Bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của TQ âm mưu độc chiếm Biển Đông

02/07/2014 09:15

(Baonghean) - LTS: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam; ngang ngược dùng tàu đâm hỏng tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam diễn ra đến nay đã tròn 2 tháng… Gần đây, Trung Quốc có bước đi mới hết sức nguy hiểm, là ấn hành bản đồ với đường lưỡi bò 10 đoạn bao chiếm gần hết Biển Đông đang làm cho dư luận hết sức lo ngại. Để nhận rõ âm mưu, ý đồ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Bộ Công an xung quanh vấn đề này (Video Clip đăng tải trên báo Nghệ An điện tử: baonghean.vn).

PV: Thưa Thiếu tướng! Thiếu tướng có thể khái quát những nét nổi bật nhất về những hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Kể từ khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, huy động tàu đâm vào tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đã có tàu của chúng ta bị chìm và hàng chục cán bộ kiểm ngư cũng như ngư dân bị thương. Không những thế, họ lại còn rêu rao lừa dối cả cộng đồng quốc tế và nhân dân Trung Quốc.

Có thể nói, từ nhiều năm nay Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam, song chưa bao giờ Trung Quốc lại dám liều lĩnh, hung hăng một cách trắng trợn bất chấp luật pháp, đạo lý như hiện nay. Nổi bật nhất trong tuần vừa rồi, đó là Trung Quốc đã cho xuất bản và công bố rộng rãi tấm bản đồ chủ quyền của họ trên đất liền và trên biển. Công khai hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, hay là “đường chữ u”, trước đây là 9 đoạn và nay là 10 đoạn đứt khúc bao chiếm gần hết Biển Đông; nhồi nhét vào đầu hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc rằng họ có chủ quyền vùng biển bao quanh đường lưỡi bò. Đó là bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc trong việc chuẩn bị cho âm mưu độc chiếm Biển Đông, là sự chuẩn bị cho hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc vào một cuộc tranh chấp phi lý của họ. Đó còn như là một mệnh lệnh bắt buộc hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc phải chấp hành.

Đã 65 năm nay, cộng đồng Quốc tế đặt câu hỏi với Trung Quốc căn cứ vào đâu để đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” thì không một học giả nào và quan chức nào của Trung Quốc trả lời được. Việc làm này trái với công ước Luật Biển quốc tế năm 1982, trái với Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông DOC, trái với 3 Tuyên bố chung mà lãnh đạo Trung Quốc đã ký với lãnh đạo Việt Nam từ năm 2011 đến nay.

Trung Quốc chuẩn bị những giàn khoan quy mô nhỏ hơn, hiệu quả hơn đang rập rình tác nghiệp ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, song xét trên bình diện về mặt pháp lý thì việc ấn hành và xuất bản tấm bản đồ mới là cực kỳ nguy hiểm, là bước leo thang mới trong thời gian gần đây của Trung Quốc.

PV: Qua những hành động của Trung Quốc, Thiếu tướng có thể cho bạn đọc biết âm mưu, ý đồ thực sự của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là một vấn đề lớn mà cả thế giới đang quan tâm trong 2 thập kỷ gần đây kể từ khi Trung Quốc có bước thành công về kinh tế. Một học giả Mỹ đã nói, khi kinh tế Trung Quốc trỗi dậy, mỗi bước tiến về kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy chủ nghĩa bành trướng phát triển. Tùy theo mức phát triển kinh tế mà những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ngày càng lấn tới. Ý đồ nhất quán của Trung Quốc là bằng mọi cách, bất chấp luật pháp quốc tế, đạo lý để sớm độc chiếm Biển Đông. Đó là âm mưu, ý đồ nhất quán không bao giờ thay đổi trong các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, từ thời ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho đến ông Tập Cận Bình hiện nay. Nguyên nhân Trung Quốc bằng mọi cách độc chiếm Biển Đông là có dầu mỏ, song nguyên nhân chủ yếu là địa chính trị chiến lược Biển Đông, nằm trong tham vọng bành trướng ra thế giới. Khi chiếm được Biển Đông thì 10 nước ASEAN sớm hay muộn đều nằm trong ảnh hưởng của họ và họ sẽ đẩy được Mỹ ra khỏi phía tây Thái Bình Dương, khống chế được cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Để độc chiếm Biển Đông, trong vòng 40 năm nay Trung Quốc đã phát động 2 cuộc hải chiến. Đó là cuộc hải chiến đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam và dân tộc Việt Nam mất toàn bộ Hoàng Sa trong cuộc hải chiến của Trung Quốc vào ngày 19/1/1974. Cuộc hải chiến lần thứ 2 là vào ngày 14/3/1978, trong một cuộc hải chiến 26 phút, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam 6 đảo chìm ở Trường Sa và là lần đầu tiên CHND Trung Hoa đặt chân đến Trường Sa. Sau 2 cuộc hải chiến này, Trung Quốc đã rút kinh nghiệm, thực hiện theo chiến lược không đánh mà thắng, không động binh, dùng lực lớn để áp đảo để lấn chiếm. Ví dụ như giàn khoan Hải Dương 981 hiện nay, mặc dầu ở tầng hầm tàu nào cũng có vũ khí cả và các tàu thực chất là tàu quân sự, thậm chí kể cả tàu đánh cá của Trung Quốc cũng là tàu quân sự, ngụy trang thành dân sự, vì thế việc cộng đồng quốc tế xử lý Trung Quốc trong vấn đề gây hấn ở Biển Đông hiện nay là việc hết sức khó khăn.

PV: Qua tất cả các việc làm của Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng, các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc nói chung, Thiếu tướng có nhận xét gì về hành động của các nhà lãnh đạo Trung Quốc?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề các học giả thế giới đang hết sức quan tâm. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc của tôi với các học giả thế giới và trong nước, tôi có một nhận xét chung thế này: Thứ nhất là lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ tôn trọng cam kết và lời nói của mình cả, hay nói cách khác là họ thường xuyên “nói một đường, làm một nẻo”. Họ là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, tại điều 2 của Hiến chương LHQ quy định rằng, tất cả các thành viên LHQ cấm không được đe dọa dùng vũ lực và trực tiếp dùng vũ lực trong mối quan hệ quốc tế, vậy mà Trung Quốc đã chà đạp lên. Họ đã ký là một thành viên của công ước chung về Luật biển Quốc tế năm 1982 và họ cũng từ bỏ. Họ đã ký vào tuyên bố ứng xử Biển Đông DOC, họ cũng từ bỏ. Từ năm 2011 đến nay, lãnh đạo Trung Quốc đã 3 lần ký Tuyên bố chung với Việt Nam, cụ thể là năm 2011 trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã ký Tuyên bố chung 6 điểm, trong đó ông Tập Cận Bình hứa và cam kết với Việt Nam là 2 bên sẽ tiếp tục tìm giải pháp hòa bình để giải quyết từng bước một tranh chấp ở Biển Đông và trong quá trình như vậy thì không được làm phức tạp thêm tình hình; tháng 6 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc cũng đã ký với ông Tập Cận Bình với một nội dung cơ bản tương tự như vậy; cuối năm 2013 vừa rồi, ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký tuyên bố chung với nội dung là cam kết tiếp tục tìm giải pháp ổn thỏa để giải quyết những bất đồng và tranh chấp ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình. Và thậm chí cuối năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận rất tích cực, đó là 2 bên thống nhất thành lập tổ thường trực công tác trên Biển Đông, thông báo cho nhau tình hình trên Biển Đông. Vậy mà các cam kết đều bị phá bỏ. Vì vậy, thế giới cần phải cảnh giác với cái gọi là: chủ trương của Trung Quốc là phát triển trong hòa bình.

Xâu chuỗi các hành động từ năm 1949 của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam đến nay, có thể nói quan hệ Việt - Trung làm gì còn “láng giềng hữu nghị”, làm gì còn “hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”; đâu còn “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Nên tôi nghĩ, hơn ai hết, những người Việt Nam, nhất là những người có trọng trách đối với đất nước phải hết sức tỉnh táo, nhìn nhận rõ bản chất của những người lãnh đạo Trung Quốc để có chính sách phù hợp, tạo ổn định, hữu nghị, hợp tác láng giềng để bảo vệ lợi ích quốc gia là tối thượng. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Việt Nam cần có hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển, nhưng hòa bình, hữu nghị, hợp tác phải trên cơ sở độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.

Bản đồ 10 đoạn phi lý của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt. Ảnh: internet
Bản đồ 10 đoạn phi lý của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt. Ảnh: internet

PV: Như vậy, chúng ta cần làm gì trước âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc? Liệu chúng ta có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và 90 triệu người dân Việt Nam. Từ xưa đến nay, các cuộc tranh chấp lãnh thổ biển đảo, thông thường người ta giải quyết qua 4 phương thức: phương thức đầu tiên mà phổ biến nhất là đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và hiện Việt Nam đang theo đuổi phương thức thứ nhất; khi phương thức này vẫn không giải quyết được thì chuyển sang phương thức thứ 2 là nhờ một bên trung gian hòa giải, tuy nhiên trong tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ không có bên thứ 3 hòa giải; phương thức thứ 3 là kéo nhau ra tòa án, phải dùng các trọng tài quốc tế giải quyết; cuối cùng là giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng, Việt Nam đang thực hiện phương thức thứ nhất một cách hiệu quả và cần tiếp tục phát huy nữa. Chúng ta cần tiếp tục phát huy lực lượng báo chí như vừa rồi, tiếp tục phát huy các tiếng nói của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, thông qua kênh ngoại giao nhân dân để cộng đồng quốc tế và nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật vấn đề, để họ ủng hộ ta. Tiếp tục đấu tranh qua con đường ngoại giao, hiện nay chúng ta mới có công hàm phản đối của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và khi cần thiết chúng ta cần có công hàm tuyên bố của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ gửi Trung Quốc để phản đối…

Trở lại vấn đề tại sao Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý mà không kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, trong khi Philippines lại làm. Chúng ta phải nhận rõ, Việt Nam khác Philippines. Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, có đường biên giới đất liền 1450 km, trong khi Philippines cách Trung Quốc 2.000 hải lý mặt nước biển. Thứ 2, lịch sử Việt Nam - Trung Quốc khác lịch sử Trung Quốc - Philippines. Philippines không có những chuyện lằng nhằng ân oán trong lịch sử với Trung Quốc như Việt Nam. Điều thứ 3, Philippines có đồng minh sau lưng là Mỹ, có Hiệp định an ninh Mỹ- Philippines ký năm 1951. Theo tôi, Việt Nam không từ bỏ chuyện kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, song cần chuẩn bị đầy đủ hơn và lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng ta khởi kiện.

PV: Thưa thiếu tướng! Hiện dư luận đang quan tâm là Việt Nam chúng ta đã chuẩn bị các kịch bản cho việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông chưa và thậm chí là chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất hay chưa?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam không phải là bất chợt, mà năm sáu chục năm nay họ luôn gây hấn với Việt Nam với bao sự kiện tầng tầng, lớp lớp. Vì vậy, tôi tin là lãnh đạo Việt Nam cũng không bất ngờ và cũng không nhẹ dạ, không cả tin họ được. Cho nên, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ này, chắc chắn mọi phương án chúng ta đều đặt ra hết, kể cả phương án xấu nhất. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Việt Nam không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, không bao giờ chủ động phát động cuộc chiến tranh với nước khác, trừ khi họ buộc chúng ta phải tự vệ thì chúng ta chắc chắn phải cầm vũ khí để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

PV (Thực hiện)

Mới nhất
x
Bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của TQ âm mưu độc chiếm Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO