Bức thiết nhu cầu nhà trẻ, trường mầm non ở khu công nghiệp

14/08/2015 08:02

(Baonghean) - Hiện toàn tỉnh có 89.000 công nhân nữ làm việc tại các KCN, trong đó nữ công nhân có con nhỏ chiếm tới 20 - 30%. Dự báo, con số này đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay công nhân ở các khu công nghiệp không chỉ đang gặp khó khăn về nhà ở, mà còn khó vì thiếu nhà trẻ, thiếu nơi để con em của họ học tập...

Thực tế khó khăn...

Chị Đậu Thị Oanh quê An Hoà (Quỳnh Lưu) phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con.
Chị Đậu Thị Oanh quê An Hoà (Quỳnh Lưu) phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con.

Sau giờ tăng ca chiều, chị Nguyễn Thị Hoà, công nhân Công ty Minh Anh Kim Liên ở Khu công nghiệp Bắc Vinh mua vội gói thức ăn rồi tất bật về nhà với đứa con nhỏ mới gần 10 tháng tuổi đang được bà nội chăm giữ.... Chị Hòa chia sẻ, cả hai đứa con của chị đều đang nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cháu lớn 3 tuổi được gửi về quê ở Đô Lương để đi học mầm non, bởi quanh đây không có chỗ gửi trẻ, trường tư học phí cao, lương công nhân không kham nổi. Trong khi đó, từ mấy tháng nay, chị Đậu Thị Oanh (quê ở xã An Hoà, Quỳnh Lưu) phải chấp nhận xin nghỉ không lương để ở nhà trông con. Hai vợ chồng chị Oanh đều là công nhân Công ty may Minh Anh, mức lương chừng 3 triệu đồng/người/tháng, trong khi chỉ riêng tiền thuê trọ, điện nước, mỗi tháng đã xấp xỉ 1 triệu đồng, chưa kể các khoản sinh hoạt phí khác. Ông bà nội, ngoại đã già yếu, không thể vào Vinh trông cháu, không có thiền thuê người giúp việc và cũng không thể gửi con ở nhà trẻ tư vì học phí hàng tháng đã hơn 1 triệu đồng, nên hai vợ chồng buộc phải tính toán để chị Oanh nghỉ không lương, ở nhà trông con và chờ cho cháu lớn chút nữa mới tính chuyện gửi về quê cho cháu đi học... Anh Nguyễn Văn An, công nhân Công ty cổ phần Mỹ Nghệ cũng chia sẻ, đã đi nộp hồ sơ để con đi học mầm non nhưng nhà trường chỉ nhận con em có hộ khẩu trong xã sở tại, nên phải gửi con đi nhà trẻ ngoài nhưng học phí cao quá, trong khi thu nhập không ổn định, nên hai vợ chồng anh đang tính một người xin nghỉ, đưa con về quê để đảm bảo việc học cho cháu.

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ đi học mầm non của công nhân ở các khu công nghiệp rất lớn, trong khi các trường học trên địa bàn chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Tại xã Hưng Đông (TP. Vinh), nơi có Khu công nghiệp Bắc Vinh đóng trên địa bàn, mỗi năm, Trường Mầm non Hưng Đông chỉ đáp ứng được nhu cầu của 500 học sinh cả 2 độ tuổi theo học, trong đó chỉ có khoảng 15 - 20 cháu là con em công nhân lao động, bởi trường phải nhận đủ con em có hộ khẩu tại xã trước. Ở một số trường mầm non của các xã giáp với Khu công nghiệp Bắc Vinh và Nam Cấm như: Nghi Kim, Quán Bàu, Nghi Xá cũng đang tình trạng tương tự.

Bà Lê Thị Phương, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Vinh cho biết: “Vấn đề khó khăn hiện nay là nhu cầu ra lớp hàng năm của trẻ em trên địa bàn các phường, xã giáp khu công nghiệp rất lớn. Các trường mầm non của các phường xã này ưu tiên nhận các cháu có hộ khẩu ở địa phương trước, nên không còn đủ điều kiện để nhận thêm con em công nhân lao động ở các huyện khác nữa, hoặc cố gắng lắm cũng chỉ nhận thêm được rất ít trẻ”.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, có khoảng hơn 1.800 cháu bé dưới 36 tháng tuổi là con em công nhân các nhà máy, xí nghiệp, trong đó có 832 trẻ và trên 1.000 cháu khác phải xa bố mẹ. Tất cả các cháu đều có nhu cầu đến lớp mầm non, nhưng vì các điểm trường nơi nhà máy, xí nghiệp đứng chân không thể đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp chưa quan tâm

Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1657/UBND-TH ngày 26/3/2015 về “Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 404 đến năm 2020 và kế hoạch năm 2015”. Theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2020, Liên đoàn Lao độnh tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ dành quỹ phúc lợi, hỗ trợ kinh phí cho nữ công nhân lao động gửi con và hỗ trợ việc xây dựng, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục và các trường mầm non.

Chị Nguyễn Thị Hoà, công nhân Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên (KCN Bắc Vinh) phải gửi con lớn về ngoại và nhờ bà nội trông con thứ 2.
Chị Nguyễn Thị Hoà, công nhân Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên (KCN Bắc Vinh) phải gửi con lớn về ngoại và nhờ bà nội trông con thứ 2.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền và khảo sát nhu cầu từ phía người lao động. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trong chương trình phối hợp hàng năm với UBND tỉnh, Liên đoàn đã có kiến nghị đề xuất về quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhưng đến nay mới có một vài KCN có quy hoạch được hạng mục này. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực thi Luật Lao động tại các doanh nghiệp; đặc biệt chú trọng vận động các doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho lao động nữ có con nhỏ. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện chưa có doanh nghiệp nào xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân lao động với lý do thiếu quỹ đất, kinh phí đầu tư, chế độ cho giáo viên…

Bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết thêm, hầu hết công nhân có con nhỏ đều có nhu cầu gửi con để yên tâm làm việc, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa mấy quan tâm đến nhu cầu thiết yếu này. Hầu hết các doanh nghiệp mới có sự hỗ trợ cho công nhân về xăng xe, chỗ ở chứ rất ít có hỗ trợ cho công nhân có con nhỏ. Chỉ một số ít doanh nghiệp như Công ty TNHH bật lửa ga Trung Lai (KCN Nam Cấm) hỗ trợ cho công nhân lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ mẫu giáo và công nhân phải thuê trọ là 100 nghìn đồng/tháng/người. Công ty Haivina Kim Liên hỗ trợ cho công nhân có con nhỏ 200 nghìn đồng/người/tháng. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên (Khu CN Bắc Vinh) có hơn 1.000 lao động, 90% trong số đó là lao động nữ. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc công ty, cho biết, lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm gần 1/3, để hỗ trợ cho đối tượng này cần nguồn kinh phí khá lớn nên công ty chưa có điều kiện thực hiện; Công ty chỉ mới thực hiện hỗ trợ 160.000 đồng/tháng chi phí nhà ở cho công nhân”.

Toàn tỉnh đang có 89.000 công nhân nữ làm việc tại các KCN, trong đó nữ công nhân có con nhỏ chiếm tới 20 - 30%. Dự báo, con số này có xu hướng gia tăng hàng năm, đồng nghĩa với số con em công nhân ngày càng tăng lên, nhu cầu nhà trẻ cho con em công nhân sẽ ngày càng bức thiết. Bởi vậy, để công nhân lao động có nơi gửi con an toàn, để các cháu được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phát triển toàn diện rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và đặc biệt là sự chia sẻ, chung tay từ các doanh nghiệp. Có như vậy mới góp phần làm vơi bớt gánh nặng cho người lao động, tạo động lực để họ gắn bó và phát huy sức lực để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của chính các doanh nghiệp.

Điều 153, Bộ luật Lao động quy định: Nhà nước có kế hoạch tổ chức nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động; Tại Điều 154 nêu rõ trách nhiệm của những người sử dụng lao động ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho lao động nữ; Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” theo Quyết định số 404/QĐ TTg ngày 20/3/2014.

Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Bức thiết nhu cầu nhà trẻ, trường mầm non ở khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO