Bình dị đặc sản Cửa Lò
(Baonghean) - Đến Cửa Lò, ai cũng khao khát muốn tìm một đặc sản mang màu sắc, hương vị của biển về làm quà. Và để chiều lòng du khách, đặc sản của Thị xã biển luôn có hương vị riêng mà khó có thể tìm thấy ở những nơi khác...
Đặc sản tôm, cá nướng của Cửa Lò. Ảnh: Trần Hải |
Người Cửa Lò lên “phố” đã lâu nhưng trong xô bồ hàng hóa vẫn có một nét riêng đặc sản mà đi dọc dải đất chữ S, nhiều khách vẫn phải tìm đến đúng Cửa Lò mới có thể mua được. Anh bạn của tôi làm ở kênh truyền hình VOV cũng vậy. Nghề truyền hình đi Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, 62 tỉnh thành hầu như nơi nào cũng đã đến. Thế mà, lần họp lớp vừa rồi, qua điện thoại chỉ nói có một câu: Lần trước đến Cửa Lò, một ông bạn đồng nghiệp ở đài địa phương dẫn đến làng nghề mua được chai nước mắm cốt, hạ thổ ngon lắm. Hà Nội có nhiều thứ lắm nhưng chỉ thèm một chai nước mắm nguyên chất vậy thôi. Bạn nhớ mua bằng được cho mình nhé... Ừ, nói gì chứ nước mắm Cửa Lò thì đúng là đặc sản rồi. Nhưng muốn mua đúng hàng “xịn”, nguyên chất và không bị nói thách thì phải đến đúng làng nghề nước mắm Hải Giang ở phường Nghi Hải. Từ trung tâm thị xã đến làng nghề chỉ chừng 2 km, không xa. Khách có thể thuê riêng một chuyến xe điện, nhờ các bác xe ôm hoặc lãng mạn hơn thì có thể thuê xe đạp đôi chạy dọc theo dãy phi lao về phía bãi biển Cửa Hội. Hành trình này, chắc hẳn cũng không đơn điệu vì về đây còn được tận mắt xem người dân ở đây chế biến nước mắm như thế nào. Cũng kỳ công lắm đấy.
“Không công phu thì làm sao có nước mắm ngon hả cháu” - bác Phạm Xuân Loãn, chủ cơ sở nước mắm Việt - Loãn đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Nghề mắm là nghề gia truyền của gia đình, được để lại từ thời bà ngoại của bác Việt. Bác Loãn nói thêm rằng: Ngày hai bác mới lấy nhau, cả làng Hải Giang vẫn còn là bãi biển ngập cát. Qua thời gian, biển càng ngày càng bồi, dân cư mới kéo đến thành làng. Làng nghề Hải Giang hiện có đến gần 100 hộ làm nước mắm, người ít, người nhiều nhưng người cầu kỳ như gia đình bác Việt Loãn chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ cũng vì thế, nên dù rất đắt hàng nhưng mỗi năm gia đình bác chỉ muối 10 bể, đặt vừa đủ khoảng sân phía sau vườn nhà. Muốn nước mắm ngon, trước tiên phải là nguyên liệu. Cũng là cá cả thôi, nhưng nếu không lựa chọn kỹ càng thì nước mắm không thơm, nhanh hỏng, cá ngon phải là cá trỏng than, vừa được đánh ngoài biển về, chưa ngâm qua nước. Khâu chọn muối cũng phải kỹ càng. Như gia đình bác Loãn, nhiều năm nay bác chỉ dùng đúng một loại muối là muối Hộ Độ (Hà Tĩnh), trắng sáng, hạt khô. Căn chừng thời điểm cá về, muối sẽ được gia đình bác đặt riêng vào một bể rồi phơi ngoài trời để nước chảy ra hết. Cá ngâm ủ chừng 6 tháng thì có thể thành sản phẩm. Nhưng muốn ngon và đậm đặc thì phải mất từ 12 đến 18 tháng. Thời gian đó, công đoạn vất vả nhất là “náo”, tức là phải chắt nước hàng ngày rồi đem ra phơi ngoài trời. Chiều về, hết nắng lại đổ lên bể, trộn đều lên để nước mắm ngấm. Thứ nước mắm ngon nhất là lượt lọc đầu tiên, gọi là nước mắm cốt, nước mắm nguyên chất. Càng về sâu, độ đạm càng giảm, nước mắm nhạt hơn. Muốn có nước mắm hạ thổ thì sau khi thành phẩm, phải ngâm sâu dưới đất từ 1 đến 1 năm rưỡi nữa. Nước mắm đạt tiêu chuẩn phải có màu vàng cánh gián, mùi thơm, ngậy, nước không bị đóng cặn khi để lâu. Từ sau 1 đến 2 năm, còn có thể chuyển sang màu đen. Ruốc cũng là đặc sản nức tiếng của làng nghề Hải Giang. Người ngoài Bắc thường thích ruốc hôi (còn gọi là mắm tôm). Riêng người miền Trung thì thích ruốc chua (sau khi muối có bỏ thêm thính (hạt ngô rang lên, đâm nhỏ) và riềng. Tuy nhiên, dù ruốc hôi hay ruốc chua muốn ngon phải được muối bằng loại tép te, đánh ở đúng biển Cửa Lò, vừa kéo ở biển về là đem ngay vào muối.
Đặc sản Cửa Lò còn là cá khô, mực khô, tôm nõn. Tuy nhiên, không phải cứ đến Cửa Lò là mua đúng hàng mà khách phải thực sự tinh ý. Kinh nghiệm cho thấy, mặt hàng này của Cửa Lò màu thường không sáng như hàng ở phía Nam, không có ngâm tẩm. Ngược lại, cá khô đơn giản chỉ là cá trỏng đánh từ biển lên rồi phơi sấy ngoài nắng, không ngâm muối. Mực là loại mực nhỏ nhưng thân dày, ăn vào có vị ngọt, bùi, càng nhai kỹ càng đậm đà... Mực một nắng thì đúng thật là “tinh túy” của biển, nhưng muốn tìm được đúng mối khách du lịch nên nhờ các chủ quán dọc bờ biển hoặc ra tận các thuyền đặt hàng. Mực sau khi đánh xong, sẽ được xẻ ngay trên thuyền và phơi nắng đúng một ngày. Giá vì vậy cũng đắt hơn gần một nửa. Chị Phùng Thị Lan - khối 5, phường Nghi Thủy lý giải thêm rằng: Mực, cá và tôm ở Cửa Lò thường ngon hơn tất cả các vùng biển khác, cá, tôm đều ngọt và bùi không quá mặn. Hơn nữa, sản phẩm ở đây đều chế biến nguyên chất, không tẩm ướt gia vị, vì vậy muốn hàng ngon thì phải thật tươi, không trộn hàng xấu vào được.
Một sự thú vị nữa đối với những khách du lịch ưa nội trợ đó là vào chợ hải sản để mua hàng tươi sống. Cua, ghẹ thì không khó tìm vì chỉ cần tìm con nào còn sống, chắc thịt và nhiều gạch là “ổn”. Riêng cá thu thì thật tinh ý, không nên chọn con quá to, vì đó là cá đã qua đông lạnh, cá thu thơm ngon phải là cá vừa đi lộng về, chưa ướp đá. Cá còn tươi, sau khi xẻ ra sẽ được đem ra sau chợ để nướng với than hoa. Từng con cá óng ánh vàng, tươi ngon, chẳng cần chế biến nhiều, chỉ cần về chiên lại cho nóng là đã thưởng thức được đúng hương vị của biển. Thời gian gần đây, để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, người Cửa Lò còn làm thêm mực, tôm đông lạnh, mực hút chân không. Riêng sản phẩm này thì khách đừng e ngại “đông lạnh” nhé vì với mực, tôm chỉ đông lạnh được khi hàng còn mới, vừa trên thuyền xuống, Thế nên, sau khi về nhà chỉ rã đông đơn giản thôi là đã tươi ngon, giống với mực “nháy” ở biển rồi...
Chỉ dạo chừng 2 km ở Cửa Lò đã thấy vô vàn là hải sản, đặc sản. Nếu khách còn thích phiêu lưu, khám phá hãy xuống Nghi Tân xem bà con nuôi cá lồng, mua cá vược, cá hồng. Xa hơn thì xem bà con đánh bắt hàu, sò điệp... Cửa Lò còn nối dài nếu ngược lên Nghi Thiết, Nghi Khánh và về với phố đêm ở Thành phố Vinh để cảm nhận được hương vị đậm đà của vùng đất xứ Nghệ mến khách.
Mỹ Hà