Buông lỏng quản lý khai thác rừng trồng

28/03/2014 16:05

(Baonghean) - Theo Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT thì hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền địa phương, các cấp, ngành, sau đó mới được phép khai thác. Song, hầu hết các địa phương không quan tâm đến quy định này, việc khai thác rừng trồng là do sự thỏa thuận giữa chủ rừng và lái buôn gỗ. Điều đó dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, người trồng rừng bị ép giá, và nhiều hệ lụy khác.

Khai thác rừng trồng tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.
Khai thác rừng trồng tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.

Hàng năm, trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, người dân và các công ty, lâm nghiệp khai thác rất nhiều gỗ rừng trồng thuộc các dự án hỗ trợ của Nhà nước và người dân tự đầu tư. Khó có thể thống kê mỗi năm các địa phương khai thác bao nhiêu ha rừng và sản lượng gỗ như thế nào, giá trị kinh tế rừng vì thế cũng khó xác định. Bởi người dân khai thác rừng hầu hết tự liên hệ với các lái buôn gỗ, không làm hồ sơ thủ tục đăng ký khai thác gỗ rừng trồng. Vì thế xẩy ra tình trạng khai thác gỗ rừng trồng không theo một quy trình về lô, khoảnh, tiểu khu nào. Hậu quả là đất đai bị xói mòn, gây mất cân bằng môi trường sinh thái, tạo kẽ hở cho lái buôn ép giá thu mua rừng, gây mất trật tư an ninh xã hội… Có những nơi, người trồng rừng phải chấp nhận bán rừng với một giá rất thấp, tính ra 1 ha sau 6 năm trồng chỉ còn lãi 15 – 20 triệu đồng.

Những ngày về các xã miền núi của huyện Yên Thành và Tân Kỳ, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều khu đồi rộng lớn bị khai thác một cách trắng trợn. Điều đó có nghĩa, người dân khai thác rừng không khoa học, dẫn đến mặt đất dễ bị xói mòn khi có mưa to. Bên cạnh đó, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều gia đình đang khai thác gỗ rừng trồng. Khi hỏi thủ tục xin khai thác, thì ai cũng ngạc nhiên, rồi lắc đầu: Rừng mình trồng thì có quyền thu hoạch chứ thủ tục cái gì. Ông Trần Danh Thân, ở xóm Đồng Trổ, xã Đồng Thành (Yên Thành) đang thu hoạch 1,5 ha rừng keo cạnh tuyến đường Khùa, bộc bạch: Trước đây, anh nhận thầu 50 năm trên vùng đất rộng hơn 10 ha, sau đó nhượng lại cho một số hộ trong xóm 5 ha, gia đình còn 5 ha. Cách đây 5 năm, anh đầu tư trồng keo, từ đó đến nay anh đã thu hoạch lần thứ 2, lần đầu hơn 2 ha và lần này 1,5 ha. Hình thức bán rừng của anh là bán “quạ” cho đầu nậu, với giá 50 triệu đồng, phần cành ngọn gia đình tận thu. Hỏi trước khi khai thác rừng, gia đình anh có làm hồ sơ xin chính quyền địa phương không? Ông Thân trả lời: Đã 2 lần khai thác rừng trồng, chưa lần nào tôi làm hồ sơ xin xã, cũng chưa lần nào có cơ quan chức năng đến nhắc nhở, hướng dẫn. Không chỉ gia đình tôi, mà hàng chục hộ trong xóm, xã chưa thấy ai làm hồ sơ xin khai thác rừng trồng cả.

Anh Nhường - một lái buôn gỗ ở khu vực chợ Ong, xã Minh Thành, cho hay: Vào mùa thu hoạch gỗ tràm, tôi thường xuyên đi mua để khai thác, nhập cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh. Tùy theo mật độ và kích thước cây để trả giá, thường thì những diện tích khó khai thác, giao thông khó khăn là mua rẻ hơn. Từ khi làm nghề này, chưa khi nào tôi thấy chủ rừng làm hồ sơ xin khai thác rừng cả, việc vận chuyển gỗ ra địa bàn cũng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Xã Đồng Thành có gần 1.200 ha rừng sản xuất, trước đây bà con trồng theo chương trình hỗ trợ của các dự án: 4304, 327, Việt Đức, 661 và hiện tại là WB3. Ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND xã, nói: Mặc dù Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT đã triển khai tại địa phương từ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế các chủ rừng là hộ gia đình chưa báo cáo, hoặc làm hồ sơ xin chính quyền địa phương khai thác rừng trồng. Nghĩa là chính quyền địa phương chưa kiên quyết thực hiện các quy định của Thông tư 35. Tương tự như thế, xã Kim Thành, có 500 ha rừng keo được trồng từ năm 2005 đến nay.

Anh Nguyễn Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn bộ rừng trồng của địa phương từ trước đến nay do người dân tự liên hệ để bán, bán cho ai, ở đâu, bán như thế nào là chính quyền địa phương không quản lý được. Vì từ trước đến nay, chưa có cá nhân nào lập hồ sơ xin khai thác rừng gửi lên UBND xã. Chính quyền địa phương cũng chưa xử lý trường hợp nào khai thác rừng gỗ trồng không khai báo. Chỉ có cây gỗ trong vườn nhà, khi gia đình khai thác bán cho đơn vị nào đó dùng để trồng làm cây cảnh là khai báo để vận chuyển. Được biết, hiện tại người dân Kim Thành bán gỗ rừng trồng với giá 930 nghìn đồng/tấn (tại nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh), nhưng nếu chủ rừng nào thuê toàn bộ từ khai thác, đến bốc vác, xếp gỗ lên xe và vận chuyển đến nhà máy thì trừ 400 nghìn đồng/tấn, chủ rừng chỉ còn được nhận 530 nghìn đồng/tấn.

Huyện Yên Thành hiện có hơn 21.901 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 20.715 ha, trong đó rừng trồng gồm keo, bạch đàn là hơn 13.500 ha. Theo thống kê, mỗi năm Yên Thành trồng mới khoảng 1.000 ha rừng. Người dân vùng miền núi của Yên Thành biết lợi ích của việc trồng rừng, nên đầu tư mở đường, sau khi khai thác xong, quay trở lại trồng mới. Do vậy, mỗi năm Yên Thành khai thác khoảng từ 800 – 1.000 ha rừng trồng.

Trong khi rừng trồng của hộ gia đình khai thác không có kế hoạch thì tại các ban quản lý rừng thực hiện khai thác khá bài bản. Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có 3,4 nghìn ha đất rừng, trong đó có 1,6 nghìn ha đất rừng đang làm thủ tục chuyển nhượng cho Tổng Công ty kinh tế hợp tác Việt - Lào. Như vậy đơn vị còn khoảng 1,7 nghìn ha rừng trồng, toàn bộ đã giao khoán cho dân và cán bộ CNV. Theo quy định, khi cán bộ, CNV hoặc hộ dân khai thác rừng thì Ban quản lý thu 23% giá trị, do vậy đơn vị có kế hoạch tổ chức khai thác rừng trồng có quy trình, bài bản. Năm 2013, đơn vị khai thác gần 40 ha rừng trồng, từ đầu năm đến nay đã có 2 hộ làm hồ sơ xin được khai thác rừng trồng. Tất cả những cá nhân khai thác rừng đều được đơn vị xác nhận hồ sơ theo lô, khoảnh cụ thể, không có tình trạng tranh mua, tranh bán. Theo ông Phan Văn Sỹ - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, các cấp, ngành địa phương cần áp dụng Thông tư số 35 của Bộ NN&PTNT để khai thác rừng trồng một cách khoa học.

Theo quy định của Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT, UBND cấp xã, cấp huyện giải quyết các thủ tục khai thác, hạt Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của các chủ rừng, đơn vị khai thác để kịp thời đề xuất hoặc xử lý theo quy định. Thế nhưng trên thực tế, chính quyền cấp xã, huyện và hạt kiểm lâm hầu như “buông lỏng” trách nhiệm của mình, khiến việc khai thác, mua bán rừng trồng diễn ra một cách bừa bãi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Thực – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành thừa nhận, từ trước đến nay cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa làm tốt công tác này, nên Hạt không kiểm soát được cụ thể về khai thác rừng tại các địa phương như thế nào.

Việc vận chuyển, lưu thông gỗ trồng đi tiêu thụ vì thế cũng khó xử lý. Cách đây mấy năm, Hạt có xử lý 1 trường hợp tại xã Quang Thành, do khai thác rừng trồng sai quy trình. Ông Nguyễn Trọng Lễ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ, cho rằng: Thực tế, các chủ rừng là hộ gia đình tại các địa phương có báo cáo với chính quyền địa phương về khai thác rừng trồng là rất ít. Việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm khai thác rừng trồng trên địa bàn cũng chưa có. Còn đối với chính quyền địa phương cấp xã, theo tìm hiểu cho thấy những địa phương chúng tôi đến là không thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước về khai thác gỗ rừng trồng.

Theo ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Tân Kỳ, lâu nay chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng “buông lỏng” quản lý khai thác rừng trồng là phổ biến. Do vậy cấp huyện không thể đánh giá được một cách cụ thể, nhưng quan trọng hơn là gây mất cân bằng môi trường sinh thái, mất an ninh trật tự xã hội, xẩy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá giữa người mua với chủ rừng; các địa phương không đánh giá được giá trị thực của rừng trồng và không quản lý được việc sử dụng đất lâm nghiệp hợp lý. Qua đây, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần áp dụng Thông tư 35 của Bộ NN & PTNT để đảm bảo tính lợi ích của rừng mang lại cho gia đình và xã hội.

Qua đó cho thấy thực trạng “buông lỏng” quản lý khai thác rừng trồng trên là do thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương từ xã đến huyện và cơ quan chức năng là Hạt Kiểm lâm. Tình trạng này có thể khẳng định, không chỉ xẩy ra tại một vài nơi, mà là tình trạng chung trên địa bàn các địa phương vùng miền núi trong tỉnh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, từng bước thực hiện có hiệu quả Thông tư số 35 của Bộ NN & PTNT.

Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT, khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại, thì chủ rừng gửi 1 bộ hồ sơ về UBND cấp huyện để phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác, đồng thời thông báo cho UBND cấp xã để theo dõi. Hồ sơ gồm tờ trình đề nghị, bản thuyết minh thiết kế khai thác, sơ đồ vị trí khu khai thác, các chỉ tiêu kỹ thuật lâm sinh. Đối với khai thác gỗ rừng tập trung bằng vốn do chủ rừng tự đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ, thì chủ rừng gửi 1 bộ hồ sơ về UBND cấp xã để đăng ký. Hồ sơ gồm, bản đăng ký khai thác, bảng dự kiến sản phẩm khai thác.

Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Buông lỏng quản lý khai thác rừng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO