Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến cử tri Nghệ An
(Baonghean.vn) - Trước kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp và chuyển ý kiến cử tri tỉnh Nghệ An tới Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề: “Đề nghị vấn đề có cơ chế đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế rác thải công nghệ cao; đồng thời phát động phong trào tái chế rác thải trong nhân dân”
Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trả lời như sau:
Nhà nước có chủ trương khuyến khích các hoạt động góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một số văn bản quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế chất thải như: Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; Quyết định số 1466/QĐ- TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Trên thực tế, tại một số địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng... đã tổ chức những hoạt động dưới nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức khóa học ngắn hạn để người dân bắt đầu nắm bắt được cách hành động bảo vệ môi trường theo 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải).
Có thể nói công tác tuyên truyền có ý nghĩa và mang lại hiệu quả rất lớn để cộng đồng có ý thức hơn đối với công tác quản lý chất thải nói chung và tái chế chất thải nói riêng. Tuy nhiên, công tác tổ chức các hoạt động này chưa được thường xuyên và liên tục.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Chương trình thúc đẩy giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn đến năm 2020, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2014.
Một trong các giải pháp để thực hiện Chương trình được đề xuất trong Dự thảo là giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực, cụ thể: xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn đối với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo xác định: xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn cấp tỉnh là một trong các nhiệm vụ ưu tiên đề xuất tại danh mục các dự án, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện Chương trình.
Với giải pháp và nhiệm vụ ưu tiên nêu trên, sau khi Dự thảo được Chính phủ phê duyệt là căn cứ để triển khai và thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải rắn rộng khắp trong các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trân trọng chuyển ý kiến trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường để cử tri và các tổ chức, cơ quan được biết.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An