Các anh còn sống mãi

08/01/2012 16:19

(Baonghean.vn) - Trong chuyến công tác tại Trường Sa, bên cạnh việc chứng kiến cuộc sống gian khổ, thiếu thốn và tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi còn được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động về tình đồng đội, tình cảm quê hương giữa đất liền và hải đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Những ngày đầu năm mới 2012, tàu HQ 936 thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi đến khu vực đảo Cô Lin, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ánh bình minh rọi chiếu trên đảo chìm Cô Lin, càng làm nổi bật lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng tung bay giữa gió ngàn đại dương.

Đúng 8 giờ, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 936 và Đoàn công tác Lữ đoàn 146 quân phục chỉnh tề tập hợp trên boong tàu, thực hiện nghi thức tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc vào tháng 3 năm 1988 tại khu vực này. Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó chính ủy Lữ đoàn - Trưởng đoàn công tác tuyến giữa quần đảo Trường Sa nói: "Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 mãi mãi khắc ghi tấm gương dũng cảm của các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương anh hùng đó là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với toàn thể quân, dân Trường Sa hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách,hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi quần đảo đầy bão tố này…".



Nghi thức tưởng niệm các liệt sĩ được tổ chức trên boong tàu HQ 936

Những nén nhang trầm được cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 936 và Lữ đoàn Trường Sa cắm lên vòng hoa giản dị, khói nhang vương vấn trên boong tàu. Những trái bưởi, táo, cam mang hương vị quê nhà được gắn vào vòng hoa, rồi thả xuống mặt biển xanh ngời ngợi. Khẩu lệnh phát ra: "Toàn tàu! Một phút mặt niệm 64 liệt sĩ đã hi sinh, bắt đầu!". Biển chợt lặng yên, chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn tàu…

Nữ phóng viên trẻ Hồng Nhạn (Báo Ninh Thuận) lần đầu tiên ra Trường Sa ngoài nhiệm vụ tuyên truyền còn thực hiện một ý nguyện thiêng liêng nữa. Chị mang theo gói kỷ vật của chị Nguyễn Thị Dung ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa gửi cho liệt sĩ Võ Đình Tuấn, một trong 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Hồng Nhạn cho chúng tôi biết: "Chị Dung là người yêu của chiến sĩ Võ Đình Tuấn. Năm 1987, tại Nha Trang hai người chia tay nhau, anh Tuấn ra Trường Sa làm nhiệm vụ còn chị Dung tiếp tục học ở Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Sau khi anh Tuấn hy sinh, mười năm sau chị Dung mới lập gia đình. Ước nguyện của chị Dung là muốn một lần được ra Trường Sa, để gửi cho anh Tuấn những kỷ vật của hai người, gồm có những lá thư, những trang nhật ký và tấm ảnh đen trắng chụp chung hai người trước lúc chia tay mà anh Tuấn chưa bao giờ được xem…".

Qua lời kể của Hồng Nhạn, chúng tôi biết rằng, suốt 23 năm qua, chị Dung vẫn thường viết thư, viết nhật ký giành cho liệt sĩ Võ Đình Tuấn với bao nhiêu lời yêu thương cảm động. Và hôm nay, những trang thư, những trang nhật ký ấy sẽ được gieo vào lòng biển cả, gửi đến một người lính biển đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương… Chúng tôi xin được trích một vài đoạn thư và nhật ký ấy: "…Không biết giờ này linh hồn Tuấn đang ở nơi đâu với 63 đồng đội của mình. Dung muốn tận tay vốc một ngụm nước mặn nơi Tuấn hy sinh, nơi Tuấn đã ra đi mãi mãi… Con sóng nào đã cuốn Tuấn đi xa, và đã mang theo cả trái tim Dung… Cầu mong Tuấn và đồng đội bình yên!". "Quê nhà,…. Tuấn ơi, nếu Dung biết đó là lần vĩnh biệt thì Dung đã để cho Tuấn cầm tay, Dung sẽ ngả vào lòng Tuấn, và cũng có thể trao cho Tuấn một nụ hôn, một nụ hôn mà sau một thời gian dài quen biết và yêu thương mà cả hai đứa đều không dám…".


Mấy năm trước đây, sau khi 4 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy tại khu vực đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, gia đình, người thân liệt sĩ Võ Đình Tuấn đã được lấy mẫu để xét nghiệm AND, nhưng rất tiếc, vẫn chưa tìm được… Theo anh Nguyễn Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong, trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ vào ngày 12-1-2011 tại khu vực các đảo chìm Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, bức thư của cụ Võ Ta và bà Phan Thị Đay là cha, mẹ của liệt sĩ Tuấn đã được hóa vàng, thả xuống lòng biển mênh mông sâu thẳm…

Chúng tôi bước lên đảo chìm Len Đao khi con nước thủy triều lên cao. Đại úy Ngô Gia Thế, Đảo trưởng cho biết: "Cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên huấn luyện, tổ chức luyện tập thành thục các phương án chiến đấu. Dù ở giữa biển khơi nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn đảo luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không phụ lòng tin của đất liền, xứng đáng với sự hi sinh của bao nhiêu thế hệ người Việt gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng Tổ quốc".

Trong nắng chiều chói chang, chúng tôi nhận thấy dải cát trắng phía Tây Nam đảo Len Đao nổi lên rất rõ và trông giống như hình bản đồ nước Việt Nam thu nhỏ. Thiếu úy Nguyễn Xuân Trung đang phiên gác trên đảo chìm cho chúng tôi biết, cứ mỗi khi hoàng hôn, đứng trên sân thượng ngôi nhà nổi được gắn nhiều tấm pin mặt trời, nhìn dải cát hình chữ S và sóng biển xanh dào dạt miệt mài xô đẩy, vun lên từng hạt cát san hô làm dải cát ngày càng lớn, rộng, anh càng thấm thía hơn trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mình nơi đây.

Tạm biệt đảo chìm Len Đao, Cô Lin, tàu HQ 936 nhổ neo, chúng tôi hành quân tiếp về đảo chìm Đá Đông. Một đợt áp thấp nhiệt đới đang tràn qua quần đảo bão tố này. Và dường như vòng hoa tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ vẫn còn kia, lẩn khuất nơi đường chân trời. Cũng giống như chị Nguyễn Thị Dung, chúng tôi xin gửi vào biển cả ngàn lần yêu thương... Với chúng tôi, các anh còn sống mãi trong lòng dân tộc…
T.H- email từ Trường Sa


Trần Hoài

Mới nhất
x
Các anh còn sống mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO