Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cúm mùa
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vừa ký quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vừa ký quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân.
Theo hướng dẫn này, ca bệnh xác định nhiễm cúm mùa thường sốt trên 38 độ C, đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở…. Đồng thời, phải có xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy vi rút đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch hầu, dịch phế quản.
Trẻ 6 tháng – 8 tuổi, người già trên 65 tuổi nên được tiêm phòng cúm hằng năm
(Ảnh minh họa)
Tại VN, các vi-rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây nên, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt nướ bọt nhỏ bắn ra khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Bệnh nhân sau khi ra viện phải cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày tính từ khi khởi phát triệu chứng.
Bộ Y tế khuyến cáo, các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm như trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi… nên được tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm.Ngoài ra, có thể điều trị dự phòng (10 ngày) bằng thuốc kháng vi-rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh cúm.
Theo dân trí