Bồi đắp tình hữu nghị Việt - Lào
(Baonghean) - Trường đại học vinh có số lượng lưu học sinh Lào đông nhất cả nước, trong những năm qua, Đoàn Trường xác định hoạt động tình nguyện quốc tế là điểm nhấn trong phong trào tình nguyện của tuổi trẻ. Từ đó làm cầu nối vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào…
Hiện nay, Trường Đại học Vinh có trên 400 lưu học sinh Lào đang theo học tại các khoa, ngành. Xác định giúp đỡ sinh viên Lào học tiếng Việt là hoạt động trọng tâm, thường xuyên của công tác Đoàn - Hội hàng năm, Đoàn trường đã thành lập Đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ lưu học sinh gồm những sinh viên có học lực giỏi, có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm để hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh học tập, tổ chức các phong trào hoạt động. Dưới chỉ đạo của Đoàn trường, Câu lạc bộ Hoa Chăm-pa của Liên chi đoàn khoa Kinh tế ra đời (2010), tạo điều kiện cho các lưu học sinh có cơ hội rèn luyện tiếng Việt tốt hơn, là nơi để sinh viên Lào - Việt Nam giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Tùy theo số lượng lưu học sinh đăng ký, nhóm tình nguyện sắp xếp thời gian và địa điểm để luân phiên củng cố kiến thức cho lưu học sinh.
"Ngoài vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, hình thành lối sống đẹp, sống có ích thì chính bản thân các tình nguyện viên lại thêm một lần được củng cố kiến thức, kỹ năng cho mình" - Nguyễn Minh Mỹ Linh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Chăm-pa chia sẻ. Ngoài dạy tiếng Việt, Đoàn trường còn tăng cường các hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi thiết thực, bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên trong trường và các bạn lưu học sinh. Điển hình như việc tổ chức đón Tết Bunpimay, tổ chức các cuộc thi “Cảm nhận Việt và ước mơ của tôi”; “Giọng hát hay lưu học sinh”; “Giao lưu văn hóa Việt – Lào”; “Ngày hội Hoa Chăm-pa”… "Sống xa gia đình, xa đất nước, bất đồng ngôn ngữ... là rào cản lớn, khiến không ít lưu học sinh rụt rè, ngại tiếp xúc, thụ động trong học tập. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các bạn sinh viên Việt Nam, lưu học sinh Lào đã tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập nhanh hơn với môi trường mới, tiếp thu bài vở nhanh hơn, học tập tiến bộ hơn …", Tuc La Văn, sinh viên năm thứ hai ngành Du lịch, đến từ tỉnh Xiêng Khoảng chia sẻ.
![]() |
Sinh viên Trường Đại học Vinh dạy tiếng Việt ở tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). |
Bên cạnh các hoạt động tình nguyện tại chỗ, từ năm 2012 đến nay, vào chiến dịch Hè tình nguyện, Đoàn trường đã thành lập đội tình nguyện quốc tế từ 25-30 tình nguyện viên (trong đó có cả lưu học sinh Lào đang học tập tại trường) tổ chức các chương trình hoạt động tình nguyện tại nước bạn Lào, trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Xiêng Khoảng. Chương trình tình nguyện gồm có nội dung như: giảng dạy tiếng Việt; tìm hiểu về truyền thống, lịch sử hai nước; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tư vấn, hỗ trợ cho học sinh Lào có nguyện vọng đăng ký học tập tại Trường Đại học Vinh và các trường đại học khác ở Nghệ An…
Nhận xét về hoạt động tình nguyện trên nước bạn Lào, TS. Nguyễn Anh Chương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh cho biết: Trong chiến dịch Hè tình nguyện năm 2014, đội sinh viên tình nguyện quốc tế Trường Đại học Vinh đã tổ chức được 17 lớp dạy tiếng Việt cho học sinh, người dân và cán bộ địa phương với hơn 650 học viên tham gia. Phần đông trong số đó là cán bộ đang công tác ở các huyện, xã giáp biên giới với Việt Nam, có nhu cầu học tiếng Việt để thuận lợi hơn trong quá trình làm việc.
Nhiều học sinh người Lào cũng lựa chọn tiếng Việt như là một ngoại ngữ để đăng ký học tập tại Việt Nam. Ngoài dạy tiếng Việt, đội sinh viên tình nguyện còn phối hợp với Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh Xiêng Khoảng và các địa phương tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho hơn 500 lượt học sinh trung học phổ thông tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các ngành nghề đào tạo, môi trường giáo dục, các điều kiện cần thiết để có thể đăng ký học tập tại Trường Đại học Vinh. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức và để lại nhiều ấn tượng sâu đậm đối với người dân Lào về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam thân thiện, gần gũi, yêu chuộng hòa bình. Đội tình nguyện còn tổ chức thi tìm hiểu quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào bằng cả 2 thứ tiếng, từ đó giúp học sinh và nhân dân 2 nước hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Tham gia tình nguyện trên đất bạn, mỗi tình nguyện viên đã kịp lưu giữ lại cho mình những kỷ niệm, những ấn tượng thật khó phai mờ, đó là cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng dạy tiếng Việt cho các em học sinh Lào, và hơn cả đó là tình cảm yêu mến, gắn bó thân thiết của học sinh và người dân Lào dành cho các tình nguyện viên. Hình ảnh những cô cậu học trò người Lào mới 6,7 tuổi theo chân người lớn lưu luyến tiễn "thầy, cô" sinh viên tình nguyện Việt Nam đến tận Cửa khẩu Nậm Cắn là những ký ức không thể nào quên. Trước khi chia tay, các thành viên trong đoàn tình nguyện người nào cũng được tặng những món quà đơn sơ nhưng vô cùng ý nghĩa như khèn, ô, váy áo truyền thống của người Lào…
Có thể nói, hoạt động tình nguyện quốc tế của sinh viên Trường Đại học Vinh trong những năm qua đã góp phần vun đắp mối tình hữu nghị gắn bó truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Lào nói chung, nhân dân Nghệ An với các tỉnh của Lào nói riêng. Đồng thời, góp phần khẳng định bản sắc của sinh viên Trường Đại học Vinh là: "Bản lĩnh, trí tuệ, văn minh, tình nguyện".
Bài, ảnh: Gia Huy