Bộ Giao thông giải trình việc lập trạm thu phí BOT dày đặc

22/05/2015 07:59

Đề cập về 96 trạm thu phí BOT đã và sắp hoạt động trên quốc lộ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính và có sự đồng thuận của các địa phương.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng ngày 20/5 cho biết, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ triển khai từ nay đến năm 2018. Trong đó, 83 trạm do Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh thực hiện.

Theo chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực cho hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai 68 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn.

Các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ được áp dụng hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: Đ.Loan
Các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ được áp dụng hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: Đ.Loan

Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, mang lại lợi ích cho người sử dụng như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp giảm 50% thời gian đi lại, giảm 30% chi phí.

Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh đã giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm 20% chi phí; quốc lộ 14 đoạn tỉnh Gia Lai mang lại lợi ích khoảng 244 tỷ đồng mỗi năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng; quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông mang lại khoảng 104 tỷ đồng mỗi năm, trong khi thu phí khoảng 79 tỷ đồng. Dự án cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn 70 km từ Trà Vinh đi Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Để thu hút đầu tư hạ tầng, nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Trường hợp các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường, Bộ Giao thông vận tải phải thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính từ khi lập dự án đầu tư và khảo sát hiện trường để lựa chọn vị trí phù hợp, theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Khi dự án hoàn thành, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT để nhà đầu tư tổ chức thực hiện. Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc thành lập các trạm thu phí BOT đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

Ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo chí phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý.

Trước đó, một số ý kiến phản ánh tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, như quốc lộ 14 đoạn qua Gia Lai dài gần 60 km có hai trạm thu phí ở các địa điểm là Km1610+800 và Km1667+470. Trong khi đó, Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa hai trạm trên một tuyến đường tối thiểu là 70 km.

Theo VOV

Mới nhất
x
Bộ Giao thông giải trình việc lập trạm thu phí BOT dày đặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO