Bỏ án tử hình với tội phạm tham nhũng: Vẫn còn tranh luận

26/08/2015 14:29

Một trong những điểm quan trọng trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận là quy định bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh.

Thảo luận về dự luật này tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, nhiều ĐBQH đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau quanh quy định hạn chế án tử hình
Các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau quanh quy định hạn chế án tử hình

Lo pháp luật giảm sức răn đe

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hội nghị nêu rõ, sau nhiều lần thảo luận xin ý kiến nhưng đến nay, quy định hạn chế hình phạt tử hình trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vẫn còn 3 luồng ý kiến, quan điểm khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành hoàn toàn. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham nhũng (tham ô, nhận hối lộ); phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Nhóm ý kiến thứ ba đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác, nhất là tội tham ô, nhận hối lộ, các tội phạm về kinh tế...

ĐB Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) góp ý, việc Bộ luật Hình sự lần này lược bỏ 7 tội danh chịu án tử hình là quan điểm xây dựng luật theo xu hướng tiến bộ của thế giới nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, một số tội danh vẫn cần giữ nguyên án tử hình để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tương tự, một số đại biểu khác băn khoăn, trong điều kiện tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng manh động, nhất là tội phạm tham nhũng gây nhức nhối dư luận như hiện nay thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều loại tội như dự luật có thể làm giảm sức răn đe của pháp luật, khiến tình hình tội phạm càng phức tạp hơn.

Một số đại biểu nhấn mạnh, nếu bỏ án tử hình với tội danh trong nhóm tội về tham nhũng không những không đáp ứng nguyện vọng ý chí người dân, càng khó đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng bỏ hình phạt tử hình với 7/22 tội là “hơi nhiều”, cần cân nhắc giữ lại một số tội vẫn phải chịu án tử hình để tăng sức răn đe, tùy theo tình hình tội phạm sau này mà từng bước giảm đi.

Trừng trị không hẳn là mục đích cuối cùng

Không đồng tình với những quan điểm nêu trên, ĐB Trần Văn Độ (đoàn An Giang - nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) phân tích, qua nghiên cứu đến nay chưa có công trình nào cho thấy cứ áp dụng hình phạt tử hình là giảm được tội phạm. “Nếu thực sự như thế thì tôi đồng tình ngay với việc phải quy định chặt án tử hình, nhưng từ thực tế công tác và qua việc nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi thấy sức răn đe của hình phạt tử hình không nhiều.

Khi xét xử, chúng tôi hỏi bị cáo “anh có nghĩ phạm tội này bị tử hình không?”, bị cáo trả lời “tức lên thì phạm tội chứ không nghĩ gì đến hình phạt”. Hỏi bị cáo buôn ma túy câu tương tự, bị cáo nói “đã trót buôn ma túy thì 100 gam cũng tử hình, 1 tạ cũng tử hình, như nhau thôi”. Như vậy có khi chính hình phạt tử hình còn dồn tội phạm vào chỗ nguy hiểm hơn, thậm chí không có đường lùi, chẳng hạn tội phạm bị kết án tử hình nếu trốn thoát thì lại tiếp tục phạm tội vì đằng nào bị bắt cũng bị tử hình”, ĐB Trần Văn Độ dẫn chứng.

Theo quan điểm của ĐB Trần Văn Độ, bỏ được càng nhiều tội phải chịu án tử hình so với quy định hiện nay thì càng tốt, càng thể hiện tính nhân văn bởi mục đích cuối cùng của xử lý hình sự hay bất cứ hình thức xử lý nào không phải là trừng trị mà là giáo dục cho người phạm tội quay lại con đường lương thiện và phòng ngừa tội phạm. “Đặc biệt với các tội phạm lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, tham ô từ trước đến nay xử lý được rất ít, hầu như chưa tử hình được ai nên có quy định tử hình thì cũng không hiệu quả.

Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng sau kết án rất ít. Tôi cho rằng tập trung vào truy thu, thu hồi được tài sản tham nhũng, để người phạm tội cơ hội nộp lại khoản tiền tham ô còn tốt hơn nhiều kết án tử hình”, nguyên Chánh án TAND Tối cao nói thêm.

Tương tự, ĐB Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Luật Hình sự phải nghiêm khắc nhưng “nếu được thì càng giảm án tử hình với nhiều loại tội càng tốt, càng nhân đạo. Nếu tử hình một người nào đó mà có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu cá nhân có mối quan hệ, liên quan đến con người đó, có khi còn phản tác dụng”, đại biểu này phân tích.

Theo An ninh thủ đô

Mới nhất

x
Bỏ án tử hình với tội phạm tham nhũng: Vẫn còn tranh luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO