Bóng chuyền Nghệ An: trăn trở tìm hướng đi

11/03/2013 15:09

(Baonghean) - Bóng chuyền là môn thể thao phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Thế nhưng, ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, đội tuyển bóng chuyền Nghệ An chưa một lần được bước chân vào giải đấu các đội mạnh toàn quốc...

Khoảng từ năm 2000 đến nay, môn bóng chuyền phát triển rất mạnh và sâu rộng trên địa bàn Nghệ An. Từ thành phố đến đồng bằng, từ miền núi đến miền biển, từ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đến các thôn xóm, bản làng... hầu như ở đâu cũng có sân bóng chuyền và chiều chiều đều có người tham gia tập luyện, thi đấu.

Không chỉ có nam giới tham gia tập luyện như môn bóng đá và nhiều môn thể thao khác, bóng chuyền còn thu hút được rất đông chị em tham gia. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền của nữ giới mạnh không kém cánh mày râu, tiêu biểu như ở các huyện: Quỳ Hợp, Yên Thành, Tương Dương... Vào các dịp lễ, tết như ngày 8/3, 20/10, nhiều xã còn tổ chức các giải thi đấu bóng chuyền dành cho phụ nữ và đã thu hút nhiều đội bóng tham gia và đông đảo khán giả đến theo dõi, cổ vũ. Riêng ở Quỳ Hợp, hàng năm có Lễ hội văn hóa các dân tộc diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày thành lập huyện (19/4), thi đấu bóng chuyền là một trong những nội dung gần như không thể thiếu của chương trình và luôn thu hút được đông đảo khán giả theo dõi nhất.



Thi đấu tại Giải Bóng chuyền nông dân toàn tỉnh năm 2012.

Từ phong trào phát triển rầm rộ đó, khoảng 10 năm trở lại đây, các đội bóng chuyền đại diện cho Nghệ An tham gia các giải thể thao phong trào toàn quốc như: Giải bóng chuyền nông dân, Đại hội TDTT các dân tộc thiểu số, Hội khỏe Phù Đổng... đã mang về được nhiều thành tích đáng kể.

Điều đó tưởng như sẽ là động lực thúc đẩy và làm nền tảng cho bóng chuyền đỉnh cao Nghệ An phát triển, tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược. Những người yêu thích môn bóng chuyền xứ Nghệ chưa một lần được chứng kiến đội tuyển bóng chuyền nam hoặc nữ của Nghệ An tham gia tranh tài ở giải đấu cao nhất cả nước. Thậm chí sau một thời gian tồn tại, đội tuyển bóng chuyền nam của tỉnh đã bị giải tán từ năm 2006; đội tuyển bóng chuyền nữ từng tạo được dấu ấn khi liên tiếp 2 năm 2003 – 2004 lọt vào đến trận chung kết giải bóng chuyền A1 toàn quốc, nhưng cũng bị giải tán do một số vụ tai tiếng.

Quyết định giải tán cả hai đội bóng chuyền nam và nữ của Sở TDTT hồi đó khiến nhiều người tiếc nuối, bởi một thế hệ VĐV trẻ xứ Nghệ đang vừa bước vào độ chín bỗng trở nên bơ vơ. Một số cầu thủ chuyển sang thi đấu bóng chuyền bãi biển, vài người khăn gói ra đi tìm việc ở các đội bóng khác, một số phải xách ba lô về quê cày ruộng, thậm chí có trường hợp một nữ VĐV bóng chuyền phải lặng lẽ đi rửa bát thuê ở một quán ăn gần Trung tâm TDTT tỉnh để mưu sinh (về sau VĐV này được Trung tâm thể thao Thành Long TP. Hồ Chí Minh cảm thương hoàn cảnh đã mời vào thử việc). Thế rồi tất cả bị chìm vào quên lãng...

Mãi đến năm 2008, Sở VHTT&DL mới ra Quyết định cho Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh thành lập bộ môn bóng chuyền trở lại (nhưng hiện nay cũng chỉ mới có bóng chuyền nữ). Sau gần 3 năm tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện, tham gia các giải trẻ toàn quốc để cọ xát, từ năm 2010, đội bóng chuyền nữ của Nghệ An đã được thi đấu tại giải A1 toàn quốc, nhưng lần tham gia đầu tiên đó các VĐV trẻ của Nghệ An không thắng được trận nào và bị xếp cuối bảng. Năm 2011, các cầu thủ trẻ trưởng thành hơn và giành được vị trí thứ 8. Năm 2012, đội bóng chuyền Nghệ An với đa số cầu thủ còn non trẻ (người nhiều tuổi nhất sinh năm 1990, ít tuổi nhất sinh năm 2000) đã có sự tiến bộ mới khi vươn lên vị trí thứ 6 tại giải bóng chuyền A1 toàn quốc. Điểm sáng đáng chú ý nhất của bóng chuyền Nghệ An trong 2 năm qua là đã phát hiện và đạo tạo trưởng thành VĐV Lê Thị Kim Liên. Cầu thủ quê lúa Yên Thành này được đánh giá là một trong những Libero hay nhất Việt Nam hiện nay và đã từng được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu tại Giải bóng chuyền Đông Nam Á, giành HCĐ. Hiện nay Kim Liên đang là một trong những thành viên của Đội tuyển bóng chuyền quốc gia Việt Nam.

“Bóng chuyền Nghệ An rất có tiềm năng đấy, nhưng phải “có thực mới vực được đạo”, ông Đào Văn Tam – Giám đốc Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh tâm sự. Không giống như bóng đá, bóng chuyền cũng như tất cả các bộ môn thể thao khác ở Nghệ An hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí được tỉnh cấp. Mà ngân sách nhà nước thì rất hạn chế. Ở giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, kinh phí hoạt động mỗi năm cho một đội trung bình khoảng 10 tỷ đồng. Nếu đội bóng chuyền của chúng ta giành quyền tham gia giải đấu cao nhất quốc gia đó thì cũng không thể trụ lại nổi. Muốn bóng chuyền Nghệ An làm rạng danh quê hương được như bóng đá thì phải có một cơ chế khác, phải thu hút được nhiều kinh phí từ nguồn tài trợ, nâng cao thu nhập cho VĐV”.

Ông Dương Văn Minh – Trưởng bộ môn bóng chuyền của Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh, chia sẻ: “Hiện nay, thu nhập của VĐV quá thấp nên sau khi được đào tạo trưởng thành, một số em cống hiến ít năm rồi xin chuyển đi thi đấu cho đội bóng khác, đa số còn lại lấy chồng rồi cũng nghỉ thi đấu. Nếu có nguồn kinh phí dồi dào thì các VĐV có thể sống được bằng nghề nên sẽ gắn bó lâu dài hơn và chắc chắn bóng chuyền Nghệ An sẽ giành được nhiều thành tích cao hơn”.

Thế nhưng, ông Lô Trung Thành – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: “Trong đề án phát triển thể thao thành tích cao của Nghệ An đang chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt lần cuối, môn bóng chuyền không nằm trong kế hoạch tập trung đầu tư mũi nhọn. Do nguồn ngân sách nhà nước hạn chế nên chỉ tập trung mũi nhọn vào những môn thể thao thi đấu cá nhân để giảm bớt kinh phí. Đối với môn thể thao tập thể thì chúng ta đã có bóng đá. Tuy nhiên, Sở VHTT&DL cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện để môn bóng chuyền phát triển, nếu tìm được nhà tài trợ thì càng tốt, còn không thì phải chấp nhận phận con nhà nghèo phấn đấu được từng nào tốt từng đó”.


Hoàng Hảo

Mới nhất

x
Bóng chuyền Nghệ An: trăn trở tìm hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO