Bỏ phiếu tín nhiệm: Không nên để phạm vi quá rộng

04/06/2012 14:48

Bỏ phiếu tín nhiệm: Không nên để phạm vi quá rộng

Sáng 4/6, thảo luận về Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, các đại biểu nhất trí cao với việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, chỉ nên bỏ phiếu với các chức danh từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên.

Bỏ phiếu tín nhiệm: Không nên để phạm vi quá rộng

Việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu là một trong những nội dung đổi mới được các đại biểu nhất trí cao và cho rằng, đây chính là điểm để Quốc hội thể hiện tính thực quyền của một cơ quan dân biểu.

Đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình cho rằng, quy định về bỏ phiếu tín nhiệm không phải là nội dung mới, bởi luật đã quy định, nhưng nay đề án đưa vào và quyết tâm thực hiện thì đó là điểm mới cần hoan nghênh. Tuy nhiên, theo đại biểu Thường, việc đề án quy định bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu là tương đối rộng.

“Chúng ta cần thận trọng và có chọn lọc các chức danh để bỏ phiếu, không phải cứ chức danh nào Quốc hội bầu là bỏ phiếu”, đại biểu Thường nói.

Chung quan điểm, đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm là vô cùng quan trọng vì liên quan đến con người, công tác cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Theo đại biểu An, Quốc hội nên bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, lấy một lần, với chức danh từ bộ trưởng trở lên và tránh hình thức.

Đại biểu Phùng Văn Hùng – Cao Bằng cũng nhất trí, chỉ nên bỏ phiếu với các chức danh từ bộ trưởng trở lên. Tuy nhiên, ông không đồng ý với việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, mà chỉ bỏ phiếu khi nào cần thiết. Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội nên xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc này.

Đại biểu Vũ Trọng Kim – Quảng Ngãi đề nghị, Quốc hội chỉ nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 2 năm một lần, với hàm từ bộ trưởng và tương đương trở lên. Sau quá trình thực hiện điểm, Quốc hội sẽ rút kinh nghiệm và từ đó mở rộng ra các đối tượng khác. Đại biểu Kim đề nghị, Quốc hội cần khẩn trương cụ thể hóa quy trình này để có thể thực hiện được từ năm sau.

Nhất trí với việc bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Ngô Đức Mạnh – Bình Thuận đề nghị, cần xây dựng quy chế này thật cụ thể và khả thi, để Quốc hội có thể thể hiện được chính kiến của mình với những người do Quốc hội bầu. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hóa kiến nghị thêm, để quy định về bỏ phiếu tín nhiệm được khả thi, Đề án cần làm rõ mối quan hệ của cơ quan quản lý cán bộ trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, tránh nảy sinh những vấn đề phức tạp.

Tăng tính chủ động trong xây dựng luật

Theo đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh, cách làm luật của Quốc hội hiện nay còn rất thụ động, đặc biệt là trong việc xây dựng chương trình lập pháp. Theo ông, vai trò của Quốc hội là phải chủ động đề ra chương trình và đặc biệt, làm rõ đầu bài của từng đạo luật và giao cho cơ quan soạn thảo chuẩn bị theo hướng đó.

“Dường như chúng ta chưa có sự đối thoại giữa các đại biểu Quốc hội với Ban soạn thảo. Mỗi luật được trình, các đại biểu Quốc hội góp ý lần 1, tiếp đó lần 2 là góp ý quanh báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu đối thoại với Ủy ban thường vụ Quốc hội… Chúng ta phải xem lại quy trình làm luật”, đại biểu Lịch nói.



Đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá, Quốc hội ban hành rất nhiều luật nhưng chủ yếu đều do các bộ, ngành soạn thảo, sau đó các bộ, ngành này lại ban hành thông tư hướng dẫn… Như vậy có nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do đó, phải cân nhắc thay đổi một bước cách làm luật hiện nay.

“Theo tôi, chúng ta nên giảm thiểu tình trạng ban hành văn bản dưới luật, thay vào đó, nên tăng cường vai trò của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành các pháp lệnh, nghị quyết”, đại biểu Đương nói.

Đại biểu Đương cũng đề nghị, phải đổi mới sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và các ủy ban của Quốc hội hiện nay, tránh sự phối hợp một chiều. Các ủy ban phải đóng vai trò thẩm tra, phản biện, dung hòa được lợi ích chung trong quá trình xây dựng luật.

“Thường chúng ta có xu hướng chung là làm cả bộ luật, như vậy vừa phân tán nguồn lực, vừa kéo dài thời gian xây dựng luật. Nên chăng, chúng ta nên tăng cường sửa đổi một số điều thực sự bức xúc, còn những điều không thật cần thiết thì gác lại”, đại biểu Đương đề nghị.

Một hạn chế khác trong công tác lập pháp được nhiều đại biểu đề cập đó là việc chậm trễ trong khâu trình dự luật và việc triển khai thực thi luật.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hồng – Nghệ An, việc luật thông qua nhưng đi vào cuộc sống chậm chạp là do mất nhiều thời gian soạn thảo nghị định. Để khắc phục hạn chế này, ông đề nghị cần tăng cường đội ngũ đại biểu chuyên trách đông đảo hơn nữa, bởi họ là những chuyên gia giỏi về luật và nên để họ được tham gia mọi khâu từ khi chuẩn bị luật cho đến khi ra nghị định.

Đại biểu Phùng Đức Tiến – Hà Nam đề nghị, cơ quan soạn thảo cần đảm bảo xây dựng luật đúng tiến độ và gửi sớm cho các ủy ban, các đại biểu để nghiên cứu, đóng góp ý kiến, có như vậy luật ra đời mới sát thực và hiệu quả.

Không nên “cào bằng” thời gian thảo luận nghị trường cho mọi vấn đề

Nhận xét về việc thảo luận nghị trường, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, thời gian thảo luận hội trường còn dàn đều cho mọi dự án luật, dù luật đó đơn giản hay phức tạp… Theo ông, cần điều chỉnh lại hoạt động này cho phù hợp hơn theo hướng với những luật có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp mà Quốc hội thảo luận chưa hết ý kiến thì sẽ thảo luận tiếp.

Đại biểu Bùi Thị An cũng nhất trí đề nghị, khi thảo luận hội trường, với những nội dung quan trọng, Quốc hội có thể điều chỉnh linh hoạt kéo dài thời gian để các đại biểu thảo luận và đi đến chân lý cuối cùng.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch cũng đề nghị làm rõ, thảo luận tại hội trường là nơi để các đại biểu bình đẳng nói hay là diễn đàn để Quốc hội tranh luận, thảo luận về một vấn đề mà đất nước đang quan tâm? Nếu là để tranh luận, thảo luận, thì không thể cứ đến 5h chiều là Quốc hội kết thúc làm việc và các đại biểu nào còn ý kiến thì gửi văn bản.

“Nếu chúng ta xác định, khi đã là đại biểu Quốc hội, mỗi chúng ta là đại diện cử tri của cả nước chứ không phải của riêng địa phương nào thì cách thảo luận sẽ khác”, đại biểu Lịch nói.


Theo HNMO- H

Bỏ phiếu tín nhiệm: Không nên để phạm vi quá rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO