Bình yên biên cương, no ấm bản mường

11/02/2015 07:31

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Kỳ Sơn xác định tập trung lãnh đạo: giữ gìn an ninh biên giới, phát triển sản xuất dựa trên những điều kiện lợi thế và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở... Từ những giải pháp sát đúng đó, Đảng bộ và nhân dân huyện biên giới Kỳ Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Niềm vui được mùa của bà con xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Hương
Niềm vui được mùa của bà con xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Hương

Yên biên giới, ổn định nội địa

Huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn có 192 km đường biên giới với nước bạn Lào. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh biên giới, ổn định nội địa luôn được cả hệ thống chính trị cùng đồng bào các dân tộc và các lực lượng chức năng trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó, vai trò nòng cốt là các lực lượng công an, quân đội, biên phòng. Hàng tháng, các lực lượng duy trì giao ban và thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền vận động nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự do, phòng, chống tội phạm buôn bán ma túy…

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn luôn thực hiện nghiêm túc chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực chiến, tuần tra canh gác; đồng thời xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dân quân cơ động, dân quân tại chỗ và 2 tiểu đội dân quân thường trực tại xã Nậm Cắn và Nậm Càn vững mạnh. Tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Cắn duy trì chế độ trực thường xuyên 24/24 giờ. Đồng chí Lầu Bá Lỳ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Cắn cho biết: “Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng anh em trong đơn vị luôn quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo trật tự, trị an trên địa bàn, tham gia tuần tra biên giới, tăng gia sản xuất và giúp đỡ hộ nghèo...”.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng phát huy vai trò trong công tác vận động quần chúng, giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao tiềm lực quốc phòng toàn dân. Đồng chí Phạm Văn Trí, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thông tin: “Ban Chỉ huy Quân sự huyện tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng nhằm chủ động nắm bắt kịp thời các vấn đề, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ”.

Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Công an Kỳ Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, vừa phối, kết hợp, vừa chủ động mở các chuyên án truy quét các loại tội phạm. Trong năm 2014, công an huyện bắt giữ 12 vụ phạm tội về lĩnh vực kinh tế, môi trường, chủ yếu là buôn bán hàng giả, gian lận thương mại; xử lý 46 vụ phạm tội hình sự; đặc biệt việc đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy được thực hiện rất quyết liệt, xử lý được 63 vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy… Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: “Lực lượng công an huyện luôn chú trọng xây dựng lực lượng vững mạnh từ cấp huyện đến cấp xã. Bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chúng tôi tập trung phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ yếu xây dựng các mô hình như: “Xã không có ma túy, không có tội phạm”, “Xã và cơ quan an toàn về an ninh trật tự”… đồng thời tranh thủ phát huy tốt vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng. Qua đó, cùng với các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện ổn định”.

Như vậy, với sự chủ động, tích cực và phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng công an, quân sự, biên phòng trên địa bàn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội huyện Kỳ Sơn luôn ổn định, chủ quyền biên giới đảm bảo vững chắc. Để “yên biên giới, ổn định nội địa”, công tác đối ngoại, phối hợp với chính quyền và nhân dân nước bạn Lào cũng luôn được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn chú trọng và thực hiện với nhiều hình thức. Đặc biệt, thực hiện phong trào kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới Việt - Lào, Kỳ Sơn đã triển khai và đạt hiệu quả cao. Xã Nậm Cắn có 17 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Từ tháng 3/2014, trên địa bàn xã có bản Tiền Tiêu đã tổ chức kết nghĩa với bản Loọng Quặng, cụm bản Noọng Hét Tảy, huyện Noọng Hét.

Qua gần 1 năm kết nghĩa, 2 bản tổ chức giao ban hàng tháng nhằm trao đổi, tăng cường tinh thần đoàn kết. Đặc biệt, do điều kiện của người dân ở bản Loọng Quặng còn khó khăn hơn nên bản Tiền Tiêu đã có những hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực cho nhân dân bản bạn về giống ngô lai, lúa rẫy, khám chữa bệnh, cấp thuốc, trang bị loa, đài cho nhà văn hóa bản… Đồng chí Lầu Chìa Của, Bí thư Chi bộ bản Tiền Tiêu chia sẻ: “Bản có 163 hộ với 954 khẩu, với 100% đồng bào Mông. Từ khi kết nghĩa với bản Loọng Quặng, hai bản thống nhất với nhau đều có trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc; tố giác tội phạm qua biên giới, không xâm canh đất sản xuất. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự ổn định, xâm canh đất sản xuất không diễn ra, cuộc sống nhân dân 2 bên thanh bình, hiểu nhau hơn nhiều. Qua đó, xây dựng đường biên giới hữu nghị, ổn định, phát triển”. Trên địa bàn 11/11 xã biên giới của huyện Kỳ Sơn đều đã tổ chức ký kết nghĩa với các bản ở bên kia biên giới của nước bạn Lào.

Mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn có vị trí địa lý rất quan trọng, là phên dậu phía Tây của Tổ quốc. Do đó, bên cạnh tập trung xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thì phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, các lực lượng quân sự, công an nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới luôn là các mục tiêu song hành và được huyện đặt yêu cầu rất cao. Đây thực sự là nền tảng để Kỳ Sơn ổn định tình hình, từng bước thoát nghèo, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nhiều trang trại tổng hợp ở Kỳ Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều trang trại tổng hợp ở Kỳ Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển Nông nghiệp dựa vào “địa lợi”

Vượt dốc Noọng Dẻ cao vút, chúng tôi đến với bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, thăm trang trại nuôi bò kết hợp nuôi gà của đồng chí Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Trang trại tạo dựng trên lưng chừng đồi, không có nhiều mặt bằng nhưng có đến hơn 60 con bò đang được chăn thả và hàng trăm con gà, ngan nuôi đẻ, nuôi thịt. Đồng chí Moong Phò Ngọc cho biết: Trên diện tích nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ hơn 24 ha, tôi tập trung chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi gia cầm dưới tán rừng. Lúc đầu chỉ có 5 con bò, nhưng nhờ làm tốt công tác thú y phòng dịch nên tăng nhanh tổng đàn. Mỗi năm trang trại xuất bán 2 đợt, mỗi đợt hơn 10 con, thu nhập từ trang trại được hơn 200 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm kinh tế trang trại, đồng chí Ngọc còn tiên phong làm mô hình trồng ngô lai, trồng chuối hàng hóa để bà con học tập làm theo, thu nhập từ 2 loại cây này mỗi năm cũng được gần 100 triệu đồng.

Theo báo cáo tổng hợp, Kỳ Sơn hiện có 405 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó, kinh tế tổng hợp 109 mô hình, chăn nuôi 295 mô hình, trồng trọt 1 mô hình... Nhiều mô hình đã trở thành điểm để bà con dân bản học tập làm theo như mô hình nuôi ba ba, trồng măng tre điền trúc, nuôi cá của ông Lô Khắc Lợi ở bản Na, xã Hữu Lập; mô hình nông, lâm kết hợp của ông Lô Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ; hay những mô hình trồng gừng, nuôi bò vỗ béo của đồng bào Mông ở các xã vùng biên. Nhiệm kỳ này, trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, huyện Kỳ Sơn đã phá thế “loay hoay” trồng cây gì, nuôi con gì, khi trên địa bàn đã có được một bộ cây, con đã khẳng định hiệu quả kinh tế chủ lực mang tính chất đặc trưng, thích hợp với địa tầng thổ nhưỡng.

Đó là ở địa bàn vùng cao, vùng đồng bào Mông như các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn, Mường Típ... đẩy mạnh phát triển cây gừng ổn định diện tích 350 - 400 ha, cùng với đó phát triển bền vững cây chè tuyết shan, nuôi bò nhốt vỗ béo tại hộ. Đối với vùng có độ cao trung bình và vùng núi thấp, Kỳ Sơn duy trì diện tích ngô lai với trên 3.000 ha gồm các xã Chiêu Lưu, Hữu Lập, Hữu Kiệm, Tà Cạ, Keng Đu, Nậm Cắn... Ở vùng thấp trũng, thuận lợi nước tưới, huyện ổn định diện tích 300 ha lúa 2 vụ, 1.100 ha sản xuất lúa 1 vụ. Như vậy, dẫu rất khó khăn về địa hình, nhưng thực hiện Nghị quyết lần thứ XXI Đảng bộ huyện, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn Kỳ Sơn đã xác định rõ sơ đồ để sắp xếp, bố trí các loại cây đặc sản hàng hóa theo 3 tầng nấc khép kín từ vùng cao xuống vùng thấp. Nhờ những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi đã tạo cho Kỳ Sơn giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 84% đầu nhiệm kỳ xuống còn hơn 52%, thu nhập bình quân đầu người từ 4,8 triệu đồng, tăng lên 13,8 triệu đồng. Đồng chí Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở một số cây, con đã được khẳng định hiệu quả, huyện đang ổn định diện tích theo quy hoạch, đồng thời triển khai mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng hệ thống nhà máy chế biến như chế biến gừng, chè shan tuyết và quy hoạch các địa điểm tập kết thu mua ngô, lúa... để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Xuyên suốt nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn xác định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng là phải gắn kết giữa hiệu quả của hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Vì thế ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện uỷ quyết định ban hành Đề án “Tổ chức xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở”. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh công tác phát triển Đảng; nâng cao mặt bằng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp; qua đó kiện toàn hàng ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, giải pháp đưa ra tập trung vào vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Kỷ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, ngoài các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, Ban Tổ chức đã tham mưu cho BTV Huyện ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên kết với Trường Chính trị Nghệ An; Đại học Vinh; Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc bộ mở các lớp đào tạo trung cấp chính trị; các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp về chuyên ngành Luật, Kinh tế nông nghiệp, Thú y cho đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Với hình thức khoá học tại chức, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, ăn ở, vừa tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở kết hợp, vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn công việc”. Đối với công tác đào tạo nhận thức chính trị, năm 2014 vừa qua là năm thứ 8 liên tiếp, huyện Kỳ Sơn phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Nghệ An tổ chức các lớp học dành cho đối tượng công chức, trí thức và đối tượng nông thôn. Với trình độ trung cấp, tổ chức 2 khoá: khoá 2010 - 2011 đào tạo trung cấp thú y cho 70 cán bộ cấp xã, thôn, bản; khoá 2012 - 2013 đào tạo trung cấp nông nghiệp cho 50 cán bộ xã, sau đó tiến hành liên thông lên cao đẳng vào năm 2014. Với trình độ đại học, mở 2 khóa đào tạo Luật và Kinh tế nông nghiệp, với tổng số học viên 220 người, bắt đầu từ cuối năm 2012.

Đồng chí Vừ Bá Lỳ, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Huồi Tụ, chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Luật hệ tại chức vào nửa đầu năm 2015 phấn khởi cho biết: “Được sự động viên của các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền của huyện và xã, tôi mạnh dạn đăng ký theo học chuyên ngành Luật. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, khoá học còn đem đến những thay đổi về nề nếp công sở, tác phong làm việc chuyên nghiệp, phương pháp làm việc khoa học hơn và tốc độ xử lý công việc nhanh hơn, khối lượng nhiều hơn”. Xã Huồi Tụ là một trong những xã điểm của huyện về công tác xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt đây cũng là điểm Kỳ Sơn chọn đại hội điểm cấp cơ sở. Việc chủ động cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (12 đồng chí học đại học và 6 đồng chí học cao đẳng) không chỉ nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ mà còn tạo nguồn chuẩn bị cho đại hội sắp tới.

Một điểm nhấn khác trong công tác củng cố tổ chức đảng ở Kỳ Sơn trong nhiệm kỳ vừa qua là việc bổ nhiệm các cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã. Đây là chủ trương của Tỉnh uỷ và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, với 3 mục tiêu: nắm tình hình an ninh chính trị; hỗ trợ củng cố hệ thống chính trị cấp xã; tham mưu xoá đói, giảm nghèo. Thiếu tá Trần Hữu Phi, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn được bổ nhiệm về làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Cắn từ tháng 9/2013, cho biết: “Về công tác tại Đảng uỷ xã, ngoài việc tham mưu cho cấp ủy xây dựng các nghị quyết chuyên đề về quốc phòng an ninh, tôi còn chú trọng công tác đối ngoại với việc tham mưu xây dựng nghị quyết kết nghĩa giữa bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn với bản Loặng Quặng, xã Nọong Hét Tây, huyện Nọong Hét, tỉnh Bôlykhămxay của nước bạn Lào. Qua đó thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên, cùng nhau giữ vững trật tự vùng biên”.

Như vậy, công tác củng cố sức chiến đấu của tổ chức đảng và hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 2 điểm sáng nổi bật. Thứ nhất là tầm nhìn có tính cập nhật nhu cầu của nhiệm vụ chính trị thời đại: đó là yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chính trị ngày càng cao, đáp ứng tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện qua sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ - một chủ trương vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược lâu dài, chuẩn bị nguồn cán bộ dồi dào cho bước phát triển xa hơn. Thứ hai, công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng ở Kỳ Sơn đã có sự gắn kết, tương thích với tình hình chính trị của địa bàn, từ đó liên kết với các đơn vị, các ngành, các lực lượng khác để phát huy sức mạnh tổng hợp, phát triển đồng bộ quốc phòng an ninh - chính trị đối ngoại - kinh tế, xã hội.

Đồng chí Lầu Chông Vừ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: Những kết quả đạt được, huyện rút ra bài học sát thực, đó là giữ yên vùng biên giới, kết hợp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp đặc thù gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đó cũng là những vấn đề được Đảng bộ Kỳ Sơn đúc kết, tiếp tục đưa vào văn kiện chính trị nhiệm kỳ tới với mục tiêu xây dựng huyện biên giới vững về quốc phòng, an ninh, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Nhóm P.V

Bình yên biên cương, no ấm bản mường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO