Bộ Thương mại Mỹ gặp doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam

12/06/2013 21:01

Để có cơ sở đưa ra phán quyết về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã gặp các doanh nghiệp.

Chuyến thẩm tra tại Hà Nội, Nha Trang và Cà Mau của DOC kéo dài từ 10-16/6. Nửa tháng trước, cơ quan này công bố phán quyết sơ bộ chỉ dựa trên các số liệu thu thập được. Còn hiện nay DOC trực tiếp sang thẩm tra để đưa ra phán quyết cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 8 này và đây là việc làm nằm trong quy trình của DOC.

Theo DOC, giai đoạn từ 1/1 đến 31/12/2011, hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Quí và Nha Trang Seafoods có nhận được những khoản trợ cấp của Chính phủ. Trong đó, phía Minh Quí có biên độ trợ cấp sơ bộ là 5,08% và Nha Trang Seafoods là 7,05%, các công ty khác là 6,07%.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng đây là một sự áp đặt bất công, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm. Phán quyết sơ bộ của DOC dựa vào các báo cáo của Chính phủ Việt Nam về hàng loạt các chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với ngành xuất khẩu tôm. Từ đây, DOC cáo buộc, áp thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam.

"Hàng loạt vấn đề về chủ trương, chính sách trợ cấp cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đều được công bố với thế giới nhưng thực tế thì không phải vậy. Tôi khẳng định rằng bấy lâu nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận bất kỳ sự trợ cấp nào từ Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Quang khẳng định.

Cũng theo ông Quang, mới đây nhiều ngân hàng thương mại trong nước loan tin Nhà nước chủ trương hỗ trợ lãi suất 10% cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong khi doanh nghiệp trước giờ vay ở các ngân hàng thương mại chỉ với mức lãi suất tối đa 6-7%. "Vì sao lại công bố chủ trương ưu đãi lãi suất 10% cho doanh nghiệp trong khi chúng tôi vẫn đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều. Chính những chủ trương xa rời thực tế như vậy là căn cứ để DOC bắt chẹt các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam để đưa ra quyết định áp thuế chống trợ cấp mới đây", ông Quang cho biết thêm.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng nếu bị áp thuế chống trợ cấp hơn 6% sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo ông Hải, trên thực tế ngành tôm không hề được Nhà nước trợ cấp nhưng phải chịu thuế chống trợ cấp là bất công. Tuy nhiên, những cáo buộc mà DOC đưa ra đều dựa trên những báo cáo có thật của Chính phủ.

Theo lãnh đạo VASEP, những chủ trương, chính sách ưu đãi, trợ cấp cho ngành tôm thực chất chỉ tồn tại trên giấy chứ không có thực tế và không giúp ích gì cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm. "Tới đây VASEP sẽ làm việc trực tiếp với luật sư của phía nguyên đơn để khẳng định lại những cáo buộc là chưa hợp lý", ông Hải cho biết thêm.

Cũng theo VASEP, phán quyết sơ bộ của DOC ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ, tác động đến các giao dịch, mua bán giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Nghiêm trọng hơn, phán quyết vô lý này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn nông dân nuôi tôm cũng như công nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.


Theo (VnExpress) - P.H

Mới nhất
x
Bộ Thương mại Mỹ gặp doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO