâm huyện. Làm rõ nguyên nhân dẫn đến các bất cập, yếu kém, bên cạnh nhận lỗi trách nhiệm về ngành như chưa quan tâm đến công tác quy hoạch về các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, chưa thanh tra, giám sát thường xuyên cơ sở, ông Cao Đăng Vĩnh cũng làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, bởi tất cả các nội dung đều phân cấp cho cấp huyện, cấp xã, như xét công nhận danh hiệu gia đình, làng văn hóa; quản lý hoạt động lễ hội; quản lý di tích...

Đưa ra giải pháp, ông Cao Đăng Vĩnh khẳng định, với chức năng quản lý Nhà nước, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ đối với việc công nhận và công nhận lại các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định và có chất lượng. Để tạo điều kiện cho trẻ em có điểm vui chơi, đề nghị chính quyền các cấp tăng cường phối hợp cùng với Sở để tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em; gắn với quy hoạch đô thị, nông thôn mới lồng ghép ưu tiên tạo ra các điểm vui chơi ở từng địa bàn…



Ông Cao Đăng Vĩnh giải trình tại phiên chất vấn

Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, có 14 đại biểu HĐND tỉnh chất vấn trực tiếp, trở thành vấn đề “nóng” nhất tại kỳ họp. Đại biểu Trần Văn Sinh (Nam Đàn) đề nghị Giám đốc Sở đưa ra giải pháp nhằm chuyển giao chủ thể, đưa hoạt động lễ hội về cho nhân dân, thay cho chính quyền tổ chức như thời gian qua? Ông Cao Đăng Vĩnh trả lời: “Bây giờ muốn chuyển giao được, con đường tốt nhất là phải trả lại đúng bản chất của lễ hội là của nhân dân, do nhân dân tổ chức, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Ông Vĩnh cũng thừa nhận “Văn hóa là câu chuyện hơi dài, cây lúa chỉ trong vòng 3 tháng, không nói để biện minh nhưng đó là câu chuyên có thật”.

Trả lời đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) băn khoăn về chất lượng các danh hiệu văn hóa, ông Vĩnh, cho rằng: Bộ đã có quy định chung về tiêu chí để xét công nhận các danh hiệu văn hóa rất cụ thể. Tuy nhiên, ở một số địa phương có đưa thêm một số tiêu chí để tạo động lực, sự vươn lên ở từng tổ chức, cá nhân là không sai. Điều quan trọng là chúng ta thực hiện như thế nào và việc khảo sát, đánh giá, xét duyệt để công nhận danh hiệu văn hóa là thẩm quyền của cấp huyện và xã, trách nhiệm của Sở chỉ làm công tác quản lý Nhà nước. Mong muốn đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân tỉnh nhà gửi địa chỉ cụ thể cho Sở có cơ sở xác minh và khắc phục sớm.

Cũng đề cập đến chất lượng các danh hiệu văn hóa, đại biểu Trương Hồng Phúc (Đô Lương) đề cập đến việc phối hợp giữa MTTQ, LĐLĐ và Phòng Văn hóa cấp huyện để xét và công nhận danh hiệu văn hóa đối với các cơ quan, đơn vị chưa thật sự tốt. Ông Vĩnh hứa sẽ nhận nhiệm vụ trao đổi vấn đề này với các ban, ngành liên quan để làm tốt hơn thời gian tới. Ông Vĩnh cũng trả lời ý kiến của ông Phúc về tình trạng người dân đi bình bầu hộ nghèo thì hồ hởi hơn bình bầu gia đình văn hóa, cho rằng đây không phải chỉ ngành văn hóa mà là cả hệ thống chính trị cần suy nghĩ về vấn đề này để cùng có trách nhiệm vì làm văn hóa không chỉ có hát hò, thể thao mà có cả xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế...



Đại biểu Trương Hồng Phúc chất vấn Giám đốc sở VH-TT-DL

Liên quan đến các điểm vui chơi cho trẻ em, ý kiến của đại biểu Hoàng Xuân Trường (thành phố Vinh) về giải pháp, chính sách cho điểm vui chơi cho trẻ em, ông Cao Đẳng Vĩnh khẳng định: Giải pháp điểm vui chơi cho trẻ em lâu nay đã có như tập huấn, tổ chức nhiều hoạt động thi vẽ, hát múa trong giới thanh thiếu niên, giải thể thao... thông qua hệ thống nhà văn hóa, hệ thống sân thể thao cấp xã, xóm. Riêng về chính sách cho điểm vui chơi trẻ em vẫn chưa thể làm được. Sắp tới, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân định rõ hơn chức năng của 2 Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Sở Lao động Thương binh – Xã hội trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được vui chơi lành mạnh.

Trả lời đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn) về thực trạng các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn hiện này, ông Vĩnh cho răng chưa có định nghĩa nào về điểm vui chơi hay nơi vui chơi nào. Tỉnh ta gần như chưa có điểm vui chơi nào, trừ Công viên Trung tâm ở thành phố Vinh. Ngoài sự vào cuộc của ngành để quy hoạch các điểm vui chơi, tỉnh và các huyện cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Còn việc các khu vui chơi ở các huyện được chuyển giao sang mục đích hoạt động dịch vụ thì trách nhiệm của các địa phương cần chấn chỉnh để các khu vui chơi này hoạt động đúng công năng của nó.

Tại phiên chất vấn, ông Cao Đăng Vĩnh cũng làm rõ các vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm xung quanh vấn đề thu và quản lý tiền công đức tại các di tích đã xảy ra ở một số nơi vừa qua; một số công trình văn hóa thi công chậm....

Kết luận phần chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, đồng chí Trần Hồng Châu đề nghị Sở VH-TT-DL triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục các tồn tại, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, quản lý tốt các nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực này, tránh tình trạng lợi dụng tiêu cực. Đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ sự chuyển động của ngành Văn hóa.


Mai Hoa

“Bình bầu hộ nghèo thì hồ hởi hơn bình bầu gia đình văn hóa”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO