Bức thiết thiếu nguyên liệu của ngành mía đường

19/12/2017 09:36

(Baonghean) - Những năm qua, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đứng trước nhiều khó khăn về nguyên liệu, phải cạnh tranh với đường nhập lậu khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập người trồng mía giảm sút. Giải pháp thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu gắn ứng dụng công nghệ cao vào trồng, chăm sóc, thu mua mía đã được thực hiện, nhưng trong thực tiễn còn có sự bất cập.

Công ty Mía đường Nghệ An tổ chức thu mua mía cho người dân tại ruộng. Ảnh: P.V
Công ty Mía đường Nghệ An tổ chức thu mua mía cho người dân tại ruộng. Ảnh: P.V

Băn khoăn từ quy hoạch…

Nhằm tạo điều kiện cho 3 công ty mía đường gồm: Công ty mía đường Nghệ An (NASU), Công ty CP mía đường Sông Con, Công ty CP mía đường Sông Lam sản xuất ổn định, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã 3 lần phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu, giai đoạn 2013-2020.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch năm 2014, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động đến năm 2020 là 15.500 tấn/ngày thì diện tích quy hoạch trồng mía đứng đến năm 2020 là 30.348 ha. Trong đó NASU hơn 16.500 ha, Sông Con hơn 12.300 ha, Sông Lam 2.700 ha.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, do quy hoạch còn bất cập và chưa sát với thực tiễn nên các nhà máy khó mở rộng được diện tích và luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu. Ông Ngô Vân Tú - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Nghệ An cho biết, diện tích theo quy hoạch trồng mía trong quy hoạch của UBND tỉnh và diện tích thực tế đã trồng và có khả năng trồng mía có sự sai khá lớn. Lý do là do quy hoạch chồng chéo với các dự án cây trồng khác, nông dân tự chuyển đổi cây trồng. Chiếu theo quy hoạch của tỉnh thì năm 2017, công ty NASU còn thiếu 4.340 ha đất để trồng mía và đến năm 2020 thì vẫn còn thiếu 2.340 ha.

Với diện tích mía thực tế đến thời điểm này là 1.716 ha thì Công ty CP mía đường Sông Lam đang thiếu 984 ha đất trồng mía theo quy hoạch đến năm 2020. Đối với Công ty CP mía đường Sông Con, diện tích trồng mía thực tế đến thời điểm này mới chỉ đạt 6.909 ha và theo quy hoạch đến năm 2020 thì còn thiếu gần 5.400 ha.

Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc nông nghiệp Công ty CP mía đường Sông Lam cho hay, là đến năm 2020 rất khó đạt đủ diện tích theo như quy hoạch. Nguyên nhân ông Hòa đưa ra là do bất cập trong quy hoạch giữa các công ty mía đường với nhau, dẫn đến việc công ty khó mở rộng diện tích ở địa bàn Anh Sơn, Con Cuông.

Sản xuất chế biến đường trắng tại Công ty CP mía đường Sông Con. Ảnh: P.V
Sản xuất chế biến đường trắng tại Công ty CP mía đường Sông Con. Ảnh: P.V

Theo quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty CP mía đường Sông Lam chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Anh Sơn và Con Cuông. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã mở rộng diện tích trên địa bàn Anh Sơn được 1.209 ha và ở Con Cuông là 394 ha.

“Năm 2016, UBND tỉnh có chủ trương bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho Công ty mía đường Sông Lam ở các xã Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Lạng Sơn, Phúc Sơn… Nhưng chỉ một tuần sau, UBND tỉnh lại rút những diện tích này ra và giữ nguyên cho Công ty CP mía đường Sông Con. Trong khi, nếu tính quãng đường từ Công ty mía đường Sông Lam đến các vùng nguyên liệu này chỉ khoảng 16km, còn nếu đến Công ty CP mía đường Sông Con đóng ở huyện Tân Kỳ là hơn 40km. Quy hoạch như vậy theo chúng tôi là không phù hợp”, ông Hòa nêu ý kiến.

Quanh vấn đề này, trước đây, vào năm 2014, UBND huyện Anh Sơn và 8 xã trên địa bàn huyện có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cho phép lập quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu tại huyện Anh Sơn cho một nhà máy là Công ty CP mía đường Sông Lam, không đưa diện tích trồng mía của 8 xã vào vùng quy hoạch cho Công ty CP mía đường Sông Con để tránh tình trạng chèo kéo, tranh mua, tranh bán tại các vùng trồng mía, cũng như đáp ứng nguyên liệu cho Công ty CP mía đường Sông Lam. Tuy nhiên, đề xuất trên không được UBND tỉnh đồng ý.

…đến vấn đề cạnh tranh

Thực tế, do quy hoạch vùng mía nguyên liệu chưa thật sự phù hợp nên dẫn đến có tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa các nhà máy với nhau. Đề cập vấn đề này, ông Ngô Vân Tú - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Nghệ An (NASU) cho biết, mỗi vụ ép thì Công ty NASU bị các tư thương vào tranh mua từ 85.000-100.000 tấn mía khiến cho nguyên liệu để nhà máy hoạt động thiếu hụt nghiêm trọng, công suất chỉ đạt hơn 60%.

Điển hình vào ngày 13/12/2017, một tư thương là Đặng Thị Hoa vào mua 20 tấn mía của gia đình ông Ngô Văn Chung (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) và được biết là để bán cho nhà máy khác ở Tân Kỳ. Trong khi đó, hộ ông Chung đã được Công ty CP mía đường Nghệ An đã ký hợp đồng kinh tế cho vay hơn 24 triệu đồng đầu tư và thu hoạch mía. “Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện nhưng đều không được giải quyết”, ông Tú nói.

Phía Công ty CP mía đường Sông Lam cũng nêu là có diện tích trồng mía ít nhất, nhưng hầu như năm nào cũng bị tranh mua nguyên liệu khiến nhà máy không đủ nguyên liệu để hoạt động hết công suất. Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Nông nghiệp Công ty CP mía đường Sông Lam cho rằng, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm rồi.

Bị 2 công ty khác “tố” việc tranh mua nguyên liệu, ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sông Con không phủ nhận và cho rằng, cả 3 công ty đều tranh mua nguyên liệu mía của nhau chứ không chỉ riêng Công ty CP mía đường Sông Con. “Giờ mình nói theo khía cạnh nào cũng được, nhưng nó chủ yếu phát sinh ở các vùng xâm canh. Công ty NASU, Công ty CP mía đường Sông Lam cũng vào mua nguyên liệu trong vùng quy hoạch của Công ty mía đường Sông Con. 3 doanh nghiệp đều có tình trạng đó cả và tình trạng này xảy ra lâu rồi”, ông Quý cho biết.

Người dân xã Nghĩa Thịnh trồng mía giống KK3 chất lượng cao cho Công ty mía đường Nghệ An. Ảnh: P.V
Người dân xã Nghĩa Thịnh trồng mía giống KK3 chất lượng cao cho Công ty mía đường Nghệ An. Ảnh: P.V

Vào tháng 6/2017, tại hội nghị triển khai kế hoạch vụ ép 2017/2018 do Sở NN&PTNT tổ chức, vấn đề này cũng được các nhà máy nêu lên và đề nghị tỉnh, Sở NN&PTNT cần có giải pháp giúp quản lý vùng quy hoạch nguyên liệu mía và hạn chế tối đa việc tranh mua nguyên liệu. Thế nhưng, câu chuyện này vẫn chưa có lời giải bởi như ông Ngô Vân Tú nói, thì Sở NN&PTNT cho rằng chỉ giám sát quy hoạch, còn quản lý quy hoạch là do chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Trong khi đó, chính quyền cấp huyện thì không cam kết được về việc xảy ra tranh chấp nguyên liệu trong vùng đã quy hoạch.

Quản lý tốt quy hoạch gắn ứng dụng công nghệ cao

Trong khi các công ty mía đường đang phải cạnh tranh lẫn nhau, luôn thiếu nguyên liệu, thì một thách thức lớn khi vào năm 2018 Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định AFTA (ATIGA) nên việc xuất, nhập khẩu đường trong nội khối ASEAN sẽ bị cắt giảm, có thể xuống còn 5%. Khi đó, ngành mía đường sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Để ngành mía đường nói chung và các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đứng vững và phát triển, thì việc cần làm lúc này là phải giải được bài toán nguyên liệu.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích, các công ty mía đường cần tập trung nâng năng suất mía bằng cách đầu tư đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ đưa giống mới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đến đầu tư thâm canh cao trên những diện tích thuận lợi và đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Muốn vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp mía đường phải vào cuộc mạnh mẽ, nhất là đầu tư vùng sản xuất giống mía với các bộ giống cho năng suất cao, kháng sâu bệnh và sớm loại trừ bệnh chồi cỏ ở các vùng nguyên liệu. Các công ty mía đường cần nhập khẩu và chuyển giao một số giống có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh vào sản xuất như: LK92.11, KK3,...

Các công ty mía đường cần tiếp tục hỗ trợ người trồng mía đầu tư nhân rộng diện tích giống mới theo hướng công nghệ cao, thâm canh tổng hợp, nâng cấp đồng bộ thiết bị hiện đại; đầu tư sản xuất các sản phẩm sau đường để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm tăng giá thu mua mía cao hơn, giúp người trồng mía tăng thu nhập. Khi giá mía ổn định, người trồng mía có thu nhập cao thì chắc chắn vấn đề chặt cây mía, trồng các cây khác sẽ giảm. Từ đó, hoạt động sản xuất của nhà máy đường sẽ ổn định hơn./.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bức thiết thiếu nguyên liệu của ngành mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO