Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa: Thí sinh bớt lo lắng

14/04/2015 09:31

(Baonghean) - Nhằm tạo thuận lợi cho việc dự thi cũng như quá trình ôn tập của thí sinh, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 13 đề thi minh họa và đáp án mẫu của 8 môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Hầu hết ý kiến cho rằng đề thi minh họa đã đáp ứng được tiêu chí phân hóa năng lực thí sinh.

>>Đề thi minh họa xem tại đây

Lớp 12A4 Trường THPT Cửa Lò 2 chỉ có 3 em đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhưng không vì thế mà các em thiếu đi sự quan tâm đối với bộ đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra. Ngay sau khi Bộ công bố đề thi minh họa, giáo viên trong trường đã phân tích và giải đề cho học sinh. Ở môn tiếng Anh, mô hình đề thi năm nay có cấu trúc khác với các kỳ thi trước với hai phần trắc nghiệm và tự luận. Học sinh vì thế cũng cần kiến thức tổng hợp đòi hỏi các kỹ năng viết, đọc, cách sử dụng từ, cụm từ và ngữ pháp thông thạo. Theo em Nguyễn Thị Giang, lớp trưởng, 1 trong 3 học sinh của lớp có dự định thi đại học thì: Đề thi năm nay với lực học trung bình ở lớp em là khá khó và khả năng các bạn làm được 5 điểm là không nhiều. Chúng em chỉ hy vọng sẽ có điểm ở các câu hỏi đơn giản thuộc các phần ngữ âm, chức năng giao tiếp. Phần tự luận thì bạn nào chắc mới có thể viết được. Cô giáo Bành Quỳnh Lan, giáo viên dạy Tiếng Anh, chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Trong ba môn thi bắt buộc thì Tiếng Anh là môn mà học sinh lo lắng nhất, đặc biệt là năm nay có thêm phần thi tự luận thay vì chỉ trắc nghiệm như trước đây. Để có thể làm bài thi tốt, chúng tôi phải tổ chức cho các em ôn tập lại toàn bộ kiến thức, học xong phần nào thì ra bài tập để các em thực hành luôn, chú trọng đến từng câu, từng chữ. Về phần luận thì chúng tôi luyện hàng ngày và còn ra bài tập ở nhà. Chúng tôi cũng sẽ chấm điểm kỹ càng để chỉ ra những “chỗ hổng” cho từng em, giúp học sinh tiến bộ từng ngày”.

Giờ ôn tập của học sinh Trường THPT Cửa Lò 2.
Giờ ôn tập của học sinh Trường THPT Cửa Lò 2.

Sau khi nghiên cứu kỹ đề Văn, cô giáo Nguyễn Thị Đào, giáo viên dạy Văn lớp 12A1, Trường THPT Cửa Lò 2 thừa nhận đề thi năm nay dài và có tính phân loại cao, do đó không dễ với phần lớn các thí sinh. Tuy nhiên, nếu nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh vẫn có thể “ăn điểm” ở một số phần như phần đọc hiểu và câu 1 của phần làm văn. Còn muốn có kết quả tốt để xét vào các trường đại học học sinh phải có kiến thức tổng hợp khá rộng cả trong sách giáo khoa và trong cuộc sống. Dù không dễ dàng với tất cả thí sinh nhưng đến thời điểm này cô khá lạc quan bởi so với các môn học khác, môn Văn là môn học có sự đổi mới sớm nhất trong cách ra đề. Vì vậy, không chỉ từ năm nay mà bắt đầu từ năm ngoái nhà trường đã chỉ đạo để giáo viên thay đổi trong cách dạy, cách truyền đạt theo hướng thay vì cô dạy trò chép, thụ động như trước đây mà dạy theo định hướng, buộc học sinh phải suy nghĩ.

Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), cho đến thời điểm này ngoài 2 học sinh xác định sẽ đi du học sau khi có kết quả tốt nghiệp thì còn lại gần 100% học sinh sẽ đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Cũng vì lẽ đó, nên sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia, điều mà học sinh quan tâm chính là phần câu hỏi khó để phân loại học sinh. Đã từng đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Toán, em Dương Tiến Đạt, học sinh lớp 12A1 nghiên cứu rất kỹ đề toán và các đề khác trong tổ hợp các đề môn Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, dù học lực khá tốt, em vẫn thừa nhận so với đề thi đại học các năm trước, đề thi năm nay “khó hơn nhiều” và muốn đạt được điểm tuyệt đối không phải là dễ. Đặc biệt, câu hỏi giải tích phẳng với sự xuất hiện kiến thức đường tròn bằng tiếp là một câu hỏi lạ, ít thấy trong các dạng đề trước đây nên khá nhiều em bất ngờ. Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Về cơ bản học lực của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều thuộc loại khá nên các em không lo lắng nhiều đến kết quả tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong các buổi họp chuyên môn và chào cờ đầu tuần chúng tôi vẫn yêu cầu các thầy cô giáo nhắc nhở học sinh không được chủ quan, chú trọng dạy thật kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa. Trong quá trình làm bài, bài nào dễ phải làm trước để dễ dàng kiếm điểm. Với bốn mức độ dễ, trung bình, khó và cực khó, nếu nắm chắc chương trình và làm bài có khoa học, học sinh chăm chỉ vẫn có thể đạt từ 7 điểm trở lên, dễ dàng được xét tuyển vào các trường đại học.

Chia sẻ về mô hình đề thi năm nay, thầy giáo Phan Bá Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 cho rằng: Đề thi năm nay đều có phổ đề rộng, có sự tiếp nối giữa các bậc học nên đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng quát. Đây cũng là điều dễ hiểu vì kỳ thi năm nay được tổ chức với hai mục đích rõ ràng nên đề phải phân hóa được năng lực học sinh. Cách ra đề như hiện nay cũng sẽ đem kỳ thi về với đúng bản chất thật, không còn hiện tượng học sinh thi tốt nghiệp thì đạt điểm cao, nhưng thi đại học chỉ có 2 - 3 điểm".

Như vậy, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đưa ra đề thi minh họa đã giải tỏa được thắc mắc nhiều năm nay của học sinh và giáo viên về một đề thi để lấy kết quả “2 trong 1”. Từ đó, các trường sẽ có những giải pháp cụ thể để củng cố kiến thức cho học sinh, định hướng cho học sinh cách học và làm bài sao cho hiệu quả. Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, nên mấy năm gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành cấu trúc đề thi. Tuy nhiên học sinh vẫn có thể tham khảo cách ra đề ở đề thi minh họa. Xu hướng của Bộ là ra đề thi để tăng cường đánh giá năng lực của học sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi yêu cầu ở hai mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60%, nâng cao là 40%. Ngoài ra, nhận xét chung đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 nên các em có thể tham khảo các đề thi này ở những năm trước.

Ngoài ra, vài năm trở lại đây, ở hầu hết các môn thi, đặc biệt là các môn xã hội như Văn, Sử, Địa đề thi chủ yếu được ra theo hướng mở, các môn tự nhiên cũng có nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, do đó, ngoài học trong sách vở học sinh cũng cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các sự kiện, các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới để có kiến thức tổng hợp và bao quát. Kinh nghiệm cũng cho thấy, hầu hết học sinh rất thích những câu hỏi này vì như vậy học sinh không quá nặng nề trong ôn tập, có cơ hội để phát huy chính kiến của mình. Cách ra đề này cũng nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của dư luận, phụ huynh và giáo viên. Hy vọng rằng với sự chuẩn bị và tâm thế tốt, học sinh cần bình tĩnh, tự tin để sẵn sàng cho giai đoạn “nước rút” sắp tới.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa: Thí sinh bớt lo lắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO