Bùng phát bệnh đau mắt đỏ

17/09/2013 10:18

Thời tiết giao mùa, độ ẩm trong không khí cao, nắng mưa thất thường, là điều kiện thích hợp cho các dịch bệnh xuất hiện, nhất là dịch đau mắt đỏ. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện và bùng phát. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và nguy cơ trở thành dịch. Người dân cần thực hành vệ sinh tốt để phòng tránh...

(Baonghean) - Thời tiết giao mùa, độ ẩm trong không khí cao, nắng mưa thất thường, là điều kiện thích hợp cho các dịch bệnh xuất hiện, nhất là dịch đau mắt đỏ. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện và bùng phát. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và nguy cơ trở thành dịch. Người dân cần thực hành vệ sinh tốt để phòng tránh...

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An rất đông và phần lớn bệnh nhân đều bị đau mắt đỏ. Tại phòng chờ khám của khoa, chúng tôi gặp mẹ con chị Trần Lê Nhung, phường Hưng Bình (Thành phố Vinh), chị Nhung cho biết: “Con trai chị là cháu Thái Đình Anh Dũng bắt đầu có hiện tượng mắt cộm, ghèn nhiều, sưng đỏ và đau từ chiều tối ngày 15/9. Gia đình đã mua nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa cho cháu. Vẫn biết bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài khoảng hai tuần và đa số đều tự khỏi nhưng gia đình không chủ quan nên đã đưa cháu đến đây để được khám, điều trị và hướng dẫn vệ sinh cụ thể.”

Triệu chứng bệnh của cháu Dũng mới vừa bắt đầu và đang ở dạng nhẹ nên cháu đã được các bác sỹ cho về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú dài ngày vì bệnh nhân đến khám quá muộn hoặc tự ý dùng thuốc, chườm lá trầu, bạc hà hay các loại lá có tinh dầu… gây nên những biến chứng khác, có thể sẽ ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Đình Toàn, Phó Khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay: Dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện từ khoảng tháng 7 đến tháng 10. Song năm nay số bệnh nhân đông kỷ lục. Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, cao điểm có ngày khoa khám, điều trị đến 50 ca, bình thường cũng có tới 40 ca bị bệnh đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ cũng đã tấn công đến cả người lớn, nhiều gia đình bố mẹ và con cái cùng nhau đi khám vì đau mắt. Đa phần bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ đều chưa xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân đến khám khi thị lực bị giảm sút. Nguyên nhân là trước đó đã tự ý chữa đau mắt đỏ, để lại biến chứng là những chấm viêm lan tỏa nên bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ.”


Khám mắt cho bệnh nhân đau mắt đỏ ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tương tự như ở Bệnh viện Sản Nhi, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị ở Bệnh viện Mắt Nghệ An cũng rất lớn. Bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca khám, điều trị đau mắt đỏ. Đối tượng mắc bệnh khá đa dạng, có đủ từ nhân viên văn phòng, công nhân đến học sinh, sinh viên. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng…”

Về bản chất, bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virut hoặc phản ứng dị ứng. Trong trường hợp tạo thành dịch như hiện nay thì nguyên nhân chính là Adenovirus. Triệu chứng của đau mắt đỏ thường là đỏ một hoặc cả hai mắt; ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có cát ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt. Đau mắt đỏ làm cho người bệnh có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hoặc đôi khi có hạch.

Bệnh rất dễ lây lan theo cơ chế tiếp xúc với các chất tiết từ mắt, mũi, họng của bệnh nhân như: nước mắt, ghèn, nước mũi hoặc các hạt nước li ti khi bệnh nhân ho, hắt xì, nói chuyện… Bệnh có thể lây gián tiếp do dùng chung khăn, cùng sử dụng chai thuốc nhỏ mắt, nước hồ bơi chứa vi-rút gây bệnh hoặc lây qua các vật dụng như: tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vòi rửa tay nơi công cộng. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 4 - 10 ngày. Tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà biểu hiện lâm sàng nặng hay nhẹ. Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Việc đeo kính không thể ngăn ngừa lây lan cho người khác như nhiều người vẫn nghĩ mà chỉ bảo vệ mắt của người bệnh khỏi bụi khi đi đường.

Hiện chưa có thuốc diệt virut gây đau mắt đỏ. Thạc sỹ, bác sỹ Phan Đình Toàn, Phó Khoa Răng - Hàm – Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Để phòng ngừa bệnh, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác, rửa tay sạch trước và sau khi nhỏ mắt. Nếu mắt có ghèn nhiều nên chùi bằng bông gòn sạch.

Trong thời gian có dịch cần tránh tập trung chỗ đông người, tránh mật độ người đông trong một diện tích hẹp, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đối với phụ huynh, khi phát hiện con, cháu mình có các biểu hiện của đau mắt đỏ cần đưa các cháu đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, dùng đúng thuốc; rửa mắt Natri Clorid 0,9% cho các cháu và cho uống thêm vitamin C và ăn nhiều trái cây để tăng sức đề kháng. Đối với các nhà trẻ, khi phát hiện các cháu có biểu hiện đau mắt đỏ nên thông báo với phụ huynh và đề nghị cho các chú nghỉ ngơi tại nhà đến khi khỏi hẳn.


Bài, ảnh: Thiền Thanh

Mới nhất

x
Bùng phát bệnh đau mắt đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO