Bóc mẽ công nghệ “cao” sản xuất rượu “rởm”

31/01/2012 17:20

Nếu trước đây, mánh khóe sản xuất rượu vang giả phổ biến tại Trung Quốc là sản xuất trong nước, dán mác hàng ngoại, thì ngày nay, chiêu thức làm giả đã đạt tới trình độ “cao thủ”.

Cùng với sự phát triển của công nghiệp sản xuất rượu vang quốc nội, một số hãng rượu vang Trung Quốc dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bởi chất lượng và giá thành phải chăng. Do vậy, khác với phương thức "sản xuất trong nước, dán mác ngoại" như trước kia, hiện nay, nhiều xưởng ngang nhiên nhái hàng trong nước bằng cách chế thêm cồn công nghiệp và các chất phụ gia độc hại, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, bội thu lợi nhuận.

Methanol chính là thành phần phụ gia được sử dụng nhiều nhất trong rượu giả.

Điển hình là vụ bê bối rượu vang Great Wall giả trong năm 2010 khiến thị trường tiêu dùng Trung Quốc bị "động đất" nặng. Khi tiết lộ với phóng viên của CCTV, một người quản lý bán hàng địa phương thừa nhận, trong số các loại rượu vang được sản xuất từ thành phố ven biển Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc, chỉ có 20% là nước nho lên men, nguyên liệu còn lại chủ yếu là nước đường pha trộn với hóa chất gồm chất tạo màu và hương liệu. Theo các chuyên gia y tế, loại rượu rởm chứa chất cồn công nghiệp và phụ gia rất hại cho sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí gây tử vong.

Ngoài rượu vang, những loại rượu nổi tiếng khác của Trung Quốc như Mao Đào, Ngũ Lương Dịch cũng bị làm nhái. Ba ổ sản xuất rượu rởm tập trung tại một thôn nhỏ thuộc quận Đại Hưng, Bắc Kinh vừa bị "đánh sập". Những “hang ổ” này đều kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”: không sản xuất thường nhật, chỉ dồn dập làm việc khi nhận được đơn đặt hàng của khách.

Theo điều tra, phương thức làm nhái của những cơ sở này rất tinh vi, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả. Trước tiên, các nhân công trong xưởng sẽ thu mua bao bì và vỏ chai giống loại xịn để đánh lừa thị giác khách hàng, sau đó tìm tòi những nguyên liệu chế biến có hương vị, khẩu vị tương tự như hàng thật rồi sản xuất. Phần lớn người tiêu dùng không phân biệt được khi nếm thử ngoài hàng.


Rượu Mao Đài cũng là sản phẩm thường xuyên bị làm nhái. Ảnh: Xinhua.
Để làm giả loại rượu Mao Đài lừng danh, các hang ổ này thường tận thu rượu trắng rẻ tiền như Vương Tử Mao Đài tại các xưởng sản xuất Mao Đài, rồi đem về chế lại. Chi phí sản xuất của một chai Mao Đài giả chỉ vào khoảng 100 NDT/chai (tương đương 330.000 đồng), nhưng khi xuất xưởng sẽ được độn lên mức 400 – 800 NDT/chai (tương đương 1.320.000 – 2.640.000 đồng). Những cửa hàng, quán bar, tiệm ăn sẽ căn cứ vào giá thành và nhu cầu thực tế để “thổi” giá lên thành 1.000 – 1.800 NDT/ chai (tương đương 3,3 triệu – 5,9 triệu đồng). Như vậy, từ sản xuất tới kinh doanh, mỗi khâu đều tận thu tới hơn 100% lợi nhuận.


Vỏ bình luôn là bài toán nan giải với giới kinh doanh rượu giả.
Ảnh: Gucheng.com.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong các công đoạn làm rượu giả, tìm loại bình rượu y chang sản phẩm chính hãng luôn là bài toán khó giải với các công xưởng. Thậm chí, nhiều chủ xưởng còn chịu chi tới mức đặt mua vỏ bình xịn để dễ bề che mắt người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, rất nhiều cửa hàng bán rượu, thuốc lá tại Bắc Kinh vẫn bán rượu kiêm bán vỏ chai. Một vỏ rượu Mao Đài loại thường có giá 50 NDT (tương đương 165.000 đồng), riêng loại rượu có tuổi đời 15 năm thì vỏ chai có mức giá “cắt cổ”: 400 NDT (tương đương 1,3 triệu đồng).


Theo: Dat Viet

Mới nhất
x
Bóc mẽ công nghệ “cao” sản xuất rượu “rởm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO