Cá voi dạt vào bờ là điềm lành trong tín ngưỡng của ngư dân

27/05/2016 10:25

(Baonghean.vn) - Dọc 82 km bờ biển ở Nghệ An có dày dặn các công trình tâm linh liên quan đến tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi) - đức cứu hộ ngư dân gặp nạn trên hành trình chinh phục biển khơi và có rất nhiều điểm cá voi chết dạt vào bờ. Ngư dân những vùng biển này vẫn cho rằng, chuyện cá ông dạt vào bờ là một điềm lành cho làng biển.

Ngày 25/5, một con cá voi khổng lồ mắc cạn tại bờ biển xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Cơ quan chức năng và người dân địa phương đã cứu hộ thành công, thả cá về với biển.

Ngày 27/5, ngư dân Diễn Thịnh báo về cho biết, phát hiện xác cá voi cách bờ khoảng gần 1km, đã phân hủy. Đoàn công tác của Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Nghệ An đang tiếp cận xác cá voi bị chết để xử lí.

Đoàn tàu tham gia Lễ cầu ngư ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Đoàn tàu tham gia Lễ cầu ngư ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Không nhớ đã bao lần tôi đặt chân đến cửa biển Lạch Vạn. Mỗi dịp về với vùng đất này, mùi vị tanh nồng của hải sản phảng phất bên những xóm làng ven lạch vẫn khiến lòng tôi nôn nao cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Con lạch dài chưa đầy chục cây số ôm ấp, nuôi nấng biết bao kiếp người sinh ra và lớn lên nơi đây. Biển bao dung ban phát cho con người hải sản nhưng cũng ẩn chứa vô vàn hiểm nguy rình rập. Và cư dân biển Lạch Vạn ngàn đời biết ơn biển, biết ơn sự linh ứng của cá Ông cứu giúp họ thoát khỏi tai ương giữa trùng khơi.

Tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân vùng ven biển huyện Diễn Châu có từ lâu đời, chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Theo truyền thuyết, vào một ngày giông tố đầu thế kỷ XVIII tại cửa biển Lạch Vạn, khi các ngư dân trên con tàu gặp nạn đang chống chọi với sóng to gió lớn bỗng nhiên xuất hiện một ngài cá Ông to lớn cặp thân mình vào mạn thuyền và đẩy thuyền vào bờ biển thuộc làng Lý Nhân (nay là xã Diễn Ngọc). Cứu được ngư dân thoát nạn, ngài kiệt sức và tử vong ngay sau đó. Cả làng Lý Nhân thương tiếc làm nghi lễ chôn cất để tang như người thân quyến, xây đền thờ cúng ngài tại làng Lý Nhân. Trải qua thời gian nhiều biến động, ngôi đền sau này bị phá dỡ. Miếu ngư Ông ở làng Ngọc Minh hiện là ngôi miếu duy nhất ở vùng ven biển Diễn Châu thờ cá Ông. Trở thành nơi ngư dân Diễn Châu nương náu trong mỗi chuyến ra khơi. Niềm tin có ngài bảo vệ trên biển đã giúp họ mạnh dạn vươn khơi bám biển...

Có dịp về với vùng đất Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) tôi được ngư dân ở đây kể nhiều câu chuyện huyền bí mà ngỡ mình đang lạc vào miền cổ tích nào đó. Xóm nhỏ Phú Liên hướng mặt ra biển Đông, là vùng bãi ngang cong cong hình cánh buồm. Ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này hẳn đều có tâm trạng xốn xang. Trên doi đất hướng ra biển này còn có ngôi đền nhỏ tựa lưng vào núi Hòn Kiến.

Ông Trần Văn Tráng, người trông coi đền kể rằng, ngày xưa có một con rết khổng lồ hàng ngày bò từ trong hang núi xuống bãi biển, không ai trực tiếp gặp, nhưng mọi người đều chứng kiến dấu chân rết để lại trên mặt đất. Đặc biệt, từ khi rết xuất hiện, việc đánh bắt hải sản của dân làng thuận lợi, nên mọi người bàn nhau lập đền thờ thần rết. Chính vì vậy, ngôi đền có tên là đền Rết. Sau nhiều biến động, ngôi đền từng bị phá dỡ và sau này khi việc làm ăn không thuận lợi, người dân Phú Liên bàn nhau xây dựng lại đền. Ngôi đền mới dẫu không còn được bề thế như trước nhưng là nơi sinh hoạt tâm linh của cư dân trong vùng. Điều đặc biệt, đền Rết cũng chính là nơi bà con ngư dân thờ cá Ông với mong muốn được ngài phù hộ trong mỗi chuyến ra khơi. Cạnh đền Rết còn có ngôi mộ cá Ông được cư dân cải táng, xây lăng chu đáo khi ông lụy bờ vào vùng đất thiêng này.

Ông Hồ Xuân Trí - Phó trưởng thôn Đại Bắc kể rằng, đến thời điểm này không ai nhớ chính xác ngôi mộ có từ bao giờ, nhưng người dân nơi đây ai cũng thuộc làu chuyện cá Ông lụy bờ được người dân tổ chức tang lễ trọng thể cùng với nhiều câu chuyện ly kỳ.

Theo đó, vào thế kỷ XIX, khi ngài dạt vào bờ, nhiều người dân đã cố gắng đưa lên đất liền để mai táng, nhưng do ngài quá lớn nên không thể. Không còn cách nào khác, mọi người quyết định rạch thịt ngài ra để lấy xương chôn cất. Theo truyền miệng, ngài cá Ông này dài 120m, thân từ bụng đến lưng cao gần 5m.

Sau khi ngài yên nghỉ tại Đại Bắc được 2 - 3 năm, người dân trong làng thấy việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ra khơi thuận buồm xuôi gió nên đã lập đền thờ. Lúc đầu đền thờ chỉ có 1 tòa, 5 năm sau đền được tu bổ xây dựng thành 3 tòa, mỗi tòa có 3 gian và đây là một trong những ngôi đền lớn nhất Nghệ An thời đó. Ngôi đền đã được các Vua triều Nguyễn sắc phong. Người dân bản địa hiện còn lưu truyền một số câu chuyện khá ly kỳ nữa nói về sự linh thiêng của ngôi đền này gắn với một số sự kiện diễn ra tại địa phương vào năm 1970...

Đền Làng Hiếu thờ thần cá Ông.
Đền Làng Hiếu thờ thần cá Ông.

Tại vùng biển Cửa Hội, cư dân nơi đây còn kể nhau nghe chuyện vị chủ thuyền buôn chuyên giúp người nghèo được cá ông cứu giúp. Ngày xưa có một người làm nghề lái buôn, hay làm việc thiện. Ông cùng đoàn thuyền của mình đi khắp nơi, từ Nam ra Bắc để buôn bán lấy tiền cứu giúp người nghèo. Một hôm, trên đường về thuyền bị cướp, ông bị rơi xuống biển. Người lái buôn chìm nổi theo làn sóng dữ thì có một con cá lớn bơi ngang qua, liền bám vào. Đến nửa đêm, cá Ông nghiêng mình thả người lái buôn vào đất liền. Để tỏ lòng biết ơn, ông thuê người xây nhà, dựng cơ nghiệp nơi vùng đất này (Cửa Hội bây giờ) và thường vớt xác cá Ông trôi dạt vào bờ để chôn cất, thờ cúng cẩn thận.

Tục thờ thần cá Ông đã có từ lâu đời, trong tâm thức của ngư dân Cửa Hội, cá Ông chính là vị thần hộ mệnh mỗi khi bám biển. Không thể nhớ hết nơi đây đã vớt được bao nhiêu xác cá Ông, nhưng người dân Cửa Hội thường rỉ tai nhau rằng, trước đây ở vùng đất thiêng này được sự che chở của một cá Ông to bằng chiếc tàu, hễ thuyền bè gặp nạn, gặp sóng to gió lớn lại xuất hiện sự cứu giúp. Khi cá Ông mất, trôi dạt vào bờ phải dùng tới 30 đôi chiếu mà vẫn không đắp được hết. Ở vùng Cửa Hội, ngoài đền Làng Hiếu thờ thần cá Ông với 97 ngôi mộ cá, thì tại các làng biển nơi đây còn có những ngôi mộ khác.

Vào đầu năm mới là dịp cư dân Nghệ An thể hiện sự thành kính đối với cá Ông, trong đó độc đáo nhất vẫn là Lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông của cư dân vùng biển, là một hoạt động mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Đây còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Người dân thắp hương mộ cá Ông ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc).
Người dân thắp hương mộ cá Ông ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc).

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 10 đền, miếu thờ cá Ông trải dài từ thị xã Hoàng Mai đến Cửa Hội. Trong đó huyện Quỳnh Lưu chiếm số lượng nhiều nhất với 5 đền, miếu tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Tiến Thủy. Ngoài ra, hàng năm nhiều địa phương tổ chức Lễ hội cầu ngư, một số nơi tổ chức lễ rất trang nghiêm, quy mô vượt ra khỏi phạm vi địa phương, thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của ngư dân Việt nói chung, ngư dân Nghệ An nói riêng.

Niềm tin đối với biển quê hương nơi có ngư ông phù trợ giúp ngư dân vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển. Và, ước nguyện vươn ra biển lớn của ngư dân như được tiếp thêm sức mạnh khi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đóng tàu công suất lớn, nhất là khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ được ban hành. Chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo đòn bẩy để tăng công suất, năng lực đánh bắt thủy hải sản trên biển. Trong thời gian qua, nhiều chiếc tàu lớn đã được hạ thủy mang lại tin tưởng, hy vọng cho mỗi ngư dân...

Lan Thái - Vương Vân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cá voi dạt vào bờ là điềm lành trong tín ngưỡng của ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO