Bồi dưỡng chuyên đề “Tình hình kinh tế thế giới, ảnh hưởng và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam”

22/03/2011 17:24

Sáng nay 22/3, tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam) giới thiệu chuyên đề “Tình hình kinh tế thế giới, ảnh hưởng và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam”.

(Baonghean) - Sáng nay 22/3, tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam) giới thiệu chuyên đề “Tình hình kinh tế thế giới, ảnh hưởng và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam”.

Đồng chí Tô Hồng Hải (Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo), một số uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, cùng gần 200 cán bộ các cấp là tỉnh uỷ viên, lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các phó ban đảng Tỉnh uỷ, bí thư các đảng uỷ trực thuộc, bí thư và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, báo cáo viên Tỉnh uỷ và cán bộ, giáo viên Trường Chính trị tỉnh dự chuyên đề.


Đồng Chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên T.Ư Đảng giới thiệu chuyên đề.

Giảng viên đã chuyển tải cho người nghe hiểu được thực trạng, nguyên nhân kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động từ năm 2000 đến nay. Nhất là khủng hoảng tín dụng Mỹ năm 2007, tiếp đến là khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Năm 2010, tuy ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đã tạm lắng nhưng vẫn còn tiểm ẩn nhiều biến động, điển hình là khủng hoảng nợ công của Hi Lạp, các nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha và mới đây là khủng hoảng, xung đột ở Ai Cập, Ly Bi đang diễn ra. Nguyên nhân chính là nguồn tài nguyên cạn kiệt, chênh lệnh giàu nghèo, xung đột sắc tộc, tôn giáo thông qua “cách mạng hoa nhài” nhằm làm thay đổi chế độ vì lợi ích kinh tế của một số nước. Những khủng hoảng này không phải theo chu kỳ mà là khủng hoảng về cơ cấu.


Gần 200 cán bộ các cấp nghe chuyên đề kinh tế thế giới.

Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự khủng hoảng của hệ thống tài chính thế giới. Nhưng sau gia nhập WTO, nước ta trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế thế giới, nên phải chịu những hậu quả gián tiếp nặng nề từ suy thoái kinh tế. Mặc dù vậy, sau khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Năm 2010, các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra đều đạt, tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, ổn định vĩ mô. Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo hướng đó, chúng ta cần gắn các giải pháp ngắn hạn với trung và dài hạn, phối hợp đồng bộ giữa Trung ương với địa phương, giữa các vùng kinh tế. Phát triển kinh tế, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh; hài hoà với xã hội, bảo đảm dân chủ, công bằng, an ninh và an sinh; đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm khí thải, chống ô nhiễm vì một hành tinh xanh, nhằm đáp ứng mục tiêu pháp triển bền vững.


Phan Nguyễn

Bồi dưỡng chuyên đề “Tình hình kinh tế thế giới, ảnh hưởng và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO