Bình yên dải biên cương

19/11/2013 16:48

(Baonghean) - Trên điểm cực Tây xa xôi, heo hút của xứ Nghệ, hàng ngày những người lính vẫn quyết tâm bám trụ bản làng, giữ vững bình yên, ấm no cho miền biên cương Tổ quốc. Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, ngọn lửa tình quân dân càng thêm ấm áp, keo sơn...

Để Nậm Càn không còn ma túy

Từ Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), chúng tôi lên đường tìm về xã biên giới Nậm Càn trong một sáng đầy sương lạnh. Sau vài giờ đi xe với những con dốc, khúc cua thót tim, Đồn Biên phòng Nậm Càn sừng sững, hiên ngang hiện ra giữa mây mù, sương núi. Là một xã vùng xa, vùng sâu của huyện Kỳ Sơn, nơi có dân tộc Mông, Khơ mú, Thái sinh sống, những năm trước đây, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Cùng với nạn phỉ cướp bóc, thì khói độc cây thuốc phiện “ru ngủ” Nậm Càn qua hàng thập kỷ trong đói nghèo, lạc hậu. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ban ngành, đặc biệt là những người mang quân hàm xanh đã và đang làm cho Nậm Càn thay da đổi thịt, phát triển từng ngày. Giờ đây Nậm Càn đã có ánh điện sáng trưng, đường nhựa rộng mở, những cửa hàng, tiệm tạp hóa mọc san sát nhau, trẻ em tíu tít đến trường.

Đội sản xuất 1 – Đoàn KT – QP 4 hướng dẫn bà con bản Ka Dưới, xã Na Ngoi  trồng rau sạch.
Đội sản xuất 1 – Đoàn KT – QP 4 hướng dẫn bà con bản Ka Dưới, xã Na Ngoi trồng rau sạch.

Đồn Biên phòng Nậm Càn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 25 km đường biên giới Việt - Lào. Đây là khu vực thuộc địa hình núi non hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt nên công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm hết sức khó khăn. Thượng tá Phạm Hữu Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Càn cho hay: “Đảng ủy, chỉ huy đồn luôn coi trọng công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu của người lính biên phòng trong thời bình. Với tinh thần đó, chỉ huy đồn quán triệt đến từng cán bộ, chiến sỹ phải bám dân, bám bản, kết hợp công tác trinh sát, điều tra, xây dựng, mang bình yên, ấm no cho miền biên Tổ quốc”.

Vùng rừng núi vào mùa mưa bão, các đối tượng buôn bán ma túy hoạt động mạnh, vì vậy cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn nâng cao cảnh giác, duy trì nghiêm túc việc tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới. Đặc biệt các đối tượng này thường xuyên mang theo “hàng nóng”, các loại vũ khí như súng, lựu đạn, dao, kiếm… nên rất hung hãn, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị các lực lượng chức năng truy bắt. Khi xác định được đối tượng, nhất là tội phạm ma túy, các tổ, đội đánh án phải xây dựng phương án bắt tội phạm cụ thể, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.

Nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh, chủ động, dũng cảm tấn công tội phạm, từ năm 2010 đến nay, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã phá án, khởi tố hình sự 13 vụ với 13 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 17,02 gam hê-rô-in, 1 xe máy, 1 quả lựu đạn; phối hợp với các lực lượng địa phương xử lý 34 vụ với 34 đối tượng vi phạm hành chính như trộm cắp, đánh nhau, buôn bán vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã… thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 13 của UBND tỉnh về việc thu hồi vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương thu hồi 68 khẩu súng kíp tự chế và hơn 50 nòng súng các loại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Phạm Hữu Hà kể về những kỷ niệm, gian nan trong các cuộc truy bắt các đối tượng đầu sỏ, trong đường dây buôn bán ma túy, trong đó nổi bật có đối tượng Chang Văn Pin – một “thủ lĩnh” khét tiếng. Chang Văn Pin ở bản Ang, xã Xá Lượng, Tương Dương cầm đầu một đường dây ma túy rất lớn, hoạt động tinh vi, liều lĩnh. Dưới tay của Pin có hàng chục đàn em thân cận, sẵn sàng xả súng vào lực lượng chức năng khi bị bắt hay để giải thoát đồng bọn. Để bắt Pin và thuộc hạ của hắn, chỉ huy đồn đã tung hàng chục chiến sĩ tinh nhuệ, dũng cảm mai phục suốt ngày đêm.

Nhưng với kinh nghiệm già sỏi của một tay trùm ma túy, đối tượng thay đổi địa điểm và tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều lần Pin thoát khỏi vòng lưới bủa vây của lực lượng chức năng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chỉ huy trưởng đã quyết định thay đổi phương án tác chiến, tiếp tục dùng cơ sở bí mật bám sát các đối tượng liên quan đến hoạt động của Pin. Một ngày cuối tháng 4 năm 2013, nhận được tin báo, tổ đánh án đã vượt 20 km đường rừng đến bản Ang mật phục đối tượng. Khi Pin và các đệ tử đang chia nhỏ ma túy tại nhà, chuẩn bị mang đi tiêu thụ thì tổ đánh án đã bí mật áp sát, bắt gọn đối tượng, thu giữ 9,3 gam hê-rô-in và 1 quả lựu đạn mỏ vịt.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn Và Lìa Nênh không giấu được niềm vui: “Nhờ có các anh em chiến sỹ mà những năm qua, Nậm Càn ta không còn khói thuốc phiện nữa, nhà nhà lo làm ăn để có cái ăn, cái mặc, thóc lúa đầy bồ, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Thay mặt nhân dân bản ta cảm ơn anh em Đồn Biên phòng Nậm Càn nhiều lắm!”.

Giúp dân bản ấm no

Xã Na Ngoi nằm dưới chân núi Puxailaileng- ngọn núi cao nhất tỉnh quanh năm mây mờ bao phủ. Bao đời nay, cộng đồng người Mông, Khơ mú, Thái với tập tục canh tác lạc hậu, luôn thiếu ăn, đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Thực hiện chủ trương, chỉ thị của cấp trên, những người lính Cụ Hồ, thanh niên xung phong đã vượt rừng, băng suối vào tận những nơi thâm sơn cùng cốc để giữ gìn an ninh, giúp dân bản xây dựng kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Chè tuyết shan trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế vùng biên giới.
Chè tuyết shan trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế vùng biên giới.

Đường về Na Ngoi nay còn gập ghềnh, khó khăn, nhưng có một điều dễ nhận thấy là cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi sắc từng ngày. Hai bên đường đã có những tiệm tạp hóa, hàng quán với đầy đủ hàng hóa phục vụ đời sống của người dân. Những ngôi nhà sàn mới dựng san sát hai bên đường. Trong đôi mắt, nụ cười của người dân ánh lên niềm vui, sự phấn khởi. Ông Xồng Xái Xo - Phó Chủ tịch xã Na Ngoi vui vẻ khoe: “Xã mình giờ không còn cây thuốc phiện nữa mô, nhổ hết rồi, đốt hết rồi. Đất nương rẫy bây giờ để trồng lúa, trồng ngô, lấy lương thực nuôi lợn gà, trâu bò. Người dân có cái ăn, cái mặc nên không còn di cư qua Lào hay đi nơi khác nữa, vì thế an ninh trật tự vùng biên được giữ vững. Tất cả sự đổi thay này nhờ vào công sức của các chiến sĩ bộ đội biên phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 4, Tổng Đội 10 thanh niên xung phong xây dựng kinh tế (TNXP-XDKT) Tỉnh đoàn đấy”.

Cách đây dăm năm thôi, tỉ lệ hộ đói nghèo ở Na Ngoi còn trên 90%, lương thực bà con sản xuất chỉ đủ ăn trong 5-6 tháng/năm, còn lại phải vào rừng kiếm măng, củ sắn, củ mài cho qua bữa. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp với Tổng đội 10 nghiên cứu xây dựng mô hình đưa cây lúa nước hai vụ vào sản xuất. Tuy nhiên do tập quán canh tác nương rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức lâu đời của người dân nên các cán bộ, chiến sĩ phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, động viên người dân làm theo. Các chiến sĩ, đoàn viên thanh niên phối hợp với chính quyền địa phương mời bà con, già làng, trưởng bản ra tận ruộng để xem cách làm của bộ đội. Từ khâu cày ải, gieo giống lúa mới, làm cỏ bón phân đến khâu thu hoạch đều được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ. Mùa đầu bội thu, người dân đón từng hạt thóc vàng, bóng mẩy ai cũng vui mừng. Mùa tiếp mùa, diện tích cây lúa nước được bà con nhân rộng, lương thực đầy bồ, không còn chuyện đói giáp hạt như những năm trước.

Anh Phan Văn Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật thuộc Tổng đội 10 TNXP XDKT tỉnh cho hay: “Hậu quả của đói nghèo là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội ở các vùng biên như buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật, di cư, vượt biên bất hợp pháp. Khi mình lo ấm cái bụng cho bà con, kinh tế phát triển thì tệ nạn sẽ giảm dần, quốc phòng an ninh được giữ vững”. Không chỉ hướng dẫn kĩ thuật, trong những năm qua, Tổng đội 10 đã ươm trồng, cung cấp hàng triệu cây giống, vật nuôi cho người dân các bản làng thuộc xã Na Ngoi. Vì vậy người dân không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn vươn lên làm giàu, có nhà đến cả chục ha lúa nước, đàn trâu lên đến hàng chục con, lợn gà đầy chuồng. Anh Xồng Nhia Chống ở bản Ka Dưới vui mừng khoe: “Thấy bộ đội, thanh niên làm được thì mình cũng làm theo. Giờ nhà mình đã đủ cái ăn, không còn thiếu đói phải đi đốt rẫy hay di cư qua Lào như trước nữa. Nhờ có cán bộ, người dân trong bản làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình”.

Ngoài cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu thì cây chè tuyết shan, cây dong riềng, gừng… cũng được đưa vào trồng đại trà ở các xã vùng biên. Nhờ sự giúp sức, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm của Đoàn KT-QP 4, các xã đặc biệt khó khăn như Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ đang dần thay đổi. Đến mùa thu hoạch, người dân nườm nượp chở sản phẩm đến nhập cho doanh trại, cầm tiền về nhà sắm sanh, lo cho con cái học hànhh mà ai cũng vui mừng. “Nhà mình mỗi năm thu được khoảng 50-60 triệu đồng từ tiền trồng dong riềng và gừng. Năm nay được mùa, chắc tiền thu vào sẽ khá hơn. Bộ đội không chỉ giúp dân có cái ăn, cái mặc mà còn giúp dân bản làm giàu. Bây giờ nhà nào cũng sắm được xe máy, làm được nhà khang trang, mua được nhiều tiện nghi đắt tiền. Cái bụng của dân bản luôn ghi nhớ công ơn và cảm phục các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ lắm lắm!” – chị Lầu Y Hoa ở xã Na Ngoi vui vẻ khoe.

Triều Dương

Mới nhất
x
Bình yên dải biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO