Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi theo hướng toàn diện

(Baonghean) - Công tác thi hành Bộ luật Hình sự trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan tiến hành tố tụng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để hoạt động đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác điều tra, xử lý tội phạm, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, cần được bổ sung hoàn thiện. Chúng tôi xin trích một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh vào ngày 14/1/2013.

Về "tuổi chịu trách nhiệm hình sự"

Luật sư Nguyễn Trọng Điệp - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng: Một số quy định tại phần chung của Bộ luật Hình sự còn mâu thuẫn, chưa phù hợp với một số điều ở phần các tội phạm cụ thể, như: Điều 12 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS): "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm" (bất kỳ tội phạm nào được quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự). Nhưng tại Khoản 1, Điều 115 về tội giao cấu với trẻ em lại quy định "Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...". Như vậy, theo Khoản 1, Điều 115 quy định chủ thể phải là người "đã thành niên" nghĩa là đủ 18 tuổi trở lên, mâu thuẫn với Khoản 1, Điều 12 "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm", nghĩa là bất kỳ tội phạm nào được quy định trong phần các tội phạm, trong đó có cả tội giao cấu với trẻ em.

Bên cạnh đó, các quy định về người chưa thành niên phạm tội cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi áp dụng, không phát huy hiệu quả trong thực tiễn như chế định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội theo Khoản 2, Điều 69. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn TNHS, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ... Nhưng việc xác định như thế nào là gây hại không lớn thì không có văn bản nào hướng dẫn.

Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Điều 194 cần tách thành một số điều luật cụ thể.

(Trong ảnh: Đối tượng Vừ Tồng Chò cùng với tang vật bị bắt giữ trên địa bàn Quế Phong)

Cần xây dựng các điều luật độc lập tại một số tội ghép

Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) còn có nhiều tội danh quy định ghép các hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau vào cùng một điều luật (tội ghép), điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng xử lý tội phạm, trong việc định tội và định khung hình phạt, cá thể hóa TNHS trong trường hợp có đồng phạm, cũng như xác định các tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Ông Tôn Thiện Phương - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng: "Trong BLHS một số tội ghép mà các hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau cần tách ra thành các điều luật riêng biệt để tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý tội phạm. Đặc biệt là các tội: làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả (Điều 181); tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230)..."

Thống nhất với ý kiến nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng: Một số tội ghép cần tách thành từng hành vi cụ thể, điều luật riêng để phân hóa tội phạm, đảm bảo có nhận thức thống nhất và dễ áp dụng trong thực tiễn. Ví dụ cần sửa đổi, bổ sung Điều 194. Tách 4 hành vi tội phạm về ma túy tại điều này thành một số điều luật cụ thể. Bởi thực tế hành vi mua bán trái phép chất ma túy có tính chất nguy hiểm hơn hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, do đó xử lý cần phải khác nhau, vì vậy không nên quy định các hành vi này trong cùng một điều luật.

Khái niệm "đầu thú" và "tự thú"

Khái niệm "đầu thú" và "tự thú" chưa chặt chẽ dẫn đến việc áp dụng thi hành còn khó khăn. Ví dụ: Khoản 3, Điều 23 quy định về cách tính thời hiệu truy cứu TNHS như sau: "... Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian bỏ trốn không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra "tự thú" hoặc "bị bắt giữ". Theo văn bản hướng dẫn thì "tự thú" là việc người có hành vi phạm tội ra trình diện cơ quan chức năng khi hành vi phạm tội chưa bị phát giác, còn "đầu thú" là việc người có hành vi phạm tội ra trình diện cơ quan chức năng khi hành vi phạm tội đã bị người khác phát giác. Vì vậy, việc dùng thuật ngữ "tự thú" trong điều luật này là không phù hợp mà phải dùng thuật ngữ "đầu thú" mới chính xác, vì người có hành vi phạm tội đã có lệnh truy nã thì không thể gọi là "tự thú", vì lúc này hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi đó đã bị phát giác.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2000- 2011, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 24.530 vụ phạm pháp hình sự (trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 2.230 vụ), làm chết 3.405 người, bị thương 5.440 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 137 tỷ đồng. Công an đã khởi tố 19.835 vụ án hình sự, với 32.815 bị can (Án xâm phạm an ninh quốc gia 4 vụ/13 bị can; án xâm phạm trật tự xã hội 12.224 vụ/22.877 bị can; án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ 399 vụ/701 bị can; án ma túy 7029 vụ/9224 bị can). Trong đó có 1.142 bị can chưa thành niên, 27.853 bị can là nam, 2.812 bị can là nữ. Đã kết thúc điều tra 19.776 vụ/32.761 bị can, chuyển truy tố 19.169 vụ/31.508 bị can. Trong 11 năm, Tòa án đã xét xử 15.173 vụ, với 27.019 bị can.

Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

tin mới

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

(Baonghean.vn) - Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì? Luật Hình sự quy định như thế nào? Đó là vấn đề quan tâm của bà Trần Anh Nguyệt (Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An).