Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng

13/10/2016 16:05

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh.

Theo đó, tháng 9/2016, số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại TP HCM tăng 13% so với tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm, có gần 4.000 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện. Mới đây, một số ổ bệnh trong các trường học đã xuất hiện tại quận 5, huyện Hóc Môn...

Cũng tại Hà Nội, tại khoa Nhi của Bệnh viện Xanh pôn, số bệnh nhi tăng 25% so với ngày thường, trong đó báo động nhất là bệnh tay chân miệng. Hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa, mỗi ngày bệnh viện Xanh Pôn ghi nhận từ 30 – 40 bệnh nhi vào khám, trong số đó chủ yếu là điều trị ngoại trú ở nhà.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh do virus gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn.  Ảnh: Songkhoe.vn
Bệnh tay - chân - miệng là bệnh do virus gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh do virus gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn. Virus thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7-10 ngày. Bệnh do virus đường ruột gây ra (EV). Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh tay chân miệng.

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với virus tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang virus. Virus thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm virus thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác.

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Theo kienthuc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO