Buồn, vui chốn linh thiêng

(Baonghean) - Khi cái Tết cổ truyền qua đi, là đến mùa lễ chùa đầu năm. Dịp này, lượng khách đến với các đền, chùa trên địa bàn tỉnh rất đông, kéo theo đó nở rộ các dịch vụ, quán hàng, ăn xin, bói toán… với trăm nỗi vui buồn.

Đứng nép mình bên lối ra vào cổng đền, em Nguyễn Thị Hoa (14 tuổi) ở phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) cần mẫn mời chào những bó hương cho khách lên lễ. Thấy em còn nhỏ,  ăn nói lễ phép nên nhiều người dừng lại mua hàng. Mỗi bó hương em lời được vài ba ngàn, nếu may mắn bán hết trong ngày em cũng kiếm được dăm chục ngàn đồng phụ giúp cha mẹ tiền quần áo, sách vở. Trò chuyện với chúng tôi, em nói rằng: “Mấy ngày Tết em cũng muốn đi chơi lắm nhưng thấy bố mẹ làm việc cực nhọc, suốt năm, suốt tháng lo lắng cho gia đình nên em lấy ít hương ra đây ngồi bán. Ra cổng đền vừa kiếm được tiền lại được chơi, ngắm người qua lại nên em không còn thấy mình thiệt thòi”. Ngồi đối diện bên kia với Hoa là Lê Thị Phương. Năm nay Phương mới 13 tuổi, đang học lớp 4. Nhà đông con, bố mẹ làm nghề biển, lo cho 4 anh chị em học hành nên rất vất vả. Cứ mỗi dịp đầu năm, Phương lại được mẹ mua cho ít hương, giấy sớ ngồi bán trước cổng đền. So với những sạp hàng được bày bán cầu kỳ, những món hàng của Phương trông thật nhỏ bé, nhưng bù lại người đi đền thấy trẻ con bán hàng ai cũng thương và dừng lại mua. Qua mỗi một mùa lễ, chắt chiu là  Phương có đủ tiền để mua sắm sách vở, áo quần.
Hàng bánh đa trước cổng Đền Cờn (Thị xã Hoàng Mai).
Hàng bánh đa trước cổng Đền Cờn (Thị xã Hoàng Mai).
Nằm cách đền Cờn vài chục bước chân, có những quán hàng nước, hàng ăn cho khách đi thăm viếng nghỉ ngơi. Ngoài  nước chè xanh, thứ không thể thiếu là những món ăn dân dã do chính người dân trong vùng đem tới. Như bà Nguyễn Thị Côi,  năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân là bà lại lọ mọ gánh thúng bánh đa xuống cạnh đền Cờn ngồi nướng. Bếp than nóng đỏ, những chiếc bánh đa phết vừng được bàn tay bà lật qua, úp lại tỏa mùi thơm dễ chịu. Nhiều cháu bé được bố mẹ đưa đi đền cứ xúm xít quanh bà để được thưởng thức chiếc bánh đa vừa nóng, vừa giòn.
Ngừng nhai miếng trầu, bà Côi tâm sự: “Đền Cờn năm nào ra Tết cũng đông vui, nhộn nhịp. Ngồi đây nướng bánh đa, bán cho khách thập phương lòng chúng tôi cũng vui lây”. Đền Cờn, cũng không thể thiếu đặc sản của biển, đó là món cá trình, vừa thơm, vừa béo lại vừa rẻ tiền, dân dã. Chủ của những gánh hàng này là chị em trong làng biển Quỳnh Phương, tranh thủ dịp đền Cờn đông khách bán hàng kiếm thêm thu nhập. Chị Hồ Thị Thoa, một người bán hàng nơi đây cho hay: “Ngư dân miền biển quanh năm đầu tắt mặt tối, công việc vất vả, chẳng bao giờ ngơi chân, ngơi tay. Nhưng vào những dịp lễ hội, đền chùa đầu năm như thế này, được phục vụ cho du khách thập phương, lại kiếm được ít tiền lộc đầu năm nên chị em chúng tôi vui lắm”.
Ở chùa Cần Linh, khách đi chùa lâu năm ai cũng biết quán bún chay, nem chay được bán ở phía đối diện cổng chùa. Đây cũng có lẽ là ngôi chùa duy nhất ở Nghệ An phục vụ món chay cho người đi chùa, một tháng quán chỉ mở hai ngày, ngày rằm và ngày mồng Một. Chị Hạnh người có gần hai mươi năm bán bún chay cho biết: Cũng chẳng rõ cơ duyên nào khiến mình mở hàng nữa, có lẽ là bởi thời đó, khách đi chùa đông, người quy y lại thường có thói quen ăn chay trong ngày đầu tháng và rằm. Thế nên mấy chị em trong xóm mới bảo nhau mở quán bún chay để phục vụ khách đi chùa.
Cửa chùa, cửa đền cũng có những góc khuất khác, đó là những người ăn xin. Trong số đó, không ít  người lợi dụng cửa chùa, lợi dụng sự rộng lòng của khách thập phương để lê lết, đeo bám, gây nên cảnh tượng xấu. Có dịp về đền ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) dịp đầu năm mới hẳn sẽ thấy ngay từ đường vào cổng chùa, cùng một lúc có đến hàng chục người ăn xin chầu chực. Cảnh ăn xin người nằm, người ngồi, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu trông rất phản cảm. Ở đền Cờn, dù trung tá Dương Phúc Định – Trưởng công an phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) đã khẳng định năm nay cương quyết không cho người ăn xin vào trong khu vực đền  nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng dãy người ăn xin la liệt ở khu vực trước đền ngoài, thậm chí có không ít người còn cố ý đeo bám du khách gây phiền toái và hết sức phản cảm.
Rồi thì tình trạng bói toán, bốc quẻ ở cửa đền. Mỗi một lần bốc thẻ khách đi chùa đã phải trả từ 30.000 đồng – 50.000 đồng. Đáng nói là, hiện tượng này được thực hiện công khai, nhưng không thấy người nào ở ban quản lý đền chùa nhắc nhở. Hoặc cũng có thể mọi người “làm ngơ”, để mặc các thầy bốc quẻ tự do hoạt động. Hay như ở đền ông Hoàng Mười những tấm biển “nhận giải hạn” được dựng dọc khắp đường vào cổng chùa, hiển nhiên coi đó là một hoạt động công khai. Đêm đến, khoảng sau 12 giờ đêm đền vẫn nườm nượp người đi giải hạn. Chị Huệ, phường Cửa Nam từng giải hạn một lần ở đền Hoàng Mười băn khoăn: Nói giải hạn, rồi thắc mắc chuyện tiền bạc thấy có vẻ không thiêng, không tin thầy nhưng tôi thấy việc giải hạn hiện nay mang tính kinh doanh, dịch vụ quá. Như việc xin âm dương, thầy cầm đĩa lên là phải biết ý bỏ tiền vào, dù trước đó đã phải nộp tiền khi đăng ký.
Khách vãn cảnh chùa đầu xuân, mong tìm một khung cảnh yên tĩnh cũng cảm thấy khó chịu bởi hàng quán che kín đền chùa, người kì kèo giá cả, người văng tục chửi bậy làm mất đi sự linh thiêng vốn có. Cảnh nhếch nhác như một khu chợ hải sản gần đền Cờn cũng làm mất mỹ quan ngôi đền này, nhiều người cho rằng, tại sao không quy hoạch thành một khu vực dịch vụ riêng, chấm dứt cảnh người đứng người ngồi, người thì thắp hương cầu phật, người thì ăn uống... Cửa đền cũng sẽ không còn thanh tịnh khi thỉnh thoảng xen giữa mùi hương là  mùi cá, mùi khói tanh xốc vào nồng nặc. Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý tình hình an ninh trật tự và mỹ quan ở đền Hoàng Mười, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện đã nhiều lần quán triệt cho Ban quản lý đền và chính quyền xã Hưng Thịnh để xã có kế hoạch quản lý việc buôn bán kinh doanh ở đền. Nhưng hiện tại vì chưa có chế tài xử lý, xã lại chưa dứt khoát, còn cả nể vì người kinh doanh ở đền đa phần là người địa phương, người ăn xin lại từ nơi khác đến  thế nên tình trạng này tái diễn liên tục từ năm này qua năm khác…
Mùa lễ hội, mùa đi lễ “đến hẹn lại lên” những hoạt động “ăn theo” tái diễn mà chưa có một biện pháp dứt điểm nào để xử lý. Phải chăng trong vấn đề này, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương còn chưa nghiêm, phải chăng cần có lực lương thanh tra và chế tài xử phạt nghiêm khắc để chấn chỉnh những người vi phạm. Đến bao giờ, người dân và khách thập phương mới được hưởng một không khí đi lễ thanh tịnh trọn vẹn, đến bao giờ mới hết cảnh hàng quán chen lấn cảnh chùa… câu trả lời vẫn đang chờ các cơ quan chức năng lên tiếng.
Bài, ảnh: Mỹ Hà – Triều Dương

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.