Các ngân hàng thương mại vẫn thờ ơ
(Baonghean) Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.729 doanh nghiệp, 587 hợp tác xã và những năm qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2011, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.417 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái kinh tế trong nước, thời gian qua các doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là tính đến hết tháng 6/2012 đã có 3.824 doanh nghiệp bị giải thể, đóng mã số thuế (chiếm 37% tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh); 946 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Theo đó, việc thực hiện các nghĩa vụ Nhà nước từ phía các doanh nghiệp giảm đáng kể.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2012, thuế nội địa mà các doanh nghiệp nộp đã giảm 11% và thuế xuất khẩu giảm gần 30% so với cùng kỳ. Theo số liệu công bố của UBND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, trong 6 tháng đầu năm 2012, GDP của tỉnh Nghệ An tăng 5,02%; Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 34 dự án đầu tư trong nước, 10 dự án điều chỉnh và 2 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 8.500 tỷ đồng và 30,5 triệu USD; thu ngân sách đạt 2.508 tỷ đồng, chỉ bằng 60% cùng kỳ năm ngoái và mới đạt 41,3% kế hoạch dự toán...
Chưa ngân hàng nào thông báo đưa mức lãi suất xuống dưới 15%/. Ảnh: Q.L
Tại cuộc họp phiên thường kỳ của Thường vụ Tỉnh ủy và cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII mới đây, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Đồng chí Hồ Đức Phớc – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp giảm thuế, xác định giá thuê đất, nguồn vốn về kích cầu, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vấn đề huy động vốn và cho vay theo chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn; yêu cầu các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp...
Theo thông tin mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, đến nay trên địa bàn Nghệ An hầu hết các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc việc áp dụng lãi suất cho vay 13% đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu tiên có đủ điều kiện; lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác phổ biến từ 14 – 16%/năm; lĩnh vực không khuyến khích khoảng 17 – 18%/năm...
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cũng cho biết: Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 13/2012/NQ - CP của Chính phủ, Thông tư số 83/TT - BTC của Bộ Tài chính, sau đó gửi tài liệu qua email cho tất cả các doanh nghiệp và tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc hiện nay của từng doanh nghiệp để giải quyết ngay từng trường hợp.
Ngoài ra, Cục Thuế Nghệ An cử cán bộ hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện kê khai để được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của Chính phủ và Thông tư 83 của Bộ Tài chính, đồng thời kiểm tra các điều kiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế sau khi doanh nghiệp tự kê khai và đã được hưởng gói hỗ trợ; Phối hợp với Sở Tài chính rà soát, lập phương án cụ thể gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính theo quy định tại Thông tư 83... Dự kiến tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất được miễn, giảm và gia hạn cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ được áp dụng trên địa bàn Nghệ An khoảng trên 264 tỷ đồng.
Các sở, ban, ngành khác của tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ như: Sở Công thương đã cử 4 đoàn công tác trực tiếp đến 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương để nắm tình hình và bước đầu đã tháo gỡ được một số khó khăn, tạo được niềm tin trong sản xuất kinh doanh thời gian tới; Sở Tài chính đã thực hiện điều chỉnh lại giá thuê đất đối với các hợp đồng thuê đất hết thời hạn ổn định 5 năm theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP... Sở KH&ĐT đang gấp rút triển khai hoạt động theo mô hình “một cửa liên thông” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2012 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thực hiện cải cách thủ tục hành chính triệt để trong công tác kinh doanh.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn, vấn đề tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp hiện nay vẫn rất khó khăn do các ngân hàng thương mại đưa ra quá nhiều điều kiện ngặt nghèo. Nhu cầu vốn cho đầu tư và vốn lưu động của doanh nghiệp rất lớn, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đảm bảo cho sản xuất kinh doanh, việc tái cơ cấu nợ, đảo nợ gặp quá nhiều khó khăn. Bởi vì phần lớn các doanh nghiệp đang phải vay vốn ngân hàng trước đó với lãi suất cao, bây giờ muốn vay mới thì phải thanh toán hết nợ cũ, trong khi đó tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp trước đây khoảng 70%, nhưng nay ngân hàng chỉ cho vay tối đa 50%, hàng hóa tồn kho nhiều gây ứ đọng vốn và cũng không thể đem thế chấp. Nhiều doanh nghiệp hiện đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi nợ quá hạn. Không có nguồn vay đáo hạn nên doanh nghiệp không có cách gì để tiếp cận được nguồn vốn mới lãi suất thấp...
Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn ngành hạ mức lãi suất các khoản vay cũ đối với doanh nghiệp đã vay trước đây xuống dưới 15%/năm, thế nhưng đến hết ngày 17/07 hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao trung bình khoảng 17 – 18%/năm, thậm chí có những trường hợp phải chịu lãi suất gần 20%/năm. Ông Phan Quang – Giám đốc Công ty CP gạch Tuynel Xuân Hòa (huyện Nam Đàn) cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi đang phải chịu 3 khoản vay cũ ở 3 ngân hàng khác nhau. Tình hình kinh tế khó khăn, sản phẩm ứ đọng phải hạ giá rất thấp nhưng vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp đang mong chờ ngân hàng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thế nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ngân hàng nào thông báo đưa mức lãi suất xuống dưới 15%/năm cả”.
Hoàng Hảo