Bức thư cuối cùng

29/07/2013 09:24

Liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần sinh năm 1929, tại thôn Ngọc Khánh, xã Thanh Ngọc, Thanh Chương (Nghệ An). Năm 1950, Nguyễn Xuân Cần từ biệt quê hương, gia đình lên đường nhập ngũ, gia nhập đoàn quân Nam tiến, bôn ba khắp các ngả đường Khu 4. Hơn 21 năm, xông pha nơi đạn lửa, anh chỉ tranh thủ về thăm nhà duy nhất được 1 lần...

(Baonghean) - Liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần sinh năm 1929, tại thôn Ngọc Khánh, xã Thanh Ngọc, Thanh Chương (Nghệ An). Năm 1950, Nguyễn Xuân Cần từ biệt quê hương, gia đình lên đường nhập ngũ, gia nhập đoàn quân Nam tiến, bôn ba khắp các ngả đường Khu 4. Hơn 21 năm, xông pha nơi đạn lửa, anh chỉ tranh thủ về thăm nhà duy nhất được 1 lần...

Trong những tháng năm khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị, bên công sự hay dưới những hầm sâu còn vương khói súng, chiến sỹ Nguyễn Xuân Cần luôn tranh thủ thời gian để viết thư gửi về cho người thân, kể chuyện chiến trường và mơ một ngày toàn thắng, được đoàn tụ với gia đình. Nhưng, khi lá thư đến tay người nhận thì người viết đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Lá thư của liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần viết ngày 21/11/1971, gửi về cho anh trai trước lúc hy sinh khoảng 3 tháng. Bức thư dài 6 trang, viết trên giấy pơ-luya trắng ngả màu, mực cũng đã nhạt theo thời gian, nét chữ đều đặn, rắn rỏi nhưng cũng nhỏ xíu như để tiết kiệm từng cen-ti-mét giấy. Xuyên suốt bức thư là ngập tràn tình cảm, ý chí chiến đấu và lý tưởng sống cao đẹp của một chiến sỹ công an nơi địa đầu tuyến lửa Gio Linh, Quảng Trị.



Lời tâm niệm - di bút của liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần trưng bày tại phòng truyền thống huyện Thanh Chương.

Nguyễn Xuân Cần là con thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 8 người con. Biền biệt nơi chiến trận trong khi các em còn nhỏ dại, cha mẹ lại già yếu, người vợ trẻ mòn mỏi nơi quê nhà… tất cả những tình cảm ấy luôn canh cánh trong lòng người chiến sỹ trẻ.

Vì vậy, mở ở đầu bức thư là ngập tràn nỗi nhớ:

“Anh Lực vô vàn thương nhớ của em!
Lâu lắm, xa lắm, nhớ lắm!

Anh Lực của em ơi! Lâu lắm rồi, bấm đốt ngón tay đến nay đã 8,9 năm trời ròng rã em chưa được gặp lại anh chị và các cháu…”.

Gio Linh, Quảng Trị trong những năm chống Mỹ, có cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc, nên địch tập trung mọi lực lượng đánh phá ác liệt. Cuộc sống khó khăn, vừa phải mưu trí chiến đấu với kẻ thù ngày đêm rình rập, vừa phải đương đầu với bệnh tật, thiếu thốn, Nguyễn Xuân Cần vẫn kiên cường vượt qua, cố gắng công tác tốt và một lòng đau đáu lo cho cha mẹ nơi quê nhà: “Em thấy cha mẹ đã già yếu quá rồi, lại còn đau ốm, ăn uống thuốc men chẳng có gì, ở ta lại cứ mất mùa luôn, e cứ lo các em ở nhà nó cũng chưa quan tâm đúng mức, biết thế nhưng đành chịu”.

Cuộc sống gian khổ, khốc liệt nơi chiến trường cũng lần lượt hiện ra qua những dòng thư viết vội: “Năm 1969, em bị sốt rét ác tính sắp chết, phải nằm ở núi rừng Thừa Thiên hơn 6 tháng. Năm 1970, em đi ở khu về họp ở tỉnh Quảng Trị, lúc ra bị địch càn phải bám cùng bộ đội chiến đấu, sau đó còn bị biệt kích đột nhập vào chỗ ở, lương thực hư hỏng và mất mát phải sống nhờ rau rừng, nước suối hơn 1 tháng trời, mãi đến tháng 4/1971 mới về đến đơn vị được. Có bị sốt nhưng nay đã khỏi, chỉ bị suy nhược thần kinh, mộng thịt ở mắt nhưng em vẫn cố gắng công tác được, vì thiếu người quá anh ạ, em đi thì chẳng có ai thay thế, mấy năm qua bị hy sinh quá nhiều nên đào tạo không kịp để bổ sung…”. Ác liệt là vậy, tất cả vẫn không làm anh nản chí bởi chính tình yêu và trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc là động lực chắp cánh cho những người lính ra trận với một sức mạnh, nghị lực phi thường. Trong gian khổ, Nguyễn Xuân Cần vẫn lập nên những chiến công rất đáng tự hào.

Say mê công tác, Nguyễn Xuân Cần lạc quan tin tưởng vào một ngày toàn thắng không còn xa, anh viết: “Tất nhiên ngày toàn thắng không còn xa lắm, ta đã nắm chắc trong tay, đã sờ sau gáy giặc Mỹ, nhưng vẫn vô vàn ác liệt anh ạ”. Và đinh ninh lời hứa: “Em sẽ hoàn thành nhiệm vụ để cha mẹ, anh chị vui lòng, quyết xứng đáng là em của anh chị và để đền đáp công ơn cách mạng…”. Nói đến chiến tranh không thể không nói đến sự hy sinh mất mát. Nhưng tâm thế của Nguyễn Xuân Cần hết sức bình thản: “Em cũng chẳng ngại hy sinh vì em thấy biết bao gia đình đã cống hiến toàn bộ tính mạng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, riêng gia đình ta 2 cuộc chiến tranh chưa có ai bị sứt mẻ, bây giờ giả sử em có hy sinh thì…”. Trong di bút cuối cùng (hiện được lưu giữ và trưng bày tại Phòng Truyền thống huyện Thanh Chương), Nguyễn Xuân Cần vẫn tâm niệm: “Tổ quốc còn, tôi không còn cũng được/ Tổ quốc không, tôi có cũng bằng không”.

Trở lại thôn Ngọc Khánh, xã Thanh Ngọc, Thanh Chương vào một buổi chiều tháng 7, ran rát gió Lào, tôi gặp được bà Nguyễn Thị Tam, con dâu liệt sỹ và được bà cho xem những kỷ vật của Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Cần. Đó là rất nhiều huân huy chương cao quý các loại như: Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Chiến sỹ chiến thắng hạng Nhất,…

Bà Tam rưng rưng khi nâng niu chiếc lược nhỏ, bằng nhựa, màu đỏ. Bà bảo đó là kỷ vật mà liệt sỹ đã tặng cho mẹ chồng bà khi mẹ vượt dặm trường xa ngái, bất chấp hiểm nguy vào thăm chồng được một lần duy nhất ở Quảng Trị. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ bà được gặp chồng cho đến lúc ông hy sinh. Kỷ niệm vợ chồng ngoài đứa con trai duy nhất, 2 lần gặp nhau (một lần ông về, một lần bà vào thăm), một chiếc lược nhỏ và… dằng dặc nỗi nhớ. Mẹ đã chờ cha 21 năm 8 tháng, để rồi cha mãi mãi không về.

Năm 1972, với cương vị là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban an ninh huyện Gio Linh, Nguyễn Xuân Cần đã chỉ huy chiến dịch giải phóng huyện Gio Linh, nhưng trong cuộc chiến gay go, quyết liệt đó Nguyễn Xuân Cần bị thương nặng và anh dũng hy sinh ngày 1/4/1972 tại Quán Ngang, Quảng Trị. Ngày 6/6/1976, Nguyễn Xuân Cần được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi Nguyễn Xuân Cần hy sinh, bà ở vậy thờ chồng, nuôi con và nâng niu chiếc lược ông tặng như báu vật và vẫn tiếp tục đợi ông về…

Bà Tam kể, năm 1980, sau 8 năm ông mất, gia đình lặn lội vào Quảng Trị đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang huyện Thanh Chương. Bà con ở Gio Linh, Quảng Trị vì bịn rịn không muốn chia tay với người chiến sỹ quả cảm mà họ nhất mực yêu thương, đùm bọc, nên khi gia đình đưa hài cốt Nguyễn Xuân Cần về, bà con đã chôn một chiếc lược của anh vào chỗ cũ và dựng lại bia mộ khang trang để thờ. Hiện ở Nghĩa trang huyện Gio Linh, mộ anh vẫn được bà con thường xuyên hương khói.

Năm 2006, cả bà Nguyễn Thị Nhân và ông Nguyễn Xuân Quyền (vợ và con trai liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần) lần lượt qua đời, bà Tam lại thay mẹ chồng giữ gìn những kỷ vật của liệt sỹ cho con cháu…

Ngày 27/9/2010, ông Nguyễn Xuân Giát, em trai liệt sỹ đã trao tặng lại bản gốc bức thư cho Bảo tàng Nghệ An để trưng bày và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau!


Phan Thị Hà Long

Mới nhất
x
Bức thư cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO