Bước đột phá của ngành dệt may

08/12/2014 07:06

(Baonghean) - Sau nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành dệt may đến nay được đánh giá là một trong những thế mạnh phát triển của Nghệ An, với 13 dự án nhà máy may đóng góp ấn tượng vào tốc độ tăng trưởng của công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…

(Baonghean) - Sau nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành dệt may đến nay được đánh giá là một trong những thế mạnh phát triển của Nghệ An, với 13 dự án nhà máy may đóng góp ấn tượng vào tốc độ tăng trưởng của công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…

Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Nghệ An mới chỉ đạt hơn 3,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,84% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (168 triệu USD); năm 2014, ước đạt 70 triệu USD chiếm tỷ trọng xấp xỷ 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Đây được coi là bước đột phá của lĩnh vực dệt may trong đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.

TIN LIÊN QUAN

Dây chuyền may công nghiệp của Công ty TNHH MLB TENERGY tại Yên Thành
Dây chuyền may công nghiệp của Công ty TNHH MLB TENERGY tại Yên Thành

Ông Phan Xuân Hợi – Giám đốc Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan – một trong những người gắn bó lâu năm với ngành dệt may chia sẻ: Năm 2010 xuất khẩu dệt may có sự tham gia của 3 doanh nghiệp là Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty TNHH Phú Vinh và Công ty Co may Halotexco (được tách ra từ Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan) với tổng số lao động hơn 1.000 người. Hàng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Philipines, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Ba Lan, Đức. Thời điểm đó, việc xuất khẩu vào các thị trường này phần lớn là qua tổng công ty hoặc bạn hàng trung gian nước ngoài. Trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp dệt may Nghệ An cũng lỗi thời, năng suất lao động thấp, chưa có bạn hàng nước ngoài truyền thống.

Phần lớn là gia công và gia công lại nên công tác thiết kế tạo mẫu mã kiểu dáng không được chú trọng đầu tư. Sản phẩm dệt may Nghệ An chưa có thương hiệu, danh tiếng lớn, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước cũng như ngoài nước yếu. Mặt khác, công tác maketing, các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước chưa được quan tâm, đội ngũ cán bộ làm công tác kinh doanh xuất, nhập khẩu có khả năng trực tiếp đàm phán và ký kết hợp đồng ngoại thương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong giai đoạn này năm cao nhất cũng chỉ đạt 3,9 triệu USD/năm (năm 2007 đạt 3,3 triệu USD, 2008 đạt 3,9 triệu USD, năm 2009 chỉ đạt 0,2 triệu USD và năm 2010 là 3,1 triệu USD).

Bước chuyển bắt đầu từ việc UBND tỉnh, Sở Công Thương xây dựng đề án định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015. Theo đề án này, một trong những quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, góp phần tăng trưởng GDP, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất. Dệt may vẫn giữ được vị trí quan trọng trong ngành hàng công nghiệp chế biến của Nghệ An nhằm phát huy lợi thế về nguồn lao động địa phương, tạo việc làm cho người lao động, đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu.

Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ cùng với việc phổ biến cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Chỉ sau một thời gian ngắn, dòng vốn nước ngoài đầu tư chảy mạnh vào Nghệ An trong lĩnh vực dệt may và hiện có 13 dự án dệt may đi vào hoạt động. Đó là Công ty TNHH Prex Vinh, đầu tư hơn 10 triệu USD, thu hút hơn 3.000 lao động trên địa bàn huyện Đô Lương; dự án may xuất khẩu của Công ty Seoha Brand Networks Inc - Hàn Quốc, đầu tư hơn 100 tỷ đồng tại cụm công nghiệp Diễn Tháp (Diễn Châu), công suất 10 triệu sản phẩm/năm; Dự án cụm công nghiệp dệt may của Công ty TNHH Haivina Kim Liên - một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hyunjin - Hàn Quốc, được xây dựng trên diện tích gần 5 ha, quy mô 3 xưởng sản xuất, rộng trên 3.000m2, dây chuyền sản xuất công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng, 100% vốn nước ngoài...

Bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã chọn Nghệ An làm điểm đến, như: Công ty TNHH may thêu xuất khẩu Khải Hoàn (huyện Anh Sơn); Dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex,… Các công ty dệt may trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, trong đó có 7 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp còn lại thực hiện việc gia công lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc thực hiện theo hợp đồng của công ty mẹ. Nếu như theo đề án phát triển dệt may, mục tiêu đến năm 2015 xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 16 - 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 5,3 - 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, thì đến nay, công nghiệp dệt may đã có cú lội ngược dòng. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2014 đạt gần 70 triệu USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Hàng được xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Đức, Ai Cập, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Điển hình như Công ty dệt may Hoàng Thị Loan, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đạt 18,2 triệu USD (kế hoạch là 16 triệu USD) xuất sang thị trường Ai Cập, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch năm 2015 dự kiến đạt 20 triệu USD. Hiện doanh nghiệp là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh và cũng là đơn vị chủ lực của Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex).

Đồng chí Phan Thanh Tịnh – Ủy viên BCH Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Trước làn sóng đầu tư vào ngành dệt may của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may trong nước, trong tỉnh buộc phải tổ chức lại sản xuất, tăng đầu tư đổi mới công nghệ áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm tăng cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã và chủng loại sản phẩm để cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị tiên tiến hơn. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực từ việc nâng cao tay nghề cho công nhân, công tác tạo mẫu thiết kế, cán bộ làm công tác maketting, xuất, nhập khẩu để đa dạng hóa phương thức kinh doanh từ việc chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chuyển dần sang thực hiện hợp đồng mua đứt bán đoạn để tăng kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận.

Nhiều công ty may đã tìm về và chọn Nghệ An làm điểm dừng chân. Không chỉ ở thành phố, nhiều dây chuyền may hiện đại đã có mặt tại Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu. Tại Yên Thành – vùng đất được biết là quê lúa, kinh tế chủ đạo của huyện là sản xuất nông nghiệp, thì năm 2012, công nghiệp đã bén duyên với người dân nơi đây khi Công ty TNHH MLB Tenergy bắt đầu tìm hiểu đầu tư xây dựng nhà máy (nhà máy thứ 2 của doanh nghiệp này xây dựng tại Việt Nam). Những ngày này về Nhà máy may công nghiệp của Công ty TNHH MLB Tenergy, không khí làm việc khẩn trương. Hiện nay công nhân đang tập trung sản xuất để hoàn tất đơn hàng xuất sang Nhật Bản trong đầu tháng 12 tới. Ông Joti Kitayama – Phó Giám đốc công ty cho biết: Khai trương vào tháng 10/2013, sau hơn 1 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay nhà máy đã bước đầu hoạt động ổn định. Năm 2014 đạt doanh thu hơn 34 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,6 triệu USD với sản phẩm may mặc các loại xuất sang thị trường Nhật Bản. Hiện công ty đã tạo việc làm cho 675 người với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

"Đầu tư sản xuất vào lĩnh vực dệt may đã có những đóng góp đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu gia tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, khi Việt Nam kết thúc đàm phán gia nhập hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành dệt may. Hy vọng, kim ngạch dệt may xuất khẩu trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ vượt xa 70 triệu USD". - đồng chí Phan Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Bước đột phá của ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO