Bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ ở Tương Dương
(Baonghean) - Thực hiện Đề án "đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ xã, thị trấn, khối bản giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo", huyện ủy Tương Dương có nhiều giải pháp bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ. Điều này tạo nên những chuyển biến tích cực về bình đẳng giới trong công tác cán bộ ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập cần quan tâm…
Đến nay, Huyện ủy Tương Dương đã hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2010 - 2015 và xây dựng xong quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ cấp xã đến huyện, theo đúng yêu cầu, quy định, đúng tiến độ. Quá trình đó, việc quy hoạch gắn với sử dụng cán bộ nữ được quan tâm, tạo nên phong trào thi đua “học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đối với phụ nữ các cấp.
Cán bộ nữ xã Tam Đình tham gia vào các chương trình công tác của xã. |
Xã Tam Đình có 52 cán bộ, công chức và cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể thì có tới 23 cán bộ nữ. Đây là một trong những xã có tỷ lệ cán bộ nữ cao thuộc tốp đầu của huyện. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng ủy xã có 8/16 người là nữ, chiếm tỷ lệ 50%. Qua đánh giá của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, hầu hết cán bộ nữ của xã, nhất là những đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt là những đồng chí nữ đảm nhận trách nhiệm ở một số tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ủy ban MTTQ xã đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các thôn bản.
Chuẩn bị cho nhiệm kỳ đại hội 2015- 2020, xã Tam Đình sớm hoàn thành quy hoạch cán bộ, trong đó, tiếp tục duy trì tỷ lệ cán bộ nữ trong BCH Đảng ủy xã và cơ cấu 4/7 đồng chí nữ vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Đồng chí Ngân Văn Bằng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Những năm qua, chị em cán bộ xã đã tích cực học tập, nâng cao trình độ và luôn ý thức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đảng ủy xã tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ có thể tiếp cận, tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ, bổ sung chuyên môn cũng như công tác Đảng. Trong cơ cấu nhiệm kỳ tới, các đồng chí nữ đều ở độ tuổi từ từ 29 đến 33 tuổi. Đây là độ tuổi thể hiện sự chín chắn của phụ nữ, họ có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ sau một thời gian gắn bó với địa phương…”.
Chị Vi Thị Vân, sinh năm 1982, hiện là Bí thư Đoàn thanh niên xã, là một trong những người được Đảng ủy xã Tam Quang quy hoạch vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nếu đạt số phiếu bầu, chị sẽ được phân công đảm nhận chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã theo quy hoạch. Chị Vân chia sẻ: “Bản thân tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vị trí hiện nay là Bí thư Đoàn xã, tôi cùng các đồng chí trong BCH phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, vận động thanh niên phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, góp phần cùng toàn xã giảm nghèo bền vững. Những năm qua, cùng với sự góp sức của thanh niên, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 65% xuống còn 52%. Chúng tôi luôn ý thức là phải phấn đấu hơn nữa để đưa kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Còn việc được Đảng ủy đưa vào quy hoạch Ban Thường vụ trong nhiệm kỳ tới đối với tôi là một vinh dự. Ở đó, có sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền nhưng cũng là trách nhiệm lớn mà bản thân tôi cũng như các đồng chí khác phải xác định rõ để hoàn thành tốt hơn… ”.
Qua rà soát của Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho thấy, tỷ lệ nữ cán bộ tính bình quân ở 18 xã, thị trên địa bàn huyện, hiện đạt tỷ lệ trên 30% (gấp 2 lần so với quy định), có những xã đạt gần 50%. Trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các xã, thị trấn cho nhiệm kỳ mới tăng so với nhiệm kỳ trước. Điển hình như ở Thị trấn Hòa Bình, quy hoạch 11 cán bộ nữ vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ tới, trong đó có 4 đồng chí quy hoạch vào Ban Thường vụ; Xã Tam Hợp, quy hoạch 8 đồng chí nữ (trên tổng số 30 cán bộ) vào Ban Chấp hành, trong đó có 3 đồng chí vào Ban Thường vụ…Về trình độ chuyên môn, có trên 65% cán bộ nữ đã tốt nghiệp đại học các hệ; trình độ lý luận chủ yếu là sơ cấp và trung cấp chính trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số cán bộ nữ đang bị hạn chế bởi thiên chức làm vợ, làm mẹ nên việc đầu tư cho học tập, nâng cao trình độ chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, khi xử lý một số sự vụ “nóng”, chị em chưa thực sự đảm đương được trước sức ép của công việc và dư luận.
Nếu xét về tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ các cấp, những năm qua, huyện Tương Dương luôn vượt so với yêu cầu. Thế nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác, tỷ lệ cán bộ nữ thuộc các dân tộc trên địa bàn còn có nhiều chênh lệch đáng quan tâm. Phân tích số liệu từ bản quy hoạch cán bộ các xã, thị nhiệm kỳ 2015-2020 trên địa bàn huyện cho thấy: Trong tổng số 69 cán bộ nữ nằm trong quy hoạch, có 55 người dân tộc Thái, 9 người dân tộc Kinh, 3 người dân tộc Khơ Mú, 1 người dân tộc Mông và 1 người dân tộc Tày Pọong. Điều này xuất phát từ thực tế về cơ cấu dân tộc sinh sống trên địa bàn. Xét về cơ cấu dân cư, người Thái ở Tương Dương chiếm tỷ lệ lớn nhất. Qua đó, cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của phụ nữ Thái trong cộng đồng; chị em đã hòa nhập tốt hơn với xã hội, dành nhiều thời gian hơn cho học tập, công tác. Còn bản thân chị em phụ nữ các dân tộc Mông, Khơ Mú, Tày Pọong, Ơ Đu trên địa bàn chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức, với họ, cuộc sống vẫn đang quẩn quanh với nương rẫy, con cái…
Khi bàn về sự chênh lệch trong tỷ lệ cán bộ nữ là người đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đồng chí Lương Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương băn khoăn: “Mặc dù không có quy định cụ thể về tỷ lệ cán bộ nữ các dân tộc trên một địa bàn, nhưng qua thực tế, đang đặt ra cho huyện những vấn đề cần giải quyết. Đó là phải tăng cường phát hiện, bồi dưỡng cán bộ (bao gồm cả nam và nữ) đồng bào một số dân tộc như: Mông, Khơ Mú, Tày Pọong, Ơ Đu. Cùng đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ tâm huyết với công việc của xã hội. Trước mắt là phải tăng cường công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực đối với đồng bào các dân tộc này…
Thời gian qua, để nâng cao trình độ cán bộ các cấp nói chung và cán bộ nữ nói riêng, Huyện ủy tích cực triển khai Đề án số 01-ĐA/HU (ngày 12/1/2011) về "Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ xã, thị trấn, khối bản giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo"; Trong đó, Huyện ủy chủ trì phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, mở 1 lớp Trung cấp Chính trị - Hành chính hệ tại chức học tại huyện, với 79 học viên; cử 20 cán bộ đi học Trung cấp Chính trị, hệ tập trung học tại Trường Chính trị tỉnh. Thế nhưng, trong các hoạt động đó, tỷ lệ cán bộ nữ thuộc đồng bào dân tộc ít người vẫn còn rất ít…”.
Sự chênh lệch về tỷ lệ cán bộ nữ đồng bào các dân tộc ở Tương Dương cũng chính là thực trạng ở nhiều huyện miền núi, vùng cao. Về lâu dài, việc tăng tỷ lệ cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ người đồng bào thuộc một số dân tộc ít người sẽ góp phần rất lớn trong giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở.
Nguyên Sơn