(Baonghean) - Quãng canh ba, khi phố xá đang im lìm ngủ, chúng tôi đã làm cái việc “kỳ công” là vượt 20 cây số từ Thành phố Vinh đến làng Bùi Ngõa (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên) mong có được một cảm nhận ban mai thanh khiết, cổ kính ở một làng quê Nghệ An mà trong bán kính mấy trăm thước vuông có tới 3 di tích quý giá: đình (đền) Bùi Ngõa, chùa Bùi Ngõa và đền thờ danh nhân Đinh Bạt Tụy...
Mưng mửng sáng. Làng Bùi Ngõa vẫn còn cái ngái ngủ thôn mạc ngày vãn mùa. Tiếng chó sủa ranh rách dọc đường thôn thi thoảng lại được phụ họa tiếng gáy vớt vát lạc lõng của lũ gà trống choai. Bên trong những chái bếp cũ kỹ bắt đầu nhảy nhót ánh lửa. Khói bếp thơm mùi rơm rạ bảng lảng bay la đà trên rặng tre xanh thẫm cuối làng. Thảng hoặc mới có tiếng lách cách của xe đạp, hay từ đôi ba ngõ nhỏ liêu xiêu hiện ra bóng người làng quang gánh ra phiên chợ sớm. Vài cụ già chống gậy lạch cạch mở cánh cổng nhà, hiêng hiếng nhìn cái gã đầu rối bù, lỉnh kỉnh túi xách, máy ảnh là tôi; rồi trả lời tiếng chào bằng chất giọng quê nằng nặng khá đặc trưng ở đây.
Tôi cứ đinh ninh vào đầu thế kỷ 15, khi quan thái giám họ Phạm tước Mượu Lộc Hầu triều Trần xa lánh nhân tình biến cố Hồ Quý Ly chính biến, về đây khai khẩn chiêu dân lập nên các thôn Bùi, thôn Chu, thôn Thanh Phong, thì làng ấy cũng dường ngái ngủ thơm mùi rơm rạ, khói sương bảng lảng tre xanh giống như ở khoảnh khắc ban mai Bùi Ngõa bây dừ. Thần phả đền Bùi Ngõa và lưu truyền dân gian có dẫn: Mượu Lộc Hầu sau khi từ quan đem theo bổng lộc tích cóp được, từ kinh đô tìm về Hoan Châu và quyết định dừng chân tại mảnh đất này khai hoang, chiêu dân lập làng. Ông cho đào giếng, lập chợ, đào mương chủ động cho việc tưới tiêu đồng ruộng. Vùng Bùi Ngõa từ thủa ấy đã từ hoang vu dần trở thành một làng quê trù phú với những cánh đồng lúa xanh tươi, nhân dân tìm về đây lập nghiệp ngày càng đông đúc. Khi Mượu Lộc Hầu mất, nhân dân đã mai táng ông tại một vùng đất cao ráo, thoáng đãng giữa làng, dựng đền thờ tôn ông là Thành hoàng. Đền Bùi Ngõa được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1998...
![]() |
Một nét ban mai Bùi Ngõa.
Khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu nhảy nhót trên tán cây bồ đề cao lớn hàng trăm năm tuổi, thì như thường lệ, ông Nguyễn Trọng Vị - người đứng đầu Ban nghi lễ đền Bùi Ngõa - mới khẽ khàng mở cổng ngôi chùa nhỏ cuối làng, bàn soạn chiếu lễ. Chiêu một ấm trà xanh tiếp khách, ông nói: “Dạo này khách về lễ chùa hàng ngày đến sớm. Chúng tôi cũng phải ra sớm chuẩn bị cho bà con hành lễ có người còn kịp về buổi chợ!”. Chùa Bùi Ngõa vốn trước là một miếu thiêng dựng bên bờ sông Đào từ thế kỷ 13.
Đến thời nhà Nguyễn mới được dời về Bùi Ngõa tránh lũ cuốn hàng năm, đã thêm quy mô để trở thành ngôi chùa bề thế hàng trăm năm tuổi như bây giờ. Chùa nay tọa lạc trên diện tích tới 400m2, có các nhà thượng, hạ, trung đàn; thờ Phật tổ, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đức thánh Trần Quốc Tuấn và thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng với đền Bùi Ngõa, năm 1998 chùa Bùi Ngõa được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa. Chùa Bùi Ngõa nay đã thu hút khách hành hương cả nước về hành lễ. Trăm năm qua, nơi phụng thờ “tam giáo đồng nguyên” với tán cây bồ đề vượt lớn kỳ lạ trên đất Bùi Ngõa đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa tâm linh độc đáo ở đây. Chùa hướng chính Tây, trước mặt là cánh đồng lúa bát ngát, trầm mặc cuối thôn tạo nên nét yên ả, thuần hậu, nếp hương khói ngày một thiêng liêng, chu đáo.
Ông Nguyễn Trọng Vị cũng chính là vị trùm trưởng (chức danh được dân làng bầu hàng năm) hành lễ nghi ở đền Bùi Ngõa. Sau khi sắp đặt công việc cho các ông trong Ban hành lễ ở chùa xong, ông Vị dẫn chúng tôi lên đền. Đền Bùi Ngõa và phần mộ Mượu Lộc Hầu nằm trong một khuôn viên khá rộng. Có khách, đền rộn tiếng trẻ làng. Cũng tam quan, tắc môn, sân gạch la đà bóng cây chốn linh thiêng, tôi cảm như đền Bùi Ngõa là nơi chứng kiến gần như trọn những thăng trầm vùng quê nếp lề hàng trăm năm tuổi này.
Đền trước đây vốn có 3 tòa kiến trúc đẹp, chạm trổ nhiều họa tiết sắc sảo, nhân dân thường dùng làm nơi sinh hoạt làng xã. Trong kháng chiến chống Mỹ, 2 tòa trung và hạ điện bị hư hỏng, còn lại nhà thượng điện vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ thời Lê sơ và được tu sửa 2 lần vào thời Nguyễn. Sau này, 2 tòa trung, hạ điện cũng được tu sửa và trả lại cơ bản dáng vẻ ban đầu. Đền thờ Thành hoàng làng là Mượu Lộc Hầu, phối thờ thêm các vị Cao Sơn – Cao Các, Bạch Y công chúa nhà Trần là các vị có công giúp dân trừ nạn. Gần đền, hiện vẫn còn ngôi giếng cổ có tên là giếng Mượu, vẫn được người dân dùng làm nơi tắm giặt, hút nước về bể lọc để dùng sinh hoạt...
Cụ Nguyễn Bá Lam, sinh năm 1932, được cho là một trong hai người già nhất ở làng Bùi Ngõa hiện nay, cho biết, khi lên chín, mười tuổi, cụ đã theo cha khăn áo chỉnh tề lên lễ đền Bùi Ngõa. Đền xưa tịch mịch, là nơi nương tựa tinh thần của người dân thuần hậu làng Bùi Ngõa trước cách mạng ly tán chỉ còn hơn trăm nóc nhà. Khi đạo công giáo vào Bùi Ngõa vào thế kỷ 19, đền cũng chính là chốn tâm linh níu giữ lại nếp văn hóa làng xã truyền thống của một bộ phận người dân ở đây. Theo cụ Lam, tấm lòng kiên trinh 55 tuổi đảng, tinh thần Bộ đội Cụ Hồ đi chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến của cụ, một phần được rèn dũa từ truyền thống văn hóa, nếp làng thuần hậu yêu nước nơi đây...
Thượng điện đền Bùi Ngõa uy nghi chạm trổ họa tiết mặt hổ phù, tạc tượng tướng văn tướng võ, minh họa bằng đôi câu đối: “Tả hữu dung quang minh chính đại/Thượng thừa thánh ý đạt kỳ công”. Ủy viên ban hành lễ - ông Nguyễn Thanh Khiết kính cẩn dâng hương lên ban thờ thượng điện đền Bùi Ngõa, khấn xin: “Kính lạy... hôm nay ngày... có phóng viên Báo Nghệ An về thăm đền, xin được ghi hình sắc phong... các vị chứng giám!”; đoạn, ông Khiết nâng đĩa khất đài âm dương, dạ rõ to và phấn khởi nói: “Chỉ xin một lần là các vị đã đồng ý nhà báo ạ!”. 17 sắc phong qua các triều đại phong kiến ở đền Bùi Ngõa được bảo quản khá tốt trong chiếc hộp sơn son đặt trên hương án, long ngai thượng điện trang nghiêm, được coi là bảo vật của làng.
Ông Khiết cho biết, đền xưa nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa làng xã đậm truyền thống của người làng Bùi Ngõa. Hàng năm tại đền Bùi Ngõa có nhiều kỳ tế giỗ, nhưng đặc biệt nhất là ngày 1/11 âm lịch dân làng tụ tập về đền làm lễ bình chọn Ban lễ nghi bằng cách xóc âm dương. Trong Ban lễ nghi gồm 3 người được chọn, người đứng đầu gọi là “trùm trưởng” như ông Vị bây giờ; người thứ hai gọi là “từ đền” có nhiệm vụ trông coi đền miếu; người thứ ba gọi là “tả văn” có quyền hành lâu hơn, 3 năm mới thay một lần. Hàng năm, vào thời khắc đón Giao thừa Tết Nguyên đán và các kỳ giỗ tế, người làng Bùi Ngõa không kể lương – giáo đều tụ hội về đền để ôn lại công đức tiền nhân, răn dạy điều thiện cho con cháu, báo công lao động, học tập trong một năm, mừng thọ các cụ cao tuỏi trong làng... Và không biết tự bao giờ, đền Bùi Ngõa đã có ý nghĩa như một đình làng xưa trong nếp sinh hoạt văn hóa làng xã hiếm hoi còn được lưu giữ lại ở Nghệ An.
Trong khung cảnh có phần tách biệt với đời sống chộn rộn của những làng quê khác, ở Bùi Ngõa còn dễ bắt gặp những cong cong cổ kính kiến trúc nhà thờ họ tộc. Ở Bùi Ngõa có 2 dòng họ lớn là họ Đinh và họ Nguyễn, trừ những chi những phái gia nhập đạo công giáo, còn lại đều tích cực củng cố theo nếp lề gia đình, dòng tộc truyền thống. Nổi bật và cũng là quy mô nhất của kiến trúc cổ ở làng Bùi Ngõa là đền thờ Đinh Bạt Tụy – người con tiêu biểu của đất Bùi Khổng xưa (Hưng Trung nay). Sử ghi Đinh Bạt Tụy (1516 -1590) thi đỗ Tiến sỹ, là Binh bộ Thượng thư dưới triều Lê sơ, nổi tiếng là một vị danh tướng có tài cầm quân, giỏi an dân, khôi phục kinh tế như chiêu dân phiêu tán, lập làng, khai chợ, dựng chùa... Sau, ông mất khi đang xông pha trận mạc, thi hài ông được đưa về quê an táng. Triều đình nhà Lê đã cho lập đền thờ ông ở Bùi Ngõa.
Cựu chiến binh Đinh Bạt Tráng nay 67 tuổi, là hậu duệ đời thứ 17 của Thái bảo Khê Quận công, Thượng thư Đinh Bạt Tụy, nay được giao nhiệm vụ trực tiếp trông coi Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia – Đền thờ Đinh Bạt Tụy. Đền nằm đầu làng Bùi Ngõa, sát con đường liên hương với những lũy tre xanh, bóng đa tỏa mát thấp thoáng mái đền cổ kính rêu phong, tạo nên không gian đạm tính thôn dã hơn là vẻ uy nghiêm đền chùa miếu mạo. Đền là nơi phát tích Lễ hội “mừng công” ở Bùi Ngõa được tổ chức vào ngày giỗ Đinh Bạt Tụy (ngày 17/9 âm lịch) được Hội đồng gia tộc, Sở VH, TT &, DL cùng huyện, xã phối hợp tổ chức.
Ngày đó, con cháu họ Đinh và người làng Bùi Ngõa được vui mừng đón khách muôn nơi về chung vui lễ hội với các hoạt động văn hóa truyền thống, ôn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân... Hướng dẫn chúng tôi vào thắp hương lên ban thờ cụ Đinh Bạt Tụy xong, ông Tráng đãi khách bằng thứ bưởi thơm, ngọt hái ở khuôn viên đền. Theo ông thì dòng họ Đinh khởi phát từ cụ Đinh Bạt Tụy nay sống rải rác ở nhiều nơi trong cả nước, đã lập được nhiều chi họ riêng lớn mạnh nhưng đều một lòng hướng về tổ. Nối tiếp truyền thống đức ngài Đinh Bạt Tụy, lớp lớp con cháu sau này như Đinh Bạt Tuấn, Đinh Bạt Sỹ, Đinh Bạt Duật (nhóm nhân vật tiêu biểu trong cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn và Đặng Như Mai đề xướng năm Giáp Tuất 1874) đã góp phần tô thắm thêm trang sử oai hùng, làm rạng rỡ cho truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương. Ngày nay, con cháu họ Đinh ở Bùi Ngõa vẫn một nếp lề như thế, vươn lên lao động, học tập và đóng góp nhiệt tình cho quê hương, đất nước.
Trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Vị (70 tuổi) - con dâu út của cụ Đinh Bạt Soạn nguyên Chủ tịch lâm thời của 2 xã Hưng Trung và Hưng Yên trong Cách mạng tháng Tám, chúng tôi đã hiểu thêm về nếp sống thuần hậu gắn bó với quê hương, đất nước của người làng Bùi Ngõa. Cụ Soạn có 6 người con trai, đều tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ngôi nhà trăm năm tuổi của cụ để lại, nay đã xuống cấp, con cháu trở về đời thường đều lao động nghèo, chưa có điều kiện tu sửa... Ấy nhưng, bác cháu, anh em vẫn quây quần, coi ngôi nhà như hồn bóng cha ông để lại, giữ lấy nếp nhà thương yêu đùm bọc lấy nhau...
Theo Trưởng Ban Văn hóa xã Hưng Trung – anh Nguyễn Trung Thành, thì trong mấy trăm nóc nhà của làng Bùi Ngõa được phân bố trong 4 đơn vị hành chính gồm các xóm 5,6,7,8, thì còn lại một phần ít hơn là không gia nhập đạo công giáo. Nhưng chính ở bộ phận này, người dân đã bền bỉ lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị vật thể như đền, chùa Bùi Ngõa, cùng với Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đền thờ Đinh Bạt Tụy tạo nên một mạch nguồn văn hóa mà ngày nay thực sự đang được củng cố, lan tỏa trong nhân dân. Một điều đáng ghi nhận, trong các cộng đồng người dân làng Bùi Ngõa, cho đến nay tuyệt nhiên không có bóng tệ nạn xã hội, và cũng khó ở đâu có tình đoàn kết lương – giáo bền chặt, gắn bó tình làng nghĩa xóm như ở đây.
...Xa dần bóng tre, mái chùa cổ kính, bất chợt một tiếng ve ran cuối rặng duối già. Bùi Ngõa vẫn một nét mơ màng xưa cũ trong nắng chuyển mùa, dù đã nhiều lên những ngôi nhà cao tầng ngói mới, nhưng vẫn đó một vẻ khiêm nhường hóa tầng giá trị nếp lề mới hôm nay của các thế hệ con cháu làng Bùi Ngõa nỗ lực vươn lên góp phần khởi khắc vùng đất còn đó “dấu xưa, hồn cũ” trang ấp của Mượu Lộc Hầu.