Các lễ hội mùa xuân miền tây xứ Nghệ
Hội Mường HamLâu nay, các lễ hội cổ truyền của người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An là Lễ hội Hang Bua (Thẳm Bua), lễ...
Lâu nay, các lễ hội cổ truyền của người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An là Lễ hội Hang Bua (Thẳm Bua), lễ hội Mường Ham và lễ hội đền Chín gian (Tến Cau Hoong).Hội Mường Ham
Người Thái vốn có tín ngưỡng hướng tâm về nguồn cội, quan niệm vạn vật hữu linh – Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có “Thần vía” để tạo ra chỗ dựa tinh thần. Mỗi con người có hàng ngàn cái vía, mỗi ngọn núi con sông, mường bản, cái cây, đều có “chủ vía” linh thiêng. Việc thờ cúng vía và lễ hội thực chất để cầu mong mọi điều tốt lành, con người hoà đồng thiên nhiên, sống đoàn kết yêu thương, có trước có sau, có đạo lý giữa các thế hệ và ghi công đức tổ tiên.
Tây Bắc Nghệ An vốn từ rất lâu đời nổi tiếng với các vựa lúa như "Tồng huống", Châu Quang, Châu Cường (Quỳ Hợp), Mường Miếng, Mường Pòn, Mường Chiêng Ngam (Quỳ Châu) , Mường Noọc, Tiền Phong (Quế Phong). Điều đó chứng minh người Thái đã có nền văn minh lúa nước từ rất xa xưa. Những tên đồng tên ruộng đã đi vào câu ca điệu khắp của bà con. Cho đến ngày nay, dù đã có các hệ thống thủy lợi tưới tiêu mới như Kẻ Cọc, Mường Cuồng, Tồng Huống thì chúng ta vẫn thấy những chiếc cọn nước miệt mài dẫn dòng nước mát lên đồng ruộng; ngày xuân, bà con thường rủ nhau đi thăm các hang động, thác nước, đền thờ và vui chơi lễ hội.
Theo các tài liệu điền giã thì Đền chín gian ở Quế Phong, (Tến cau hoong) do dòng họ Lo Kăm lập nên khoảng hơn 17 đời. Dòng họ này thiên di từ Tây Bắc Việt Nam qua Lào rồi dạt về vùng Phủ Quỳ. Trước đây đền được dựng tại Pú Chờ Nhà thuộc địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong, sau đó được chuyển đến đồi Póm Tên (núi Đền). Lý do di dời có nhiều khảo dị khác nhau, nhưng theo một giả thiết thì chúa mường lúc ấy là Tạo Hiền, hậu duệ của Lo Y từng là dòng dõi hoàng tộc ở kinh đô Luông Pha Bang (nước Lào) bị người anh bức hại dạt về mường Quế, được thần quạ cứu sống, lập nên Mường Tôn (tức mường gốc). Sau này đất mường sinh sôi nảy nở đã chia thành nhiều mường lớn như Mường Nọc, Mường Chơ Le, Mường Quàng, Mường Mừn, Mường Hin, Mường Kạt, (thuộc Quế Phong). Mường Chiêng Ngam, Mường Miếng, Mường Pòn (Phủ Bọn) (thuộc huyện Quỳ Châu) Mường Ham (thuộc huyện Quỳ Hợp). Mỗi Mường bản có một Chầu Mường (Chúa mường) cai quản và trong tầng lớp quý tộc Mường bản ấy có các Tạo. Mỗi mường bản lại có một sự tích và giai thoại riêng. Mường Ham (hay còn gọi là Mường Hám- Tức khiêng, ngày nay thuộc địa phận xã Châu Cường huyện Quỳ Hợp) tương truyền "Mường Hám mi Xám xíp Tạo" (Mường Hám có 30 Tạo), khi ngồi uống rượu mất vui vì ai cũng đều là Tạo, là tầng lớp quý tộc nên không ai phục vụ cho ai.
Ngày xưa, mỗi dịp thờ cúng ở đền Chín gian, mỗi Mường phải đóng góp 10 con trâu và tổ chức trong nhiều ngày. Khi đã chuyển đền sang đồi Póm Tên, số trâu cúng mới giảm, mỗi Mường chỉ góp một con. Riêng Mường Noọc (Mường Tôn) góp trâu bạc, còn các Mường khác góp trâu đen. Vì thế trước sảnh đền Chín gian hiện được xây hình tượng chín con trâu nằm bên chín cái nồi vạc chuẩn bị chầu lễ cho chín quan Tạo- Những vị thành hoàng lập nên chín bản. Và ngôi đền cũng được gọi là Chín gian (Cau hoong). Phần lễ ở Đền này đầu tiên là lễ thờ thần núi thần rừng (Xơ phí pú, phí pà), lễ yết cáo, lễ rước lễ vật tế thần, Phắn quai (Chém trâu), lễ thờ thần trời, tổ tiên và thổ địa (Đây là đại lễ chính) và phần hội có các hoạt động văn hoá thể thao như các lễ hội khác.
Cách Đền Chín gian 15 km có Hang Bua (Thẩm Bua) thuộc địa phận xã Châu Tiến của huyện Quỳ Châu. Với vẻ đẹp kỳ thú, huyền bí của nó, trong hang còn cónhững hình tượng: Gường nàng, ngai tiên, ếch thần, đàn tiên...
Hang Thẩm Bua,còn là dấu tích loài người cổ cách đây hơn 20 vạn năm. Ngày trước vua Bảo Đại đã cất công đến nơi này chiêm ngưỡng cảnh tiên và vui hội hang với bà con mường bản. Lễ hội Hang Bua mang ý nghĩa thư giãn sau một năm làm ăn khó nhọc, vất vả với công việc đồng áng, nương rãy, và là niềm hân hoan mừng đón năm mới và mùa xuân vì vậy lễ Hội hang Thẩm Bua mang hình thức đậm nét về sinh hoạt văn hoá hang động với nhiều sinh hoạt văn hoá bản sắc của người Thái như ném Còn, thi bắn nỏ, Cà kheo, ẩm thực, thi người đẹp, nhảy sạp, tủng Loọng, thi hát đối đáp dân ca, cồng chiêng, canh cửi, làm hương trầm… Trước đây lễ hội này chỉ bà con người Thái ở mường Chiêng Ngam gồm các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận, Châu Thắng, Châu Hạnh và Châu Hội, của huyện Quỳ Châu thì nay đã thu hút cả : “Chín châu mười mường”,từ nhiều huyện trong tỉnh đến dự.
Đến hội hang không khó như trước đây, Quốc lộ 48 đã được rải nhựa phẳng lỳ thuận tiện cho du khách muôn nơi, chỉ 3 tiếng đồng hồ từ thành phố Vinh, ta có thể lên du ngoạn hội hang.
Còn Lễ hội Mường Ham cũng có từ rất lâu nhưng sau đó gián đoạn do chiến tranh và bây giờ được khôi phục với sự quyết tâm của huyện Quỳ Hợp theo định hướng của Bộ văn hoá thể thao và du lịch với đề án xây dựng vùng văn hoá Thái gốc.Lễ hội này cũng diễn ra trong dịp vui xuân mừng đón năm mới, thờ cúng thành hoàng người đã có công dựng bản lập mường. Mường Ham gồm nhiều bản, tương truyền Tạo Nọi là con trai duy nhất của Tạo Mường Tôn- Mường gốc từ huyện Quế Phong về lập bản dựng mường, xây dựng nên các mường Khủn Tinhvà Mường Ham, nay là các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Thành, Châu Thái, Châu Sơn và Châu Quang huyện Quỳ Hợp.Tại đây, xã Châu Cường huyện Quỳ Hợpđã khôi phục lại đền thờ ghi nhớ công đức của Tạo Nọi. Đây là đền thờ nhánh của đền Chín gian thuộc huyện Quế Phong. Vì thế kiến trúc đền cũng theo kiểu nhà sàn như đền Chín gian và đến hội, không chỉ bà con người Thái ở Quỳ Hợp mà cả ở Quỳ Châu, Quế Phong cùng chung vui. Lễ hội Mường Ham được mở ra sớm nhất trong các lễ hội Thái ở miền Tây Nghệ An, ngay trong tết Nguyên Đán. Cũng như lễ hội hang Thẩm Bua, lễ hội Mường Ham là nơi phô diễn lưu giữ các giá trị văn hoá bản sắc của cộng đồng Thái và các dân tộc anh em. Tuy quy mô không lớn bằng lễ Hội Hang Thẩm Bua ở Quỳ Châu nhưng lễ Hội Mường Ham có tính chất đậm nét của các sinh hoạt đón năm mới và mùa xuân, vì sau lễ hội này là ngày khai hạ và hội xuống đồng tăng gia sản xuất. Nét đặc trưng của lễ hội này là cầu mong cho năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Nhìn chung, các lễ hội điển hình vùng miền Tây Nghệ An đều có mối tương quan đồng nhất, gắn bó mật thiết và nổi bật ý nghĩa của nó là mừng đón năm mới, ghi công và đề cao công trạng các vị thành hoàng dựng bản lập mường, khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc.
Lang Quốc Khánh - Đài PTTH Nghệ An