Bộ trưởng Giáo dục: Cách dạy ngoại ngữ của Việt Nam không giống ai

11/06/2014 10:18

Mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ nhận được 19 câu hỏi, trong đó một nội dung liên quan Bộ Lao động. 18 câu tập trung 7 nhóm vấn đề: đào tạo, tuyển sinh, sinh viên thất nghiệp, quyết toán ngân sách giáo dục đại học, giáo dục đạo đức lối sống, thi tốt nghiệp THPT, đăng ký môn Lịch sử, đổi mới chương trình và SGK. Bộ đã trả lời bằng văn bản 11 đại biểu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: Nhật Minh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: Nhật Minh.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, đoàn Yên Bái thắc mắc vì sao chưa đổi mới chương trình Bộ đã đổi mới thi cử, coi đây là khâu đột phá?

Bộ trưởng Luận cho biết, thi cử, dạy và học có quan hệ với nhau. Khi thiết kế chương trình cần có nội dung, phương pháp, thi cử đồng bộ. Quá trình triển khai, có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Phương pháp dạy học trong nước đang lạc hậu, cần thay đổi. Nhưng khi ra nước ngoài, thi học bổng, học sinh vẫn có thể thích ứng. Vừa rồi Việt Nam tham gia đánh giá PISA, tổ chức trên cả nước gồm cả miền núi, nông thôn, do ban chấm thi nước ngoài chỉ định và kết quả được đánh giá là tốt.

Thay đổi thi cử sẽ không làm đột ngột, gây sốc cho học sinh. Thi tốt nghiệp vừa rồi đã có những thay đổi căn bản. Trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng. Từ một bài học sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị sang kiến thức công dân... Học sinh, phụ huynh, thầy cô đã hình dung cần thay đổi như thế nào, chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức sang dạy kỹ năng.

Trong từng giai đoạn, cần thiết kế nội dung trước, nhưng trong quá trình chỉ đạo có thể đổi mới thi trước. Bộ dùng thi cử làm khâu đột phá vì quá trình triển khai Nghị quyết 29 gồm hai khối công việc độc lập. Đó là xây dựng mới chương trình giáo dục phổ thông theo lối tiếp cận năng lực, trên cơ sở đó biên soạn SKG phù hợp chương trình, thiết kế cách dạy cách thi phù hợp với SGK đó.

Khối công việc thứ hai là với các thầy cô, học sinh hiện hành thì cũng phải thay đổi. Đây cũng là thời điểm để bồi dưỡng cho giáo viên đang còn lạ lẫm với cách dạy, thi phát triển năng lực.

Về đề án Ngoại ngữ, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng Bộ lại cho là môn thi tự chọn. Bộ trưởng Giáo dục cho hay, Bộ đã tổ chức khảo sát trên cả nước và thấy rằng cách dạy, học thi của Việt Nam không giống nước nào trên thế giới, học hết phổ thông cũng chưa nói, hiểu được. Giáo viên chưa đạt chuẩn, học sinh đi học trung tâm về phát âm chuẩn thì cô lại chê. Khi chưa thay đổi được thì trước mắt phải cân chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học để đúng hướng thì mới đẩy tăng tốc.

Trước đây, chúng ta nói thi Ngoại ngữ bắt buộc, nhưng không hoàn toàn, chỗ nào chưa học thì cho thay thế. Bộ đang tập trung đào tạo lại giáo viên, tiếp đó là sách giáo khoa, chương trình, cách dạy mới. Lúc đó chúng ta sẽ thi bắt buộc.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dù đã được rút khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội vào phút chót nhưng nhiều đại biểu vẫn đặt câu hỏi.

Theo VnExpress

Mới nhất
x
Bộ trưởng Giáo dục: Cách dạy ngoại ngữ của Việt Nam không giống ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO