Ca trù ngày xuân

03/01/2013 14:33

Mùa Xuân đối với xứ sở Hoan Châu quê tôi không chỉ là mùa của lễ hội, mà còn là mùa các ca, cầm của các “gánh hát nhà trò-nhà tơ” ở làng trên, xóm dưới trong huyện, trong xã thi nhau luyện giọng, luyện đờn. Từ khi ca trù Diễn Châu hồi sinh, nhiều làng, nhiều xã đã có các tổ, các nhóm, các câu lạc bộ (CLB) ca trù rồi từ đó mà nhu cầu được xem diễn xướng môn nghệ thuật độc đáo này dường như đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.

(Baonghean) - Mùa Xuân đối với xứ sở Hoan Châu quê tôi không chỉ là mùa của lễ hội, mà còn là mùa các ca, cầm của các “gánh hát nhà trò-nhà tơ” ở làng trên, xóm dưới trong huyện, trong xã thi nhau luyện giọng, luyện đờn. Từ khi ca trù Diễn Châu hồi sinh, nhiều làng, nhiều xã đã có các tổ, các nhóm, các câu lạc bộ (CLB) ca trù rồi từ đó mà nhu cầu được xem diễn xướng môn nghệ thuật độc đáo này dường như đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.

Lễ hội Đền thờ Thục An Dương Vương, lễ mừng thọ, lễ tế tổ tiên các dòng họ... là dịp các đại hàng, tiểu hàng nhà tơ (CLB ca trù của huyện, của các xã) nhận được nhiều “đơn đặt hàng” đi biểu diễn. Trong Lễ hội Đền Cuông, những tiết mục ca trù ở sân đền sau lễ yết cáo là món “đặc sản” rất gây được ấn tượng đã góp phần thu hút nhiều du khách đến với lễ hội. Riêng ở Diễn Yên, Diễn Hoa - hai địa phương có di tích Đình Cháy, đình Phượng Lịch gắn với ca trù thì không khí chuẩn bị cho ngày khai hội ca cầm của các đào, kép càng rộn rịp, khẩn trương. Nghệ nhân Nguyễn Tài Khoản, vừa là Phó Chủ nhiệm CLB ca trù huyện kiêm Chủ nhiệm CLB ca trù Diễn Yên, vừa là một kép đờn cự phách đang cùng vợ con dàn dựng mấy tiết mục hát ru, hát nói và xẩm huê tình cho các đám ra Giêng. Gần chục năm nay, gia đình ông Khoản là một “tiểu hàng ca trù” không những có tiếng ở Diễn Yên vốn là cái nôi của ca trù Kẻ Lứ, mà còn không ít lần cùng CLB ca trù huyện “mang chuông” đi đánh ra tận đất Hà Thành.



Hát ca trù ở đền Phượng Lịch.

Rời Kẻ Lứ, chúng tôi quay về Phượng Lịch cũng được chứng kiến không khí chuẩn bị của CLB ca trù Diễn Hoa cho ngày Xuân thật rộn ràng. Đến đầu ngõ nhà thơ Cao Xuân Thưởng đã nghe tính tang, tòm chát... ứ hử ư hừ của các đào, kép đang say sưa luyện giọng, luyện đờn. Ông Thưởng không phải là hội viên của CLB nhưng là người rất am hiểu ca trù, là tác giả của nhiều bài ca trù lời mới nổi tiếng; ông đã dày công giúp đỡ CLB ca trù xã nhà, là cố vấn đắc lực cho CLB ca trù huyện dàn dựng nhiều tiết mục giành được giải cao trong các kỳ giao lưu – liên hoan ca trù trong khu vực và toàn quốc. Hễ CLB ca trù đi biểu diễn ở đâu, ông cũng cố gắng thu xếp công việc để đi theo; có khi hứng lên, ông xin “xuống chiếu” làm quan viên cầm chầu, hoặc đóng vai cầm đờn như một cụ kép thứ thiệt!

Nói đến ca trù Diễn Châu không thể không “đáo” qua làng Đoài-Diễn Liên, một trong những chiếc nôi của ca trù huyện nhà. Đây là quê của cụ kép Trần Hải - một kép đờn cự phách của tiểu hàng nhà tơ Kẻ Lứ một thời vang bóng. Cây đàn đáy mà cụ kép họ Trần đang dùng hồi ấy đã có tuổi thọ gần 150 năm là “gia bảo” từ đời ông nội của cụ Hải để lại. Một thời gian dài, ca trù Diễn Châu và cả xứ Nghệ trong cơn “chết giấc”! May mà có nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, một nghệ nhân dân gian, người rất say mê ca trù đã bỏ công sức gần cả chục năm trời đi sưu tầm các làn điệu ca trù và “đốt đuốc” đi tìm lại các nghệ nhân già ở các địa phương còn sót lại để làm nòng cốt truyền dạy gây dựng lại phong trào hát ca trù cho huyện nhà. Chính thầy Nguyên đã “tầm” ra cụ kép Trần Hải, còn mấy o Ngọc Mai, Thu Hòa, Bích Loan... là những đào nương trẻ được thầy Nguyên phát hiện đào tạo và lập nên nhóm ca trù đầu tiên của Diễn Châu và từ cái “tiểu hàng nhà tơ” ban đầu này, thầy Nguyên đã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy, để nhân rộng phát triển thêm nhiều người biết hát, và thích hát ca trù ở các địa phương để rồi sau đó (năm 2002) lập nên “đại hàng nhà tơ” Phủ Diễn - chính là CLB ca trù huyện nhà ngày nay.

Nhờ có sự tâm huyết với ca trù của những người như thầy Nguyên, ông Thưởng, của các nghệ nhân già như cụ kép Trần Hải... mà CLB ca trù Huyện nhà không ngừng phát triển, để rồi không đầy 3 năm sau, lần lượt 6 “tiểu hàng” ca trù của các xã Diễn Liên, Diễn Yên, Diễn Hoa, Diễn Mỹ, Diễn Xuân và Diễn An ra đời; và từ đây phong trào đàn hát ca trù ở Diễn Châu càng được nhân rộng. Ca trù từ đây được coi như là một “đặc sản” trong “thực đơn” ngày Xuân của các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng ở quê tôi. Không những thế, ca trù Diễn Châu còn gây được tiếng vang sau mỗi lần “mang chuông đi đánh đất người”! Trong các năm 2005, 2009 và 2010, CLB ca trù Diễn Châu đã giành 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng trong liên hoan ca trù khu vực và toàn quốc; đặc biệt tại Liên hoan các CLB ca trù toàn quốc 2011, ca trù Diễn Châu đã đoạt 1 giải Nhất về hát, 1 giải Nhất múa và 1 giải tài năng trẻ về đàn đáy. Từ năm 2005, CLB ca trù quê tôi đã được Viện Âm nhạc quốc gia công nhận là 1 trong 15 CLB ca trù của các địa phương trong toàn quốc có ca trù.


Trần Cảnh Yên (Diễn Thịnh, Diễn Châu)

Mới nhất
x
Ca trù ngày xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO