Ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng cao, Bill Gates nói Covid-19 đã bớt nguy hiểm
Biến thể Omicron là nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc những ngày gần đây tăng mạnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, số ca nhiễm ở nước này trong một tuần qua đã tăng mạnh do biến thể Omicron của Covid-19 tiếp tục hoành hành. Các trường hợp mắc mới ghi nhận trong ngày 19/2 là 102.200 ca, nhiều gấp đôi số người nhiễm được phát hiện vào hôm 10/2.
Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán, làn sóng ca nhiễm biến thể Omicron có vẻ sẽ bắt đầu đạt đỉnh trong khoảng cuối tháng này hoặc đầu tháng Ba, khi số ca nhiễm mới được dự đoán ở thời điểm đó đạt mốc 130.000-180.000 ca/ngày.
Người dân Seoul đi xét nghiệm hôm 18/2. Ảnh: Yonhap |
Dù vậy, chính quyền nước này gần đây vẫn quyết định nới lỏng một số lệnh hạn chế trong ngành dịch vụ, chẳng hạn như các quán cà phê hay nhà hàng sẽ được phép mở cửa đến 22h thay vì 21h như trước. Nhưng nhà chức trách vẫn quyết định chỉ cho phép tối đa 6 người được gặp gỡ riêng tư.
Số liệu y tế tính tới ngày 19/2 được hãng tin Yonhap công bố cho thấy, đã có hơn 30,3 triệu người, tức 59,1% dân số Hàn Quốc, được nhận mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tăng cường. Còn tỷ lệ người dân được nhận đủ liều vắc xin đạt 86,3% tổng dân số.
Bill Gates nói Covid-19 đã bớt nguy hiểm
Tỷ phú Bill Gates nói rằng nguy cơ từ dịch Covid-19 đã giảm bớt, nhưng chắc chắn một đại dịch mới sẽ xảy ra trong tương lai. “Chúng ta sẽ phải đối mặt với đại dịch mới, gây ra bởi dạng mầm bệnh khác liên quan đến họ virus này”, ông Bill Gates nói với cánh phóng viên ở Hội thảo An ninh thường niên tổ chức tại Munich, Đức.
Theo ông Gates, hiện đã “quá trễ” với mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 70% dân số thế giới vào giữa năm nay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra, nhất là trong bối cảnh hiện mới có 61,9% dân số thế giới được nhận ít nhất một liều vắc xin phòng Covid-19.
Nhà sáng lập tập đoàn Microsoft sau đó nhận định, nếu việc đầu tư nền y học được thực hiện ngay từ bây giờ, thì những đột phá trong công nghệ y tế sẽ giúp thế giới có vị thế tốt hơn để chống lại đại dịch mới. “Thế giới trong tương lai cần nhanh hơn trong việc phát triển và phân phối vắc xin, và các quốc gia nên đầu tư ngay từ bây giờ”, ông Gates nói.
“Lần sau trong đại dịch tới, thay vì 2 năm, chúng ta nên tạo ra vắc xin trong vòng 6 tháng. Chi phí để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với đại dịch tiếp theo không quá lớn. Nó không giống với sự biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta suy nghĩ hợp lý, chúng ta có thể chặn đứng đại dịch tiếp theo từ sớm”, tỷ phú Gates nói thêm.
Hong Kong tăng cường công tác chống dịch
Tờ Channel News Asia dẫn lời người đứng đầu đặc khu Hong Kong, Trung Quốc, Carrie Lam cho hay, chính quyền nơi đây sẽ thiết lập 10.000 giường bệnh tại hai cơ sở cộng đồng mới, với sự giúp đỡ từ chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, 114 nhân viên y tế Trung Quốc trong ngày 19/2 đã được điều đến để giúp đỡ giới chức đặc khu này phòng chống dịch.
Theo dữ liệu từ giới chức Hong Kong, các nhân viên y tế nơi đây trong ngày 19/2 đã phát hiện thêm 6.063 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 kể từ khi dịch bùng tại đặc khu này lên 46.763.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 20/2 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 423,4 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 5,9 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 348,2 triệu trường hợp.