Bước ngoặt cho vấn đề hạt nhân Iran?
(Baonghean) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa có cuộc gặp bất ngờ với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif để tiến hành các cuộc thảo luận mới về chương trình hạt nhân của Iran bên lề Hội nghị An ninh Munich, Đức. Còn theo Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini thì đàm phán hạt nhân đã đến giai đoạn quan trọng và đây chính là thời điểm cho một thỏa thuận cuối cùng.
Những động thái quan trọng này đang hé mở cánh cửa về một thỏa thuận cuối cùng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Vậy tại sao lại có những động thái này từ phương Tây? Liệu có bước ngoặt nào cho vấn đề hạt nhân Iran?
Một vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: PressTV |
Ngay sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Iran cho biết cuộc thảo luận rất nghiêm túc. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định ông và các đối tác đều nỗ lực để đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể, song cũng thừa nhận tồn tại sự nghi ngờ rất lớn giữa Iran và Mỹ. Ngoại trưởng Iran Zarif cũng cho rằng việc tiếp tục kéo dài thời hạn đàm phán hạt nhân là vô ích và không có lợi cho bất kỳ ai.
Có thể thấy, những bất đồng về vấn đề hạt nhân Iran kéo dài trong suốt thời gian qua đã khiến Mỹ và phương Tây cảm thấy sốt ruột. Việc Ngoại trưởng Mỹ dành thời gian gặp Ngoại trưởng Iran tới 2 lần tại Munich, Đức có thể coi là động thái bất ngờ song không phải mới lạ. Sau nhiều lần họp mà không có kết quả, liên tục trì hoãn các vòng đàm phán, vấn đề hạt nhân Iran trở thành một trong những vấn đề phức tạp kéo dài mà Mỹ và phương Tây đang vướng phải. Song, những diễn biến trên thế giới hiện nay có thể đã ngẫu nhiên trở thành yếu tố thúc đẩy Mỹ, phương Tây và Iran tìm cách giải quyết mâu thuẫn liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Đối với Mỹ và các nước châu Âu nằm trong nhóm P5+1 gồm Anh, Đức và Pháp, dường như cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến họ tốn nhiều công sức trong việc tìm ra phương án giải quyết. Chiến trường Ucraina còn trở thành cuộc “đọ sức” ngầm giữa Đông và Tây. Hơn nữa, Mỹ với các nước chủ chốt của EU như Đức và Pháp hiện vẫn còn tồn tại không ít những bất đồng liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Hàng loạt các chuyến công du của lãnh đạo và người đứng đầu ngành ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức đã được tiến hành. Song không phải vì thế mà vấn đề hạt nhân Iran bị gạt sang một bên. Lịch trình đàm phán vẫn được ấn định, những phát ngôn ngoại giao vẫn được đưa ra và các kênh liên lạc vẫn được duy trì. Quan trọng hơn, đó là các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây vẫn còn áp dụng đối với Nhà nước Hồi giáo Iran.
Việc thúc đẩy đàm phán hạt nhân Iran còn xuất phát từ phía chính quyền Mỹ. Trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ 2 của mình, khả năng Tổng thống Obama muốn tạo ra một dấu ấn ngoại giao quan trọng có thể ghi điểm trong mắt người dân Mỹ, tạo lợi thế cho chính Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Một yếu tố nữa khiến phương Tây không thể không chú ý đến vai trò của Iran, đó là trong bối cảnh phương Tây đang “đấu” với Nga tại Đông Âu, Iran lại cho thấy xu hướng nước này liên minh với Nga để đối phó với phương Tây. Đây rõ ràng là điều mà phương Tây không hề muốn. Trong khi đó, Iran đang ngày càng có ảnh hưởng tại Trung Đông, có quan hệ tốt với Iraq, và có thể có đóng góp hữu ích cho cuộc chiến chống IS của Liên minh quốc tế hiện nay.
Về phần mình, Iran cũng đang tranh thủ sự “bận bịu” của phương Tây ở Đông Âu để lên tiếng. Ngoài việc tuyên bố sẵn sàng đàm phán tích cực với phương Tây, Iran vẫn tỏ rõ lập trường cứng rắn. Mới đây, phát biểu tại một cuộc họp với các tướng lĩnh không quân Iran, Lãnh tụ tối cao nước này, Đại giáo chủ Ali Khamenei nêu rõ: Không đạt được thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Điều này cho thấy, Iran sẽ không dễ chiều theo các ý muốn của phương Tây mà sẽ giữ vững lập trường của mình. Do đó, chưa thể nói trước được rằng, Iran hay phương Tây sẽ xuống nước trước trong vòng đàm phán vào cuối tháng 3 tới cho một thỏa thuận chính trị, sau đó là một thỏa thuận cuối cùng vào ngày 30/6. Còn nếu như bên nào cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình thì vấn đề hạt nhân Iran sẽ vẫn là cái vòng luẩn quẩn mà chưa thể tìm ra một đường thẳng đến đích để giải quyết vấn đề.
Nguyễn Cao Biền