Bổ sung quy định vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để bảo vệ nhà báo

22/08/2015 14:50

Đại diện Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử đã đề nghị bổ sung quy định vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để bảo vệ các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp.

Thêm quy định để bảo vệ phóng viên, nhà báo

Chiều ngày 21/8/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì hội thảo “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: B.M
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: B.M

Tại Hội thảo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ đã tập trung góp ý rất nhiều ý kiến liên quan đến lĩnh vực TT&TT, trong đó có lĩnh vực báo chí.

Cụ thể, Điều 133 trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong khoản 1 của Điều 133 đã quy định những trường hợp phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm vì cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%, trong đó có trường hợp gây thương tích “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Đại diện Cục Báo chí và Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử đã đề nghị sửa đổi quy định nêu trên, bổ sung thêm trường hợp “Cản trở các hoạt động nghiệp vụ hợp pháp của nạn nhân” để bảo vệ các phóng viên, nhà báo.

Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay, khi có rất nhiều phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp, mà hoạt động báo chí không được coi là hoạt động công vụ.

Một quy định đáng chú ý khác trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có liên quan đến hoạt động thông tin báo chí cũng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đó là quy định tại Điều 166 – Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân: “Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 156, 157, 158, 159, 162, 163, 165 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt từ tù 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 3 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”.

Bổ sung nhiều tội danh liên quan đến viễn thông, CNTT

Cũng tại Hội thảo, đã có rất nhiều đề xuất bổ sung quy định vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) liên quan đến các lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, bưu chính.

Chẳng hạn, theo đại diện Ban Quản lý Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN), Điều 158, điểm d khoản 1 cần bổ sung tội “xâm phạm thông tin bí mật thuê bao điện thoại, Internet”.

Lý giải đề xuất bổ sung này, đại diện Ban Quản lý BMGF-VN cho rằng lâu nay có tình trạng lấy thông tin cá nhân cung cấp cho các đơn vị quảng cáo để gửi tin nhắn rác, spam. Nên bổ sung tội danh này vào Bộ luật Hình sự để tăng tính răn đe.

Cũng để tăng tính răn đe, đại diện Ban Quản lý BMGF-VN còn đề nghị bổ sung vào Điều 175, khoản 1 tội “chiếm đoạt, lưu giữ trái phép sim thuê bao cá nhân của người khác”, bởi hiện có tình trạng có người người sử dụng số đẹp, tự dưng bị chiếm đoạt mất do các tổ chức buôn bán sim đã can thiệp lấy mất, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Tình trạng này khá phổ biến.

Ở góc độ khác, đại diện cho Quỹ Viễn thông công ích nhận xét: “Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chủ yếu quan tâm tới các nội dung viễn thông, Internet, tần số, còn nội dung về bưu chính hơi ít. Cần bổ sung thêm quy định liên quan đến lĩnh vực bưu chính, chẳng hạn như các trường hợp sử dụng mạng bưu chính để vận chuyển chất nổ, ma túy gây hiệu quả nghiêm trọng thì xử lý thế nào; tấn công vào mạng bưu chính, các hệ thống bưu cục, trung tâm khai thác thì xử lý ra sao...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã đánh giá cao sự tích cực góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của các đơn vị trong Bộ TT&TT, đề nghị Vụ Pháp chế tiếp thu, tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ TT&TT bản tổng hợp ý kiến góp ý trong thời gian tới.

Theo Infonet

Bổ sung quy định vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để bảo vệ nhà báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO